Đang mơ màng ngủ ở dưới gầm bàn, tôi chợt giật mình khi nghe có tiếng bước chân của ông chủ. Đúng ra thì tôi không giật mình bởi tiếng động của bước chân mà bởi nghe trong tiếng bước chân của ông chủ hôm nay có gì đó rất khác lạ, nó có âm vọng gì đó thể hiện sự vui vẻ và hoạt bát hơn thường ngày.

Không phải đợi lâu, bóng ông chủ đã hiện ra lờ mờ ở khuôn cửa của gian buồng thường xuyên tối tăm. Có mùi lạ, giá như ngày xưa, lúc vẫn còn trẻ ấy thì tôi đã có thể nhận biết ngay ra đó là mùi gì. Song bây giờ thì chiếc mũi đã có dấu hiệu của tuổi già, dẫu đã cố dướn cổ về phía trước để đánh hơi nhưng tôi đành chịu chết không thể nhận ra được thứ mùi đó. Không thể nằm đoán mò, tôi vội đứng dậy vươn vai cho giãn gân cốt rồi từ từ tiến đến bên chân ông chủ. Sau khi dí sát chiếc mũi già nua vào chiếc ống quần và hít vào mấy hơi thật sâu thì tôi mới phát hiện ra đây là cái quần mà chỉ khi nào phải đi ra phố huyện thì ông chủ mới mang ra mặc.

– Bông ra để tao khóa cửa!

Truyện dự thi: Dưới gầm bàn - Ảnh 1.

Hình minh hoạ truyện dự thi Dưới gầm bàn. Hoạ sĩ Bùi Tiến Hoà

Ra ngoài vào lúc này không phải là một ý tưởng hay bởi bên ngoài trời đang mưa phùn và rất lạnh, gió bấc thúc giật từng cơn khiến cái lạnh cứ len sâu, thốc thẳng vào trong như muốn cắt đi từng mảng da, từng thớ thịt… Nhưng lệnh của ông chủ thì không thể không tuân theo. Vả lại chính ông chủ cũng phải đi ra ngoài vào lúc này thì phận chó như tôi không có lý gì để mà từ chối. Tôi cố dựng chiếc đuôi lên rồi ngoe nguẩy mấy cái để thể hiện mình cũng vui vẻ tuân lệnh chứ không phải miễn cưỡng. Ông chủ khoá cửa xong mới quay xuống nhìn tôi nói.

– Mày trông nhà nhé! Tao đi đón bà chủ và cậu chủ đây… À mà có cả cậu chủ nhỏ về nữa đấy…

Trong lúc tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu khái niệm “Cậu chủ nhỏ” là gì thì ông chủ đã ngồi lên xe máy rồi rồ ga phóng vụt ra cổng.

Đang dở giấc, tôi cố nép sát mình vào góc sân nơi giao nhau giữa bậc thềm nhà chính và nhà ngang để tránh trú cái lạnh cuối đông mà ngủ tiếp. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy cả cô chủ và cậu chủ cùng về chơi. Cậu chủ vừa bước vào đến sân thì chạy ào tới chỗ tôi đang nằm rồi ngồi xuống vừa dùng tay vuốt lên bộ lông xù trắng muốt của tôi vừa cười nói:

– Xin chào Bông! Mày có khỏe không?

Tôi sung sướng vội thả lỏng người ra để đón nhận cái vuốt ve trìu mến của cậu chủ. Bỗng tôi chợt rùng mình vì một luồng gió lạnh len lỏi qua lớp lông dày chạm tới phần da thịt. Mở mắt, tôi thảng thốt khi không thấy bàn tay cậu chủ đâu mà chỉ thấy gió lạnh đang vuốt ve khiến lớp lông trắng đục phất phơ, nghiêng ngả theo từng cơn gió giật.

Cái lạnh khiến tôi tỉnh ngủ và bất giác ngước mắt nhìn ra góc vườn bên cạnh. Ở đó chỉ còn là một bãi đất trống trơn. Cô mái mơ đang ra sức cào bới để tìm kiếm một thứ gì đó bên dưới lớp đất chai cứng. Mấy năm trước, chính chỗ đó luôn có một cây rơm to đùng. Cứ hễ khi nào cây rơm hơi bị gầy đi một chút thì ông bà chủ lại đắp lại cho nó bằng một lớp rơm mới thơm phức.

Những lúc như thế này tôi càng thấy nhớ cây rơm hơn bao giờ hết bởi cây rơm luôn mang đến cho tôi hơi ấm vào những ngày đông mưa phùn, gió lạnh. Khi đó tôi chỉ cần cắn và lôi xuống một chút rơm khô là đã có một cái ổ mềm mại và ấm áp. Nằm trong chiếc ổ đó, tôi nghĩ mình có thể chấp cả một mùa đông dài đằng đẵng.

