Khởi đầu từ chùm lây nhiễm ở Hà Nam, chưa đầy một tháng, đã có thêm sáu ổ dịch ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, Bệnh viện K (Hà Nội), Yên Bái – Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Giang và Đà Nẵng.

Truy tìm virus corona - Ảnh 1.

Khi chưa thể biết nguồn lây, “thần tốc xét nghiệm” là giải pháp hiệu quả nhất 

Chúng ta đang đối mặt nhiều thách thức chưa từng có trong phòng chống COVID-19: đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng virus biến thể (Anh và Ấn Độ)…

Đã có đến 27 tỉnh thành có ca lây nhiễm, có ngày ghi nhận đến 78 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt trong nhiều trường hợp “mất dấu”, không biết được nguồn lây từ đâu.

Tất cả nói lên một điều: “Kiểm soát dịch đang gặp khó khăn hơn trước, có thể còn xuất hiện thêm các ổ dịch, mà chưa thể xác định nguồn lây”, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Diễn biến này làm nhiều người liên tưởng đến The Thing (tạm dịch “Sinh vật biến hình”), bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng của đạo diễn nổi tiếng John Carpenter (Mỹ). Nhân vật phản diện là sinh vật ngoài hành tinh có khả năng biến hình, sống ký sinh, đồng hóa và mô phỏng các sinh vật khác. Để loại trừ sinh vật ký sinh và tìm lại phần con người nguyên bản, có rất nhiều “phép thử”, thậm chí chấp nhận cả cái chết…

Ở góc độ nào đó, virus corona đang hoành hành khắp thế giới cũng đang “biến hình, ký sinh” như vậy. Chúng âm thầm mật phục ở mọi nơi, trên bất cứ con người/nhóm đối tượng nào trong cộng đồng; tìm cách “trà trộn” vào những nơi có bệnh nhân yếu thế như bệnh viện; len lỏi vào trường học, trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe, sân bay, các nơi có đông người qua lại; và chúng sẵn sàng “giả chết” để rời khu cách ly điều trị, chờ đợi thời cơ “sống lại” với biến hóa ngày một tinh vi.

Để virus không có cơ hội “sống lại”, không chậm chân trước virus, Bộ trưởng Bộ Y tế “bật đèn xanh” cho các địa phương được sử dụng phương thức giám sát mới như dùng kháng nguyên nhanh cho sàng lọc, xét nghiệm gộp mẫu, nếu xét nghiệm Realtime RT-PCR còn hạn chế.

Việc xét nghiệm này không dừng ở các nhóm cố định mà được mở rộng ra nhiều đối tượng có nguy cơ cao, nơi có nguy cơ cao; được tầm soát định kỳ, thường xuyên.

Người đứng đầu ngành y tế khẳng định Việt Nam đảm bảo đủ sinh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm cho tất cả các phương pháp này. Hiểu đơn giản là chúng ta phải xét nghiệm, kể cả xét nghiệm ngẫu nhiên, để truy tìm con virus đang ẩn náu nơi nào đó trong cộng đồng, chứ không chờ đến khi có ca lây truy tìm F1, F2 mới xét nghiệm.

Vâng! Khi “chưa thể biết nguồn lây” thì “thần tốc xét nghiệm” là giải pháp hiệu quả nhất. Điều này được chứng minh từ nhiều ca được phát hiện trong cộng đồng mà không có yếu tố dịch tễ.

Tùy vào khả năng của địa phương, có thể xét nghiệm ngẫu nhiên ở nơi có nguy cơ cao hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho người dân (người có nhu cầu xét nghiệm tự trả phí).

Cần có quy trình xét nghiệm ngẫu nhiên để đánh trúng, đánh đúng nguồn lây. Điều này càng quan trọng khi biến thể Ấn Độ có tốc độ lây lan quá nhanh.

Chủ động xét nghiệm mới có thể xác định nhanh chóng, chính xác “kẻ thù”, từ đó có chiến dịch khoanh vùng tiêu diệt. Còn không, chúng ta còn vất vả chạy theo virus đến hụt hơi… Biết là tốn kém nhưng trạng thái mới thì giải pháp phải mới, trong khi chờ vắcxin.

Truy tìm virus corona - Ảnh 2.

Đồ họa

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19phòng chống Covid -19Truy tìm virus coronavirus Corona

Các tin liên quan đến bài viết