Châu Âu rối loạn
Cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga tiếp tục leo thang, dần động chạm tới những lĩnh vực nhạy cảm như dầu, khí đốt. Đích đến có thể là những lệnh cấm hoàn toàn năng lượng từ Nga và có thể gây thiệt hại nặng nề cho Kremlin cũng như EU.
Ngày 27/4 vừa qua, Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã ngừng xuất khẩu khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp như yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong sắc lệnh được ban hành vào ngày 31/3.
Đây là một bước leo thang căng thẳng giữa Nga và EU, đồng thời trả đũa đối với các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây đã áp lên Moscow vì cuộc chiến xảy ra ở Ukraine.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ngay sau đó cho biết, Ba Lan và Bulgaria đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng thuộc EU.
Thông tin sau đó trên Reuters cho thấy, Ba Lan nhập khẩu đốt của Nga thông qua Đức. Khi đốt từ Đức được chuyển ngược lại Ba Lan qua đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu, khối lượng tương đương lượng khí đốt trong hợp đồng giữa Ba Lan và Gazprom trước đó.
Các quan chức EU cho biết bộ trưởng năng lượng của các quốc gia thành viên trong khối sẽ gặp mặt để thảo luận về tình hình này vào ngày 2/5.
Giá dầu và khí tiếp tục tăng lên khi giới đầu tư lo ngại sẽ có thêm quốc gia EU bị cắt khí đốt.
Như vậy, căng thẳng Nga-EU đã lên cao điểm và nguy hiểm khi dầu và khí, vốn là hai lĩnh vực châu Âu không áp đặt các lệnh trừng phạt, giờ trở thành quân bài trong một cuộc chiến mới.
Châu Âu đã suy tính việc cấm nhập khẩu năng lượng. Trong khi đó, Nga cũng yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp thay vì đồng euro hoặc USD, nếu không sẽ bị khoá van.
Giá khí đốt tại châu Âu tăng dựng đứng sau động thái Nga ngừng cung cấp khí cho Ba Lan và Bulgaira. Trong cuộc họp trong tháng 5, EU có lẽ sẽ đáp trả động thái này của Nga, song đây là bài toán khó bởi châu Âu nhập khẩu tới 40% khí đốt từ Nga.
Một số quốc gia EU trong tình trạng rối loạn và muốn Ủy ban châu Âu (EC) hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức thanh toán khí đốt mua từ Nga. Nhiều nước không có bất kỳ giải pháp thay thế nào ngoài việc chấp nhận các yêu cầu của điện Kremlin.
Đến nay, có 4 công ty châu Âu thực hiện thanh toán bằng đồng rúp, dù không rõ họ có phải đến từ các nước thuộc EU hay không. Những doanh nghiệp khác cũng chuẩn bị mở tài khoản bằng đồng rúp.
Không chỉ buộc các nước “không thân thiện” thanh toán bằng đồng rúp, Tổng thống Putin cảnh báo các lực lượng bên ngoài sẽ phải đối mặt “phản ứng chớp nhoáng” bằng vũ khí tiên tiến nhất của Moscow nếu can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Cắt nguồn tiền khổng lồ của Nga
Nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc dầu khí của EU vào Nga không nằm ngoài mục tiêu cắt nguồn tiền khổng lồ vẫn được các nước tại châu Âu cung ứng đều đặn cho Kremlin thông qua việc mua dầu khí.
Theo Viện Tài chính Quốc tế Mỹ (IIF), xuất khẩu dầu mỏ của Nga đang đạt “tốc độ kỷ lục” trong tháng 4, doanh thu từ hoạt động này “có khả năng cao hơn đáng kể” (dù khối lượng giảm) so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga nhưng xuất khẩu than đá chỉ đóng vai trò nhỏ so với dầu mỏ và khí đốt. Số tiền có được từ xuất khẩu dầu và khí của Nga sang châu Âu vẫn tăng vọt do giá dầu khí tăng cao.
Theo Foreign Policy, một số quốc gia tham gia trừng phạt Nga đã “làm suy yếu nghiêm trọng nỗ lực của họ” bằng cách mua các nguồn năng lượng của Nga. Nga vẫn thu về ít nhất 1 tỷ USD mỗi ngày từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Phần lớn trong khoản doanh thu đó đến từ châu Âu.
Việc Nga khóa van với các nhà nhập khẩu lớn khiến nước này mất một khoản tiền khổng lồ. Tuy nhiên, giá khí lại đang tăng vọt, ngay sau khi Nga áp lệnh tương tự với Ba Lan và Bulgaria. Cuộc chiến có thể kéo dài, khi nhu cầu tích trữ dầu và khí cho mùa đông sắp tới sẽ lớn dần.
Hiện tại, một số nhà nhập khẩu tính tới việc mở hai tài khoản ở ngân hàng Gazprombank (ngân hàng không bị trừng phạt) và trả euro vào tài khoản đầu tiên, sau đó yêu cầu ngân hàng chuyển số tiền đó thành đồng rúp.
Một lệnh trừng phạt dầu thô toàn diện của EU nhằm vào nước Nga có thể sẽ hủy hoại ngành công nghiệp vốn đang phải vật lộn với khó khăn tại nước này. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu chưa có phương án thay thế dầu và khí nhập từ Nga. Các ông lớn dầu khí Mỹ chưa có kế hoạch tăng sản lượng, trong khi Trung Đông cũng không mấy mặn mà với đề xuất của Tổng thống Mỹ Biden về gia tăng sản lượng dầu.
Nga gặp khó, phương Tây cũng không dễ
Cái đích của phương Tây là không phụ thuộc và năng lượng của Nga, không nhập khẩu dầu khí của Nga. Ông Putin cũng tính tới phương án chuyển dòng chảy năng lượng từ châu Âu sang châu Á. Tuy nhiên, châu Á khó giải cứu được Nga khi mà châu Âu áp trừng phạt dầu mỏ của Nga.
Nút thắt về hạ tầng tại châu Á cũng như sức ép chính trị từ phương Tây có thể cản trở dòng chảy năng lượng của Nga từ châu Âu sang châu Á bởi khối lượng quá lớn. Châu Âu vốn chiếm hơn nửa xuất khẩu khí đốt và dầu thô của Nga.
Nhật Bản và Hàn Quốc là các khách hàng lớn của Nga tại châu Á. Tuy nhiên, đây cũng là hai đồng minh của phương Tây. Do vậy, hai nước này sẽ chịu sức ép chính trị từ Mỹ. Trung Quốc trong khi đó đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế do sự bùng nổ làn sóng lây nhiễm Covid.
Phương Tây cũng gặp khó khí không giải cứu được nhau trong ngắn hạn để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Sau cuộc khủng hoảng giá dầu rớt mạnh xuống mức âm trong năm 2020, hầu hết các tập đoàn dầu khí tại Mỹ không hào hứng với ý tưởng tận dụng thời cơ này để khoan thêm dầu. Các nhà đầu tư không chắc chắn rằng giá dầu duy trì ở mức cao đủ lâu để có thể mở thêm các giếng dầu mới.
Tới nay, EU vẫn chưa đạt được thống nhất về bất kỳ hình thức trừng phạt nào nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt của Nga. EU vẫn chưa có đủ sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên đối với một lệnh cấm vận hoàn toàn hoặc thuế quan trừng phạt đối với nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Đức và Hungary thuộc nhóm nước lo ngại nhiều nhất về chi phí nhiên liệu tăng vọt nếu ngừng mua hai mặt hàng này từ Nga.
Nguồn: vietnamnet