Mà không chỉ mỗi mình tôi nhớ cây rơm, cô mái mơ kia cũng vậy. Nhiều lần mái mơ phải dẫn đàn con đông đúc của ả chạy vào trú mưa ở dưới tán cây rơm. Mưa thì mãi vẫn không tạnh, đàn con thì luôn mồm kêu lên inh ỏi vì đói. Xót ruột, ả mái mơ vội gạt đàn con ra rồi dùng hai chân cào bới ở ngay dưới chân cây rơm. Những hạt thóc lép lộ ra dẫu chẳng đủ no song cũng giúp cho đàn con bớt đi những tiếng ồn ào.

Đang nhẩn nha lần giở lại những ký ức xưa cũ, tôi bỗng chợt giật mình khi nghe thấy tiếng cô mái mơ kêu rú lên với vẻ mừng rỡ. Tiếng kêu của cô ả nghe giống như tiếng kêu gọi bầy con thơ mỗi khi vừa tìm thấy một con giun, một hạt thóc hay một thứ gì đó. Mái mơ đang kêu thì chợt im bặt, cô ả ngẩng cao cái cổ quay nhìn ra bốn phía, mặt lộ rõ vẻ ngơ ngác vì chẳng thấy có đứa con nào chạy đến bên mình như mọi khi.

Bất chợt trông thấy ánh mắt thương cảm của tôi đang chăm chú nhìn về phía mình thì ả mái mơ mới sực tỉnh để thoát ra khỏi cơn mơ ngủ giữa ban ngày. Không muốn người khác phải thương cảm cho hoàn cảnh của mình nên mái mơ vội vàng quay người bỏ đi. Dẫu vậy cô ả vẫn không thể giấu được vẻ thẫn thờ qua ánh nhìn dáo dác sau mỗi bước đi.

Tôi nhìn thấy cảnh đó thì trong lòng càng thương cảm cho hoàn cảnh của mái mơ. Chừng mười năm trước, mái mơ cùng với hơn chục chị em khác về nhà ông bà chủ sau tôi có mấy tháng. Tôi và chị em mái mơ đã trở thành bạn từ những ngày đầu nên biết rất rõ về cô. Tính ra mái mơ phải có đến vài trăm đứa con chứ không ít. Vậy mà bây giờ cô chỉ ở vậy có một mình.

***

Nhà ông bà chủ có bốn người và theo thứ tự từ già đến trẻ gồm ông chủ, bà chủ, cậu chủ và cô chủ. Hồi tôi về nhà thì cậu chủ đang học cấp ba còn cô chủ thì học cấp hai.

Do thấy tôi có một lớp lông xù màu trắng nhìn như một cục bông gòn trắng tinh đặt trên bốn cái chân bé xíu nên hai cô cậu chủ bàn và thống nhất đặt tên cho tôi là Bông. Cả hai cô cậu chủ đều yêu quý tôi lắm, hễ cứ có chút thời gian rảnh rỗi nào là họ lại chạy tới để cùng chơi với tôi.

Mùa hè cậu chủ thường cho tôi đi theo để trông coi bác trâu già. Gọi là trông coi cho nó có tính trách nhiệm thôi chứ thực ra chúng tôi chơi nghịch là chính. Tôi thích nhất là đến cuối ngày, cậu chủ sẽ cho tôi và cả bác trâu già ra sông tắm táp, nô đùa cùng với đám bạn của cậu.

Những ngày đông giá rét, cậu chủ lại thường cho tôi đi ra đồng để săn bắt lũ chuột đang lẩn trốn sâu trong các hang hốc. Cậu chủ cùng đám bạn đốt rơm hun khói vào hang bắt lũ chuột đồng phải nháo nhào chạy ra. Việc của tôi đơn giản chỉ là đuổi theo tóm bắt những con chuột đó.

Dù là đông hay hè thì những hôm được ra đồng như vậy tôi đều thích lắm, vì ngoài được đi chăn trâu, đi bắt chuột ra thì tôi còn được hít thở trên những cánh đồng lúc thì thoang thoảng mùi hương lúa non, khi thì thơm nức mùi gốc rạ của cây lúa nếp, tôi được chạy lướt đi trên những thảm vảy ốc mềm mại có màu hoa tím ngắt vào mùa đông hoặc những bờ bãi đầy màu sắc xanh đỏ của đám cào cào, châu chấu và lũ ếch nhái ngồi chồm hỗm trên những thảm cỏ gà xanh mướt vào mùa hè…

Cô chủ thì lại chơi với tôi theo kiểu của con gái như bắt phải cùng chơi trò nhảy dây, chơi trốn tìm… Thỉnh thoảng cô bắt tôi phải nằm im để dùng tay tết bộ lông của tôi thành từng bím lông nhỏ giống như hai bím tóc của cô và đám bạn…

Nhà ông bà chủ lúc đó chắc cấy lúa nhiều lắm vì vào những ngày mùa thu hoạch, tôi thấy thóc lúa, rơm rạ cứ kìn kìn kéo về chất kín từ sân ra đến tận vườn. Những ngày đó, mẹ con nhà mái mơ chỉ cần nhặt thóc văng bắn ra vườn cũng đủ no mà chả cần phải đi tìm kiếm ở đâu xa.

