Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên đã lên đường nhập ngũ bảo vệ đất nước. Hòa bình lập lại, khi trở về sum họp bên gia đình, người thân, những người lính năm xưa, trong đó có người bị thương tật nặng, vẫn tiếp tục vượt khó vươn lên, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
CẢ GIA ĐÌNH CÙNG LÀM CÁCH MẠNG
Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thành Sơn (1957), thương binh hạng 4/4, ngụ thôn 1, xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) có 6 người thì 5 người trực tiếp tham gia cách mạng. Ông Sơn kể, cha ông là Nguyễn Đường (sinh năm 1921, quê ở Quảng Ngãi) từng tham gia du kích chống Pháp những năm 1945-1946, đến năm 1958 hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên đưa cả gia đình vào ấp Thuận Kiện, xã Đa Kia, quận Phước Bình, tỉnh Phước Long (cũ) lập nghiệp. Năm 1965, cả gia đình gồm mẹ là bà Nguyễn Thị Lê (1925), chị Nguyễn Thị Cảnh (1955), em gái Nguyễn Thị Trà Liên (1959) và ông vào rừng Bù Gia Mập hoạt động cách mạng. Còn cha ông tham gia du kích tại địa phương. Tháng 10-1970, trúng bom của địch, mẹ ông hy sinh nhưng 3 chị em vẫn ở lại hoạt động đến năm 1975, khi đất nước giải phóng mới về. Năm 1974, ông Sơn bị thương, tỷ lệ 21% do trúng bom của địch.
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Thành Sơn vui vẻ với các cháu nội
Cuộc sống sau chiến tranh gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng gia đình thương binh Nguyễn Thành Sơn tích cực khai hoang trồng bắp, lúa, mì, chăn nuôi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2000, vợ ông đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. 17 năm, một mình ông vẫn ở vậy nuôi 7 người con trưởng thành, trong đó 5 người đã lập gia đình riêng, người con trai thứ 6 đang học đại học năm thứ 4, con trai út mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. Hiện gia đình ông có 4 ha đất trồng tiêu, điều, cao su, lúa nước, thu nhập bình quân đạt gần 300 triệu đồng/năm. Năm 2016, được hỗ trợ 40 triệu đồng cùng sự đóng góp của các con và bản thân, ông đã xây dựng được căn nhà cấp 4 trị giá 300 triệu đồng. Ngoài giỏi nuôi con, làm kinh tế, ông Sơn còn có 10 năm làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và đi đầu trong tất cả khoản đóng góp ở địa phương. Năm 2016, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen “Thương binh vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi”.
NỮ TÙ BINH GAN DẠ
Năm 15 tuổi, bà Hoàng Thị Siêu (1952) tham gia du kích và nhập ngũ tại Tỉnh đội Thừa Thiên – Huế. Trong trận chiến đấu năm Mậu Thân 1968, tổ công tác của bà Siêu gồm 2 nữ, 1 nam bị bắt. Dù bị địch đánh đập, bức cung trong nhiều giờ nhưng không một ai khai báo về bí mật của cách mạng. Không khai thác được thông tin, địch đưa bà và đồng đội về giam ở nhà lao Quy Nhơn. Đến năm 1970, quân cách mạng đánh mạnh ở Buôn Ma Thuật, địch chuyển nhà lao về Cần Thơ. Ngày 15-2-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, buộc địch phải trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh. Sau thời gian ngắn nghỉ dưỡng sức, bà Siêu cùng đồng đội tiếp tục được bổ sung tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tháng 4-1975, bà được tăng cường cho huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế; đến 1978 thì xuất ngũ do mất sức với tỷ lệ thương tật 21%.
Niềm hạnh phúc của vợ chồng thương binh Hoàng Thị Siêu
Năm 1994, gia đình bà Siêu vào thôn 3, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng sinh sống, lập nghiệp. Phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, không quản ngại gian khó vừa khai phá đất trồng trọt, chăn nuôi ổn định kinh tế gia đình, vừa nuôi 6 người con ăn học nhưng bà vẫn dành thời gian cho các hoạt động xã hội ở địa phương. Năm 1998, bà được bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã và chỉ 2 năm sau đó được bầu làm Chủ tịch hội suốt 2 nhiệm kỳ. Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà tích cực vận động chị em tham gia hội, nhất là chị em dân tộc thiểu số; bình quân mỗi năm hội vận động xây dựng 1 căn nhà tình thương tặng hộ nghèo. Chồng bà là ông Nguyễn Hữu Cường, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào và đóng góp cho các hoạt động ở địa phương. Gia đình thương binh Hoàng Thị Siêu được huyện Bù Đăng công nhận là “Gia đình cách mạng tiêu biểu” năm 2016.
NGƯỜI CÔNG DÂN KIỂU MẪU
Cựu chiến binh Nguyễn Hải Hà (1953), bệnh binh 61%, ngụ thôn 4, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng. Ngày 25-5-1971, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 320B. Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị ông tham gia mặt trận 31 Lào và giải phóng Lào năm 1973. Sau khi Hiệp định Viêng Chăn được ký kết, ông cùng đồng đội bổ sung vào Trung đoàn 149, Sư đoàn 316 ở Tân Kỳ, Nghệ An. Đầu năm 1975, trung đoàn mở màn trận đánh tại sân bay Hòa Bình – Buôn Ma Thuật, sau đó hành quân về Trảng Bàng – Tây Ninh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đơn vị ông lại di chuyển ra Lai Châu đánh địch. Năm 1988, ông xuất ngũ hưởng chế độ bệnh binh 2/3 với quân hàm đại úy, chức vụ trợ lý Chính trị Lữ đoàn 575, Quân khu I.
Cựu chiến binh Nguyễn Hải Hà – người công dân kiểu mẫu bên vợ
Năm 2003, ông đưa gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Dù bị bệnh nặng do di chứng chiến tranh nhưng về với cuộc sống đời thường ông luôn là công dân gương mẫu, đảng viên mẫu mực, tích cực đóng góp cho địa phương. Trong các phong trào của xã, thôn, hội cựu chiến binh, ông luôn nhiệt tình hưởng ứng. Ông được trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi đảng, năm 2016 được huyện Bù Đăng chứng nhận là “Người công dân kiểu mẫu”.
Nguồn Báo Bình Phước