Trong ngày xét xử thứ 3 vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, các luật sư tập trung thẩm vấn bị cáo, nhân chứng liên quan kết luận về hành vi cố ý làm trái.
Các giám định viên được luật sư liên tục đặt câu hỏi trong ngày hôm qua 10-1.
Thiệt hại hay không chưa rõ
Cáo trạng xác định: để tạo điều kiện cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN (PVC) trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và yêu cầu ông Nguyễn Quốc Khánh chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó chỉ đạo các ông Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu, Vũ Hồng Chương và Trần Văn Nguyên căn cứ hợp đồng này để tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC trái quy định.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Kết luận giám định xác định hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) hơn 119 tỉ đồng.
Trong đó, 51 tỉ đồng là tiền lãi trên số tiền 1.115 tỉ đồng không sử dụng vào mục đích dự án và 68 tỉ đồng là tiền lãi do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỉ đồng.
Theo đó, thiệt hại của vụ án do sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích được tính toán cặn kẽ và ra kết quả thiệt hại là 119 tỉ đồng.
Một luật sư hỏi giám định kết luận hậu quả thiệt hại 119 tỉ đồng là hậu quả được tính bằng lãi suất từ “cơ hội đầu tư”, vậy trong quá trình giám định đã có doanh nghiệp nào bị thiệt hại giống từ cơ hội đầu tư chưa thì không nhận được câu trả lời của giám định viên.
Ngoài truy vấn giám định viên Bộ Tài chính, các luật sư còn thẩm vấn đại diện nguyên đơn dân sự của vụ án là PVN.
Đại diện PVN khẳng định số tiền đã tạm ứng cho PVC là tiền nằm trong tài khoản thanh toán chứ không phải tài khoản tiết kiệm.
Do đó, luật sư cho rằng tiền này chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn chứ không thể tính như lãi suất huy động vốn. Bởi vậy, việc tính thiệt hại nếu có đối với vụ án này cần được tính toán lại.
Ở PVC phải thực hiện chỉ đạo miệng của lãnh đạo
Đó là lời khai của bị cáo Lương Văn Hòa, giám đốc Ban quản lý dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, nói về PVC.
Khi được các luật sư hỏi về việc có bằng chứng nào, văn bản nào, căn cứ nào thể hiện bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo lập quỹ ban điều hành để chi tiêu riêng, Hòa khẳng định không có văn bản hay bằng chứng gì, nhưng thực tế ở PVC bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Vũ Đức Thuận luôn chỉ đạo bằng miệng và yêu cầu cấp dưới phải làm.
Bị cáo Nguyễn Anh Minh cũng thừa nhận những gì bị cáo Hòa khai là chính xác, vì bản thân bị cáo Minh là phó tổng giám đốc của PVC nên biết rất rõ các chỉ đạo này như thế nào.
Khi đối chất với bị cáo Minh, bị cáo Thanh nói: “Anh quý em như em ruột, vậy em trả lời anh đi, anh có chỉ đạo lập quỹ bao giờ không?”. Bị cáo Minh nói: “Không thể lấy tình cảm anh em để nói về công việc như vậy”.
Còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục phủ nhận việc mình tham ô 4 tỉ đồng và khẳng định các bị cáo Minh, Hòa tự rút tiền tiêu xài rồi quàng vào cổ mình tội tham ô.
Nên dựa trên lãi suất trái phiếu Chính phủ
Đúng là một doanh nghiệp có thể để tiền trong tài khoản thanh toán hoặc gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Dĩ nhiên tiền gửi không kỳ hạn lãi suất rất thấp.
Về thiệt hại, nếu số tiền trên không bị chiếm dụng thì doanh nghiệp có thể sử dụng để gửi ngân hàng hoặc đầu tư. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải tính lãi suất thế nào cho phù hợp.
Theo tôi, nên dựa vào lãi suất trái phiếu Chính phủ cộng với một biên độ nhất định để tính là hợp lý nhất.
Về “chi phí cơ hội”: có thể hiểu nôm na là tôi có một số tiền (chẳng hạn 1 tỉ đồng), nếu đầu tư vào một ngành nghề mà tỉ lệ sinh lợi chẳng hạn 7-10%/năm thì lẽ ra hằng năm tôi thu được số tiền này nhưng số tiền trên được sử dụng vào mục đích khác nên sau đó chỉ thu được tiền gốc.
Như vậy tôi mất đi số lãi lẽ ra được hưởng, tức tôi bị thiệt hại mất cơ hội đầu tư sinh lãi.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Là cách tính rủi ro ở mức tối thiểu
Về lý thuyết, việc xác định thiệt hại một sự việc đã xảy ra trong quá khứ cần xác định theo một hệ quy đổi và thường dựa theo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ việc áp dụng lý thuyết trên vào thực tế phát sinh ra sao với mục đích xác định thiệt hại như thế nào là câu chuyện của tòa.
Hiện kênh tiết kiệm gần như là kênh an toàn nhất trong các kênh đầu tư dù lãi suất không cao. Việc áp dụng lãi suất ngân hàng để tính rủi ro cũng là cách tính rủi ro ở mức tối thiểu nhất.
ThS Đỗ Gioan Hảo (Đại học Tài chính – marketing)
Ông Đinh La Thăng kêu mệt, từ chối trả lời luật sư
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa
Trong ngày xét xử thứ 3, bị cáo Đinh La Thăng cũng là người bị xét hỏi nhiều nhất trong các bị cáo.
Liên quan đến việc có biết hợp đồng 33 sai không, ông Thăng nói không. Tuy nhiên, khi các bị cáo nhân chứng khác có lời khai tại tòa rằng bị cáo có biết về hợp đồng sai đó nhưng vẫn chỉ đạo ký thì ông Thăng tôn trọng lời khai của người khác.
“Khai gì là quyền của họ, tôi tôn trọng nhưng tôi không biết thì nói là không biết” – ông Thăng nói.
Buổi chiều, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh xin được hỏi thêm bị cáo Thăng, tuy nhiên bị cáo Thăng cho biết hôm nay đã được luật sư hỏi quá nhiều và từ ngày bị bắt giam bị cáo bị tăng huyết áp.
Hôm nay bị cáo mệt nên xin phép được không trả lời thêm những câu hỏi của các luật sư khác.
Nguồn: tuoitre.vn