Dưới ao ông chủ thả cá, trên bờ bà chủ trồng các loại rau theo mùa nên lúc nào cũng xanh mát mắt. Trên vườn nhà lại là các cây ăn quả lâu niên như bưởi, mít, nhãn, ổi, khế, na… Mùa nào quả nấy, trái cây treo lủng lẳng, trĩu cành.

Trong chuồng lúc nào cũng có đôi ba con lợn. Đàn gà thì từ lúc đầu chỉ có chị em mái mơ và một gã trống choai đã nhanh chóng trở nên đông đúc có lúc lên tới cả trăm con… Ngày đó cả nhà ông chủ ai cũng bận việc tối ngày nhưng lúc nào tôi cũng nghe thấy có tiếng nói cười râm ran từ nhà xuống bếp, từ sân ra vườn…

***

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Cậu chủ đi học đại học rồi đi làm đã được mấy năm. Nghe đâu đang làm cho một công ty xây dựng ở ngoài Hà Nội. Còn cô chủ cũng đang học năm cuối đại học và sắp sửa ra trường.

Năm ngoái cậu chủ lấy vợ, vợ cậu chủ cũng ở quê ra thành phố học và làm việc nên cưới xong hai người phải đi thuê nhà trên đó. Chẳng hiểu hai người đó đều có trình độ đại học mà ăn ở với nhau thế nào để chưa đầy một năm thì cậu chủ đã phải gọi điện về nhờ mẹ lên giúp đỡ việc nhà.

Ông bà chủ thì chẳng thấy giận mà lại còn lấy thế làm vui. Hai người cười nói liên tục khi bắt tay chuẩn bị mọi thứ để bà chủ lên thành phố giúp việc cho vợ chồng con trai. Sáng hôm sau ông chủ còn rất vui khi phải dậy sớm đưa bà chủ ra phố huyện để bắt chuyến xe đầu tiên lên thành phố.

Ngày trước, khi nhà ông chủ vẫn còn có đủ bốn người thì lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Từ ngày cậu chủ đi đại học thì tiếng nói cười giảm đi một nửa. Khi cô chủ đi tiếp đại học, tiếng cười gần như hết, nhà chỉ còn có mỗi tiếng nói. Và khi bà chủ cũng đi nữa thì tiếng nói cũng chẳng còn.

Ông chủ là người có quyền lực nhất nhà. Tôi biết được điều đó vì thấy chỉ có ông mới quát mắng bà chủ, đánh cả cậu chủ và cô chủ mỗi khi họ làm ông buồn phiền. Với riêng tôi thì ông chủ luôn luôn quát tháo và ra lệnh chứ không được câu nựng nào tử tế. Nhưng khi còn có một mình thì ông chủ lại hiền lành một cách khác thường. Sau mấy ngày thui thủi, lầm lũi, câm lặng… thì ông chủ mới bắt đầu quay ra nói chuyện với tôi, điều mà trước đây ông chẳng bao giờ làm. Tôi nghĩ có lẽ ông chủ sợ không nói ra thì sẽ quên mất tiếng người.

Nghe những lời ông chủ tâm sự trong những lúc cô đơn buồn bã thì tôi mới biết ông đã thương yêu cô chủ và cậu chủ đến nhường nào. Những lần ông bực tức đánh mắng họ mà tôi đã chứng kiến thì cũng chỉ vì ông muốn cho con mình không hư hỏng, ông muốn chúng phải học hành giỏi giang và nên người.

Có một điều mà tôi không thích từ khi bà chủ đi đó chính là việc ăn uống. Khi bà chủ ở nhà thì bữa nào cũng có cơm ngon canh ngọt, thỉnh thoảng lại có tí thịt, tí cá. Nhưng từ ngày bà chủ đi thì tôi toàn phải ăn cơm nguội, cơm khô, thậm chí cơm bị ôi thiu vì ông chủ có khi nấu một nồi cơm ăn qua cả hai ngày. Mà có cơm thiu ăn thì cũng còn đỡ, lắm hôm ông chủ chỉ úp bát mì tôm ăn vội cho qua bữa. Mà mì tôm thì người ta chỉ đóng gói theo lượng vừa đủ với sức chứa của cái dạ dày trong bụng của con người thì lấy đâu ra mà thừa mứa. Những hôm đó thì tôi đành phải nhịn đói để mà đi ngủ. Ban đầu tôi cũng thầm oán trách ông chủ lắm, mỗi khi bị bỏ đói tôi thường cố hóp chiếc bụng lại cho nó lép thêm rồi lê la đến trước mặt ông chủ nói lớn.

