HĐXX nhận định do tình hình chuyển biến tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phạm Văn Minh.
TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Minh (cựu gGiám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm Phú An Sinh) về tội sử dụng trái phép tài sản.
HĐXX nhận định bị cáo phạm tội như đã truy tố nhưng do tình hình chuyển biến tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên miễn trách nhiệm hình sự.
Ban đầu, ông Minh bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 19 năm tù về tội này.
Sau khi TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm cuối năm 2016 tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, cơ quan điều tra (CQĐT) đã đổi tội danh sang tội sử dụng trái phép tài sản. Đầu năm 2017, ông Minh được tại ngoại điều tra sau gần một năm bị tạm giam.
Theo hồ sơ, từ ngày 23/8/2010 đến ngày 30/11/2010, ông Minh đại diện Công ty Phú An Sinh ký hợp đồng nhận tiền tạm ứng vốn ngân sách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tiền này ông Minh để thực hiện chương trình phòng, chống dịch heo tai xanh và chương trình bình ổn giá trên địa bàn với cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn vốn lại sau khi hoàn thành các chương trình. Tuy nhiên, sau đó công ty này không sử dụng vốn đúng mục đích, không hoàn trả vốn tạm ứng ngân sách.
Công ty đã tạm ứng vốn của Sở NN&PTNT tỉnh 35 tỉ đồng để tham gia chương trình thu mua, giết mổ heo trữ đông nhằm bình ổn giá thị trường và phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh. Ngoài ra, công ty nhận số vốn tạm ứng 16,5 tỉ đồng của Sở Công Thương tỉnh.
Công ty đã sử dụng vốn sai mục đích của các chương trình là 22 tỉ đồng. Tại thời điểm khởi tố vụ án, công ty đang nợ ngân sách 34 tỉ đồng.
Theo CQĐT, với vai trò là giám đốc, ông Minh trực tiếp thỏa thuận, đề xuất phương án, ký hợp đồng nhận tiền, cam kết thực hiện đúng chương trình… Vì vậy, ông Minh phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng vốn không đúng mục đích. Tuy nhiên, cựu giám đốc này cùng công ty đã trả bớt khoản nợ của Sở Công Thương, trả dần số nợ của Sở NN&PTNT.
Vận dụng luật có lợi cho bị cáo
Tội danh sử dụng trái phép tài sản được quy định tại Điều 142 BLHS 1999 và Điều 177 BLHS 2015.
Theo Công văn 276 của TAND Tối cao thì Điều 142 BLHS cũ nặng hơn Điều 177 mới nên cần áp dụng Điều 177 khi xử tội này. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 142 BLHS cũ có cấu thành cơ bản sẽ nhẹ hơn nếu trong trường hợp bị cáo phạm tội mà không có tình tiết tăng nặng định khung khác để chuyển khung.
Từ đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ căn cứ vào số tiền thì xác định bị cáo phạm tội ở khoản 1 Điều 142 BLHS cũ, dù số tiền đó lớn đến mức nào.
Khoản 1 Điều 142 BLHS cũ quy định vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Trong khi khoản 1 Điều 177 BLHS mới thì xác định số tiền vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Nghị quyết 41 về thi hành BLHS mới có nêu các điều khoản của BLHS năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng.
Đối chiếu với hành vi của bị cáo thấy rằng cấu thành cơ bản của Điều 142 BLHS cũ từ 50 triệu đồng đến không giới hạn nên so với khoản 1 Điều 177 là 100-500 triệu đồng. Nếu vận dụng Điều 177 BLHS mới là nặng hơn nên đủ căn cứ để áp dụng Điều 142 BLHS cũ. Theo nghị quyết, quy định có lợi cho bị cáo thì được áp dụng khi tội phạm xảy ra trước khi BLHS 2015 có hiệu lực.
Nhiều người liên quan
Liên quan tới vụ án này, nhiều cán bộ của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, quá trình điều tra xét không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên VKSND tỉnh đã quyết định đình chỉ vụ án.
Ngoài ra, có một số người liên quan được cơ quan điều tra xác định có sai phạm nhưng không đủ căn cứ để xử lý hình sự.
|
Theo Dân việt