Nhìn 4 cây mai bonsai của mình cho hoa quá đẹp, năm 2001, anh Lê Hoàng Minh Phụng (TP.HCM) quyết định nhân giống để tự tạo công ăn việc làm, thu nhập cho mình. 

Từ người làm thuê thành ông chủ

Anh Lê Hoàng Minh Phụng, 47 tuổi, ở phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM sở hữu vườn mai rộng hàng ngàn mét vuông. Chỉ vào cây mai đặt giữa sân nhà, anh Phụng khoe, cây này có tuổi đời hơn 100 năm, may mắn lắm anh mới mua được.

Anh Phụng kể, dịp cuối năm 2019, anh lên mạng tìm nơi bán mai trồng tự nhiên để mua về ghép thì thấy có người đăng tin bán cây. Vừa nhìn thấy cây mai 5 thân, cành uốn lượn, bộ rễ nổi lên mặt đất, anh rất ưng. Sau khi xác nhận thông tin người bán là một cụ ông 70 tuổi ở Vĩnh Long, anh chạy xe xuống xem cây trực tiếp, thương lượng giá.

“Đây là cây của một nghệ nhân mê mai vàng đã mất từ lâu, người con trai 70 tuổi thay cha chăm sóc. Do cần tiền, sức khỏe yếu nên cụ quyết định bán dù rất tiếc. Trước tôi, có mấy người đến trả giá nhưng cụ không bán vì thấy họ không yêu cây. Tôi là người thương lượng được”, anh Phụng kể.

Từ 4 cây mai trồng vì đam mê, anh nông dân thu 5 tỷ/năm
Cây mai hơn 100 tuổi anh Phụng mua của nghệ nhân ở Vĩnh Long.
Từ 4 cây mai trồng vì đam mê, anh nông dân thu 5 tỷ/năm
Cây có bộ rễ nổi lên mặt đất, tủa khắp nơi.

Anh Phụng cho biết, dịp Tết vừa qua mai cho hoa rất đẹp. Nhiều người đến chơi, nhìn thấy cây mai rất muốn sở hữu, trả giá cao nhưng anh Phụng không bán. “Đây là cây mai đẹp nhất tôi có được trong suốt hơn 30 năm trồng và chơi mai”, ông chủ vườn mai Sài Gòn nói.

Nói về cơ duyên với cây mai, anh Phụng kể, ngày còn thanh niên, anh là người đi làm thuê cho các vườn cây cảnh và có niềm đam mê đặc biệt với loại cây này. Mỗi dịp Tết, anh thường mua một cây mai về trưng. Cây trưng xong mấy ngày Tết thì héo, hư hoặc thúi gốc phải vứt bỏ.

Sau này, anh chuyển sang chơi mai bonsai, cây nhỏ nhưng cho hoa đẹp. Rút kinh nghiệm những lần trước, anh xuống tận nhà vườn tìm mua. “Hồi đó, tôi mua được 4 cây mai ghép bonsai, giá 400.000-500.000 đồng/cây. Cứ trưng xong Tết, tôi gửi cho nhà vườn chăm”, anh Phụng kể.

Năm 2001, nhìn bốn cây mai của mình cho hoa đẹp, anh Phụng nghĩ tại sao không nhân giống loại cây này bán ra thị trường, tự tạo việc làm, thu nhập cho mình. Nghĩ là làm. Anh bắt tay vào phát cây dại, cải tạo khu đất của bố mẹ bắt đầu làm nông dân.

Thời điểm đó, mai ghép bắt đầu thịnh hành trên thị trường, anh Phụng chọn giống này vì dễ trồng, dễ chăm sóc, cho hoa đẹp. Để có kiến thức, kinh nghiệm anh tìm đọc tài liệu, sách báo viết về kỹ thuật trồng mai ghép, tìm đến các hộ có kinh nghiệm để học tập và xin thực hành.

Từ 4 cây mai trồng vì đam mê, anh nông dân thu 5 tỷ/năm
Từ cây đến chậu trồng được người chủ trước chăm chút rất tỉ mỉ.

Sau năm tháng học lý thuyết, anh bắt tay vào ghép mai. Đầu tiên, anh thử nghiệm trồng 40 cây trước. Anh tìm đến các nhà vườn mua mai trồng trên đất về ghép với phôi mai có sẵn. Cây nào cành nhiều, anh ghép mắt. Cây nào cành ít, anh ghép cành.

Hai năm sau, anh tăng lên 300 cây. Cây nào cũng cho hoa đẹp, bán được giá.