– Ê! Ông già… Dẫu ông có không muốn ăn thì cũng phải nấu cái gì để cho tôi ăn với chứ. Mắc mớ gì mà bắt tôi cũng phải nhịn vậy…?

Ông chủ đã cố tình không hiểu tiếng chó mà lại còn quát nạt lại.

– Mày có im đi không Bông…

Loài chó chúng tôi có câu “Chủ buồn chó có vui đâu bao giờ” để răn dạy nhau phải để ý tới tâm trạng của chủ nhân. Tôi biết là ông chủ đang buồn nên cũng không dám chạy nhảy nô đùa như mọi khi. Nhưng tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu tại sao ông lại cứ phải buồn lâu như thế, buồn triền miên từ sáng đến chiều, buồn từ ngày này qua ngày khác…

Sự kiệm lời của ông chủ như một thứ bệnh dịch truyền nhiễm, nó âm thầm nhưng nhanh chóng lây lan sang tôi khiến nhiều hôm suốt từ sáng tinh mơ đến tối mịt mà tôi cũng chả sủa lên tiếng nào. Nghĩ mà thấy phục mình ghê gớm!

Sau một thời gian nhìn cảnh ông chủ luôn buồn bã, lủi thủi một mình một bóng trong căn nhà đã trở nên quen mắt thì tôi cũng thôi không nỡ oán trách ông nữa. Có thì ăn, không có thì nhịn. Sau có mấy tháng cả chủ lẫn chó đều gầy và già đi trông thấy.

Có lần vào một ngày mưa gió, ông chủ đội nón đi ra giếng định múc nước lên để làm gì đó thì bị trượt chân ngã ngửa ra sân giếng. Nghe tiếng người ngã, tôi lao vội ra thì nhìn thấy ông chủ đang há mồm, nhăn nhó. Biết là ông chủ đang đau lắm nhưng tôi chẳng biết phải làm gì để giúp cho ông. Mãi một lúc sau thì ông chủ mới gượng dậy để tập tễnh bước vào nhà và lúc đó tôi mới ngửi thấy có mùi tanh của máu bên trong lớp vải quần đẫm nước mưa. Tôi vẫn đang không biết làm gì ngoài việc ngước mắt nhìn ông chủ đang nhăn nhó vì đau thì bỗng ông ôm ghì lấy cổ tôi và thì thầm, giọng nghe như sắp khóc.

– Mày biết không, từ ngày con tao đi học đại học thì tao như bị mất con… Và giờ nó lấy vợ, vợ nó có con thì tao như bị mất cả vợ vậy…

Nghe giọng đàn bà ca cẩm, càu nhàu thì thấy rất đỗi bình thường. Nhưng khi nghe người đàn ông than vãn thì thôi rồi, nó rất khó diễn tả thành lời mà chỉ biết khi nghe tôi có cảm giác nẫu hết cả ruột gan ra. Lần đầu tiên cả chủ và chó cùng khóc.

Thỉnh thoảng tôi cũng thấy khi thì bà chủ, khi thì cậu chủ gọi điện về nói chuyện với ông chủ. Những lúc như thế tôi thấy ông chủ có vẻ vui lắm. Nhưng có một điều là dù tai tôi đã nghe thấy, mắt tôi đã nhìn thấy mãi rồi mà vẫn không thể nào hiểu được, đó là tại sao ông chủ thường nói dối vợ con. Lúc nào ông cũng nói với họ là ông ổn, ông khỏe… trong khi tôi biết ông chủ không ổn một tí nào và đôi khi ông phải nén tiếng ho để nói cho họ biết là ông vẫn đang khỏe. Và ngay cả cái chuyện bị ngã trong cơn mưa hôm nào ông chủ cũng không nói cho ai hay biết.

Đến một ngày nọ, tôi thấy ông chủ cứ về đến nhà là bật chiếc tivi cũ lên nhưng không ngồi xem như mọi khi mà cứ để đó rồi đi làm việc khác. Điều này ban đầu khiến tôi thấy hơi lạ vì ông chủ vốn có tính tiết kiệm. Ví như khi đang xem tivi thì ông sẽ tắt bỏ đèn đi. Khi vào buồng thì ông không bật đèn mà đứng một lúc để đợi cho đôi mắt quen nhìn trong bóng tối rồi mới tìm kiếm một thứ gì đó… Bà chủ có làu bàu thắc mắc thì ông nói làm thế để tiết kiệm tiền điện. Sau một thời gian, khi hành động bật tivi nhưng không xem của ông chủ đã hình thành nên thói quen thì tôi mới hiểu lý do, ông bật tivi chỉ là để nghe tiếng những người trong đó nói chuyện với nhau. Có tiếng người ông cảm thấy bớt cô đơn đi phần nào.

Một hôm bà chủ đột ngột về thăm nhà, tôi nhớ hôm đó nhà hình như có công việc gì đó vì nghe bà chủ nói khi ông hỏi.

– Tôi sợ ông không quen lo việc cúng giỗ các cụ.

Ông chủ cười gượng.

– Cúng giỗ thì có gì mà không biết chứ…

Nhà ông chủ có một bộ bàn ghế lớn mà người ta gọi là bộ trường kỷ. Bộ bàn ghế được kê ngay ngắn phía dưới bàn thờ gia tiên. Đây chính là nơi để gia chủ tiếp khách và cũng là nơi để cả nhà cùng ngồi ăn uống, cùng nhau chuyện trò. Tôi cũng thích được nằm dưới gầm bàn để nghe mọi người nói chuyện, ở đó tôi cảm thấy có sự ấm áp và bình yên.

Nhưng từ khi ở có một mình thì ông chủ toàn ngồi ăn luôn dưới bếp nên cũng đã rất lâu rồi tôi không được nằm ở dưới gầm bàn để nghe tiếng người râm ran trò chuyện. Vậy nên khi thấy hai người vừa ngồi xuống chiếc ghế thì tôi cũng chạy đến và nằm xuống bên dưới gầm bàn để hóng.

Do nằm dưới gầm bàn quan sát nên ngoài nghe âm giọng của từng người tôi có thể nhìn điệu bộ đôi chân, đôi tay bên dưới của từng người để biết tâm trạng của họ ra sao. Ông chủ đang rung chiếc đùi bên phải, dấu hiệu của sự sung sướng, hài lòng, hạnh phúc…

– Bệnh dạ dày và tiểu đường của bà dạo này thế nào rồi?

– Nó vẫn vậy! Thế bệnh xương khớp, tê thấp của ông thì sao?

Ông chủ bất giác đưa hai tay lên bóp nhẹ vào hai bên đùi.

– Thỉnh thoảng đau nhức tí thôi… Bà đừng lo, có tuổi thì ai cũng bị vậy mà…

Không biết do bận giúp việc cho con trai hay đã tin tưởng tuyệt đối vào khả năng cúng giỗ tổ tiên của chồng mà bà chủ đã không về trong lần nhà có việc sau đó. Bữa đó tôi thấy ông chủ một mình loay hoay làm mâm cơm cúng từ sáng đến trưa mới xong. Sau khi bày biện mâm cơm cúng lên bàn thờ, ông chủ thắp hương rồi đứng lẩm nhẩm cầu khấn.

Đang nằm phủ phục dưới gầm bàn, tôi phải nhướn mình để nhìn lên cho rõ bởi thấy có gì đó hơi lạ trong cách mà ông chủ đứng khấn. Nó không có nét gì giống với cách mà bà chủ vẫn thường làm là chắp hai bàn tay ở trước ngực thỉnh thoáng vái lên bàn thờ ba vái. Còn ông chủ thì lại cứ đứng khoanh hai tay ở trước ngực, hành động giống y như lúc cậu chủ còn nhỏ phải đứng khoanh tay xin lỗi bố về một lỗi lầm gì đó. Ông chủ cứ đứng khoanh tay như vậy để mà cầu khấn, bẩm báo với tổ tiên, thỉnh thoảng ông lại đưa một tay lên gãi gãi vào vành tai khi quên mất điều gì đó mà mình đang định nói. Khi ông chủ khấn xong, tôi thấy mảng da xung quanh vành tai ông đã biến thành một mảng màu đỏ ửng.

***

Khi cậu chủ đi đại học thì do không có người chăn thả nên bác trâu già bị bán đi. Tôi cũng không còn được ra sông, ra đồng để chạy nhảy như trước. Mùi ruộng đồng thỉnh thoảng ùa về trong ký ức khiến tôi luôn bồi hồi, thổn thức. Cậu chủ chắc cũng có cảm giác giống như vậy nên mỗi khi được nghỉ học về nhà là lại gọi tôi cùng chạy ngay ra ngoài đồng. Mùi hương lúa, mùi cỏ cây đồng nội ngập tràn… khiến cả chủ và chó cùng ngất ngây và ra sức hít hà để mà tận hưởng.