Khó nhất là canh mai nở đúng mùng 1 Tết 

Năm 2006, anh Phụng bỏ ra một tỷ đồng đầu tư ghép 2.000 cây mai, với hy vọng cuối năm sẽ thu hồi vốn. Không may, thời tiết Sài Gòn những ngày cuối năm đó lạnh dưới 23 độ C nên mai không thể nở bông. “Năm đó, tôi mất trắng. Cả năm bỏ ra bao nhiêu công sức, tâm huyết để cuối năm thu tiền vậy mà công sức đổ sông đổ biển”, anh rầu rĩ kể.

Buồn, nhưng anh Phụng không nản chí. Anh tiếp tục bón phân, tưới nước, tạo dáng, uốn cành cho cây chuẩn bị cho vụ sau. Năm 2007, thời tiết đẹp nên mai bung nở, anh thu được vốn.

Lần thất bại thư hai của anh là vào năm 2012, cũng do thời tiết lạnh. May là năm đó, anh chỉ lỗ 30-40% so với vốn bỏ ra.

Do nhu cầu của thị trường, mấy năm qua, anh Phụng chuyển sang ghép mai cho thuê chứ không bán như trước. “Khách hàng bây giờ thà bỏ ra vài triệu thuê một cây vài về trưng Tết, năm sau đổi cây khác chứ ít người bỏ tiền ra mua cây”, anh Phụng nói.

Hiện trong vườn của anh Phụng, ngoài hơn 1.000 cây mai khách gửi nhờ chăm sóc giúp, còn có gần 2.500 cây mai ghép để cho thuê dịp cuối năm.

Anh Phụng cho hay, những cây mai khách gửi có giá chăm sóc dao động từ 500.000-1 triệu đồng/cây/năm. Còn số cây mai anh chăm sóc để cho khách thuê có giá từ 5-10 triệu đồng/cây tùy vào tuổi đời, dáng cây. Từ các nguồn thu cộng lại, mỗi năm anh thu nhập 4-5 tỷ đồng.

Từ 4 cây mai trồng vì đam mê, anh nông dân thu 5 tỷ/năm
Mỗi năm, vợ chồng anh Phụng thu 4-5 tỷ từ dịch vụ chăm sóc và cho thuê mai ngày Tết.

Theo anh Phụng, mai ghép dễ trồng, sau 2-3 năm đã cho thu hồi vốn. Tuy nhiên, có nhiều nhà vườn cây trồng lâu năm, gốc to mà chưa có hoa hay hoa ít nên nóng lòng, phá bỏ để trồng cây mới. “Trồng mai thì phải kiên trì và hiểu đặc điểm, sở thích, tính tình của cây. Nó cũng giống như con người. Không phải cứ bón phân, tưới nước là đáp ứng nhu cầu của cây”, anh Phụng chia sẻ.

Với những cây trồng lâu năm mà không ra hoa, theo anh Phụng, người trồng nên cắt bỏ các cành cũ để cây ra cành mới. Sau đó, tỉa bỏ và sắp xếp các chồi non để cây ra tán mới. Khoảng 7-8 tháng sau có thể lấy hom hay mắt của cây giống khác (tốt hơn) ghép vào.

Anh nói, ghép mai thì nên ghép vào mùa khô. Vào mùa mưa cũng có thể ghép nhưng phải bảo vệ kỹ để nước không ngấm vào làm thối vết thương.

“Cây mai tuy ít sâu bệnh nhưng thường sâu đục thân tấn công. Vì vậy, khi phát hiện thấy phân sâu như mùn cưa xuất hiện trên thân, cành, phải tìm ngay lỗ đục của nó để chữa trị”, anh lưu ý.

Thông thường, khoảng ngày 15/12 (âm lịch) anh bắt đầu kích hoa cho cây. Tuy nhiên, không phải cây nào cũng có thể ra đúng ý, mà tùy từng cây căn làm sao để hoa ra đồng đều.

“Chăm sóc mai khó nhất là làm sao cây ra hoa khoảng 30% đúng mồng 1 Tết. Số hoa còn lại sẽ nở lai rai vào mồng 2, mồng 3, mồng 4 Tết. Đây là áp lực của nhiều nhà vườn, đòi hỏi người chăm phải hiểu cơ địa, nết của từng cây”, anh Phụng chia sẻ.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, bão lũ nên có thể tác động tới việc kinh doanh, nhưng anh Phụng đã chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như nguồn vốn dự trữ để tránh rủi ro.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bonsaitrồng maivườn mai

Các tin liên quan đến bài viết