Nhưng thật tiếc là những dịp như vậy tính ra cũng chỉ được có vài lần bởi những ngày cậu chủ về thăm nhà cứ thưa dần. Năm học thứ nhất cậu chủ về thăm nhà mỗi tháng một lần. Qua năm thứ hai thì hai tháng một lần… đến năm cuối thì chỉ về khi nhà có công có việc. Từ ngày cậu đi làm và nhất là sau khi lấy vợ thì lắm hôm nhà có công việc tôi cứ ra ngõ đứng ngóng mãi mà chẳng thấy cậu về. Con người ai cũng thế cả, tôi tự rút ra được kết luận như vậy khi nhẩm thấy tần suất về thăm nhà của cô chủ cũng na ná như ông anh trai cô ngày trước.

Khi cậu chủ đi đại học thì nhà bớt đi một người làm, đến lúc cô chủ cũng đi nữa thì chỉ còn lại mỗi hai ông bà chủ. Nhưng công việc thì có vẻ không những giảm xuống mà thậm chí còn nhiều hơn. Bởi tôi để ý thấy hai ông bà chủ mỗi sáng phải thức dậy sớm hơn và tối cũng lên giường muộn hơn trước. Vào mỗi cuối tháng tôi lại thấy ông chủ mặc chiếc quần quen thuộc để đi ra phố huyện. Tôi biết đó là ông đi gửi tiền cho cậu chủ ăn học ở trên thành phố.

Từ khi cậu chủ bắt đầu đi làm thì không hiểu do sức làm yếu đi hay do nhu cầu giảm xuống mà ông bà chủ bỏ dần và mấy năm nay thì đã bỏ hẳn không cấy lúa nữa. Cây rơm cứ teo tóp dần rồi đến một ngày chỉ còn trơ ra mỗi chiếc sào tre. Việc nhàn nhã hẳn đi nhưng hai người vẫn cứ thức khuya dậy sớm như trước, họ đã quen giấc suốt bao năm qua nên giờ có muốn cũng không thể ngủ nhiều.

Từ ngày bà chủ đi ra thành phố với cậu chủ thì ông chủ cũng không còn để ý đến vườn tược. Các cây lâu niên phần vì già cỗi, phần do không còn được bàn tay người chăm bón nên cứ thi nhau mục ruỗng rồi chết dần. Trong vườn giờ chẳng còn một cây to nào để che bóng mát khiến những ngày hè trở nên nóng bức, ngột ngạt.

Đàn gà đông đúc ngày nào mỗi ngày một ít dần. Đến một ngày thì chỉ còn trơ lại mỗi mái mơ. Cô ả còn sống là nhờ vào khả năng đẻ trứng của mình. Biết mình sống được là nhờ vậy khiến mái mơ buồn lắm. Tôi nhớ có lần mái mơ đã từng than vãn rằng:

– Mỗi khi nhà bà chủ có người đi xa về hoặc khi có khách đến chơi, chủ khách gặp nhau tay bắt mặt mừng, tận hưởng niềm vui của ngày hội ngộ thì nhà em lại phải chịu cảnh tang thương, mất mát vì sẽ có một hoặc vài thành viên phải hy sinh mạng sống để gia chủ thể hiện sự hiếu khách.

Tôi nghe vậy thì chỉ biết an ủi cô ả rằng.

– Làm thức ăn, thực phẩm cho loài người cũng là một thiên phận của các loài gia súc, gia cầm chúng ta. Vậy nên ông bà chủ có bắt sao thì cũng đành chịu vậy…

Mái mơ tỉnh bơ nói.

– Mẹ em cũng dạy như vậy… Nên em cũng dạy lại các con rằng phải biết chấp nhận điều đó. Dẫu sao thì cũng vui khi sự hy sinh của con cháu mình còn mang lại chút niềm vui, những ký ức khó quên cho con người… Mẹ em kể có một người mẹ đã rất đau khổ khi quyết định hy sinh cả một đàn gà để gây dựng ký ức mà người con của mình vẫn không nhớ gì đến bà, anh ta rời nhà ra đi đến tận hai mươi năm mà vẫn không về thăm mẹ đến một lần. Thương nhớ con, hận con khiến bà phải đau khổ viết lên một bài thất ngôn bát cú…

– Thất ngôn bát cú…?

– Vâng! – Mái mơ vội vàng giải thích khi nhận thấy sự xoắn não thể hiện ra trên nét mặt của tôi – Đó là một thể thơ…

– Thơ à…- Tôi khẽ thốt lên khi đã hiểu ra – Nghe hấp dẫn đấy…

– Để em đọc bài thơ đó cho bác nghe nhé…

Mái mơ lẩm nhẩm lại cho nhớ lời bài thơ rồi mới cất giọng đọc.

Con ơi mẹ nhớ lúc đi xa

Tiễn con mẹ thịt cả đàn gà

Hôm đó trời chiều mưa lại rét

Thương con đôi mắt mẹ nhạt nhòa…

Vậy mà con cứ ở mãi xa

Hai mươi năm ấy chẳng về nhà

Tết đến năm nào trời chẳng rét

Nhớ con mẹ tiếc một đàn gà…

– Nghe buồn quá!

Tôi thốt lên khi mái mơ dừng lời. Cô ả cũng buồn bã nói.

– Mẹ em bảo sự hy sinh của đàn gà nhà đó thật là vô ích và thật vô phúc nếu phải sống và hy sinh ở một nhà như vậy…

Đang nghĩ lại chuyện của mái mơ thì cô ả bỗng ở đâu lò dò đi đến đứng ngay trước mặt tôi. Có lẽ cô ả đã quên hết chuyện mơ màng lúc nãy. Mái mơ nhìn tôi vẻ chăm chú rồi hỏi.

– Ông chủ đi đâu vậy bác?

– Thấy bảo đi đón bà chủ và cậu chủ về… Và hình như còn có cả cậu chủ nhỏ nữa…

– Hay quá cơ…

– Hay cái gì…? Cô liệu mà trốn đi…

Mái mơ ngơ ngác:

– Sao em phải trốn…?

– Cô nhìn quanh xem! Giờ còn mỗi mình cô thì không phải cô thì là ai…?

– Em chả trốn nữa! – Mái mơ buông ra tiếng thở dài – Sống cô đơn một mình mãi em cũng chẳng thiết nữa… Mà sống lâu như em vậy là cũng quá đủ rồi. Hôm nay em sẽ chấp nhận hy sinh…

Dẫu biết thiên phận của các loài gia súc, gia cầm là phải hy sinh vì loài người song tôi vẫn dựng hết cả lông lên khi nghe mái mơ buông xuôi số phận của ả một cách bình thản như vậy.

Có tiếng hai chiếc xe máy từ xa vọng lại. Tôi nhận ngay ra một trong hai chiếc là xe của ông chủ qua tiếng bô rách nổ lạch phạch nên vội chạy ra cổng ngóng. Mái mơ cũng nháo nhào chạy đuổi theo sau.

Hai chiếc xe máy dừng lại trước cổng. Xe cậu chủ chở theo vợ cậu phía sau, xe ông chủ thì chở theo bà chủ. Bà chủ xuống xe, trên tay bế một cậu bé chừng hơn một tuổi đi vào. Tôi thoáng giật mình khi thấy bà chủ cũng đã già đi trông thấy, thậm chí còn già đi nhanh hơn so với ông chủ.

Mái mơ không bỏ lỡ cơ hội, cô ả vội len quẩn vào giữa hai chân của bà chủ như để cố tình nhắc bà phải nhớ đến ả. Bà chủ thấy vậy thì đá nhẹ chân để đẩy mái mơ ra. Nhưng nó lại xông vào lần nữa khiến bà chủ phải ra chân mạnh hơn kèm theo tiếng quát:

– Con gà này mày muốn chết hả…?

Mái mơ cố dướn người giương đôi cánh xác xơ lên cho bà chủ nhìn thấy rồi nói:

– Bà xem tôi có vẻ gì là đang muốn sống không?

Bà chủ vừa âu yếm nhìn cậu bé vừa liếc mắt để tránh mái mơ rồi nói:

– Con mẹ gà này nó thấy Thóc của bà về nó cũng mừng đấy!

Mái mơ lại xông vào hét toáng lên.

– Tôi không thích thóc…

Nhưng bà chủ không quan tâm đến thái độ đó của mái mơ mà chỉ tránh nó để bế vội cậu bé đi vào trong nhà. Tôi theo chân bà chủ chạy vụt vào nhà để lại mái mơ tẽn tò, ngẩn ngơ đứng ở ngoài sân. Loài chó mèo được con người ưu ái hơn khi được tự do ra vào nhà tùy ý. Còn loài gà vịt thì lại không được như vậy, hễ chúng mới lò dò đến cửa là đã bị quát tháo đuổi ra. Mái mơ cứ đứng ngoài sân mắt dõi nhìn vào trong nhà, miệng thì kêu toáng lên liên tục để nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của nó.

Vợ chồng cậu chủ thì sau khi dựng xe ngoài sân xong cũng bước vào trong nhà. Thấy tôi đang chăm chú nhìn bà chủ thì cậu ngồi hẳn xuống xoa đầu tôi nói.

– Chào anh bạn! Sao mày già nhanh quá vậy?

Tôi vội quay đầu về phía bà chủ rồi sủa thật to để nhắc cho cậu chủ biết.

– Bố mẹ cậu cũng già đi rồi kìa!

– Ừ…! Đấy là Thóc, con trai tao đó…

Thật là buồn khi cậu chủ đã không hiểu được ý mà tôi muốn nói. Không biết chúng tôi đã mất đi sự đồng cảm, sự thấu hiểu lẫn nhau từ bao giờ.

***

Buổi tối, cậu chủ và vợ bế con đi sang nhà bạn cậu chủ chơi. Hai ông bà dọn dẹp xong thì cùng ngồi xuống bên bàn nước. Ông chủ với tay lấy chiếc điều khiển bật chiếc tivi lên. Màn hình tivi vừa sáng thì bà chủ lập tức đứng dậy bước đến bên bậu cửa định với tay tắt đèn. Bà vẫn hành động như một thói quen trước đó khi còn ở nhà.

– Bà tắt đi làm gì? – Thấy vợ có vẻ ngỡ ngàng ông chủ lại nói thêm – Cứ để vậy cho nó sáng…

Bà chủ quay lại ngồi xuống ghế.

– Mắt ông dạo này kém rồi à?

– Không… à ừ…! Thế bao giờ chúng nó cho cu Thóc đi mẫu giáo?

– Chúng nó bảo khoảng hai tuổi…

Chân bên phải của ông chủ bắt đầu rung lên.

– Vậy là còn sáu tháng nữa…

– Ông chịu khó nhé…

– Tôi không sao mà…

– Tôi ở trên đó dẫu sao cũng còn có con, có cháu ở cạnh… ông ở nhà có một mình… tôi biết ông phải buồn và vất vả lắm… Nhưng thôi vì con, vì cháu… tôi với ông cùng cố nhé…

Ông chủ dùng cả hai bàn tay mình cầm một bàn tay bà chủ rồi bóp nhẹ.

– Bà già nhanh quá! Trông trẻ con vất vả lắm mà… Thế dạ dày dạo này sao rồi?

– Tôi không sao…

– Thế sao mang lắm thuốc gì về thế kia?

– Dạo này tôi thỉnh thoảng lại hơi đau vai gáy…

Sáng hôm sau thì cô chủ cũng về nghỉ tết. Nhà ông chủ lúc này đã có tới sáu thành viên. Tiếng cười nói có vẻ rộn ràng hơn trước. Trong bữa cơm trưa hôm đó, nằm ở dưới gầm bàn tôi nghe có tiếng rót rượu từ trong chai ra các ly nhỏ. Chiếc đùi bên phải của ông chủ lại bắt đầu rung lên. Đôi chân cậu chủ từ từ đứng thẳng dậy.

– Con chúc bố mẹ có nhiều sức khỏe để trông cháu giúp chúng con thêm thời gian nữa.

Chiếc đùi bên phải của ông chủ vẫn rung đều đều nhưng có phần chậm lại.

– Thời gian nữa là bao lâu?

Cậu chủ quờ tay qua bên lần tìm bàn tay vợ mình rồi nắm chặt trong lòng bàn tay của cậu.

– Chúng con tính rồi! Đợi cho Thóc được hai tuổi thì chúng con sinh luôn cháu thứ hai để nhờ bà nội trông hộ luôn thể.

Chiếc đùi bên phải của ông chủ đột nhiên dừng hẳn lại. Bà chủ thì đưa tay xoa xoa xong lại bóp bóp vào vùng bụng của mình.

– Ừ… Anh chị cứ đẻ luôn đi có gì tôi đang khoẻ, tôi chăm cháu luôn cho một thể.

Cô chủ vội nói xen vào.

– Sang năm con ra trường thì cũng sẽ lấy chồng và sớm sinh con. Mẹ cũng phải đến giúp cho con chứ…

Cậu chủ chẳng biết thật hay đùa.

– Con mày thì mày nhờ ông bà nội của nó chứ…

– Anh quên đi! Các cụ đã nói rồi, cháu bà nội, tội bà ngoại nhé…

Cô chủ quàng tay sang túm một bên cánh tay bà chủ.

– Mẹ vẫn thương con gái mẹ nhất nhỉ?

– Rồi…! – Bà chủ buông tay khỏi bụng mình rồi chuyển qua đặt lên mu bàn tay của ông chủ lúc này đang bắt đầu run lên nhè nhẹ – Các anh chị cứ đẻ đi, tôi trông bế tất cho…

Trong nhà rộn lên tiếng cười. Ngoài sân chợt có tiếng gà kêu toáng lên, tôi ngoảnh đầu nhìn ra, ả mái mơ đang cố nghển cao chiếc cổ, dáo dác nhìn vào trong nhà.

Theo Dân việt

Từ khóa : làng việt thời hội nhập

Các tin liên quan đến bài viết