Các chuyên gia thuộc Bộ Khoa học – công nghệ và Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines (DOST-PNRI) đã bất ngờ trước nồng độ phóng xạ đo được ở các rạn san hô trên Biển Đông.
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm và đang xác minh thông tin này” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời Tuổi Trẻ tại họp báo ngày 17-12.
Bà Hằng nhấn mạnh việc sử dụng, khai thác, vận chuyển các phương tiện, thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, các quy tắc, quy chuẩn để bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và không ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
“Đây chỉ mới là phát hiện ban đầu. Mọi chuyện có thể sẽ sáng tỏ trong vòng vài tuần nữa.
CARLO ARCILLA (giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines)
Nhiều giả thiết
Theo các chuyên gia của DOST-PNRI, khu vực ghi nhận nồng độ phóng xạ iôt 129 cao nhất nằm gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dưới góc độ khoa học, thông thường những nguồn chủ yếu tạo ra iôt 129 là các vụ thử hạt nhân, sự cố hạt nhân hoặc quá trình tái xử lý nhiên liệu hạt nhân.
“Chúng tôi không rõ nguyên nhân là gì và chuyện gì đã xảy ra tại các khu vực này” – ông Carlo Arcilla, giám đốc DOST-PNRI khẳng định.
Vị này kể lại quan chức một số nước ASEAN đã “rất quan ngại” khi nghe thấy những gì ông trình bày tại hội nghị trực tuyến của Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEANTOM) hôm 24, 25-11 do Việt Nam tổ chức.
Điểm đáng chú ý là nồng độ iôt 129 cao nhất trong những mẫu nước biển được lấy gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.
“Nồng độ của iôt 129 tại khu vực rất cao. Dù không gây nguy hiểm nhưng đáng phải theo dõi” – ông Arcilla thông tin thêm ngày 8-12.
Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng đang có các hoạt động hạt nhân tại khu vực, song cũng để ngỏ chuyện các dòng hải lưu đã đưa iôt 129 từ nơi khác tới Biển Đông do đây là một chất tồn tại lâu trong môi trường.
“Nó có thể được tạo ra trong các hoạt động hạt nhân mới, có thể là từ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân” – tờ Business Mirror của Philippines trích lời ông Arcilla.
Theo chương trình hợp tác về an toàn hạt nhân của Ủy ban châu Âu (EC) cho các nước Đông Nam Á, Philippines sẽ có 10 trạm giám sát phóng xạ hướng thẳng ra Biển Đông. Các phát hiện sẽ được chia sẻ trong khuôn khổ ASEANTOM.
Không liên quan thảm họa Fukushima
Trao đổi với báo Philstar, ông Carlo Arcilla cho biết kết quả xem xét các mẫu vật lấy năm 2020 cho thấy phóng xạ ở Biển Đông không phải là hậu quả của thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.
Trước đó, một chuyên gia Singapore nhận định nếu nguồn phát ra phóng xạ là tàu ngầm hạt nhân sẽ rất dễ xác định ai là thủ phạm vì có rất ít nước sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trên thế giới.
Tiến sĩ Angel Bautista III, một thành viên của PNRI, là người Philippines đầu tiên lưu ý về nồng độ iôt 129 trên Biển Đông khi bảo vệ luận án ở Đại học Tokyo (Nhật) năm 2016.
Ông xem xét các mẫu san hô để kiểm tra xem chúng có bị nhiễm phóng xạ hay không, bao gồm cả ảnh hưởng từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. Kết quả cho thấy iôt 129 đã hiện diện trong san hô từ trước năm 2011.
Trao đổi với Business Mirror qua điện thoại, ông Bautista lưu ý trước báo cáo của DOST-PNRI, một nghiên cứu riêng biệt khác trong năm 2020 cũng cho thấy nồng độ iôt 129 cao bất thường.
“Cần có thêm các cuộc điều tra, nghiên cứu để biết nguồn gốc ô nhiễm là do tự nhiên hay các hoạt động hạt nhân mới” – chuyên gia Philippines tỏ ra thận trọng.
Cần có nghiên cứu xác định rõ
Tính đến thời điểm hiện tại chưa có những số liệu rõ ràng về mức độ tăng nồng độ phóng xạ iôt 129 ở Biển Đông. Việc tăng đó có thể từ nhiều nguyên nhân, vì vậy cần có các nghiên cứu để tìm hiểu nguồn gốc từ đâu ra, không nên gán ngay rằng sự gia tăng này là do các vụ nổ hạt nhân.
Nếu chỉ phát hiện iôt 129 mà không thấy các nhân phóng xạ khác thì không phải là bằng chứng cho thấy có vụ nổ hạt nhân.
Sự gia tăng bất thường iôt 129 trên Biển Đông đã được nêu ở hội nghị ASEANTOM hồi tháng trước, với nồng độ không có ảnh hưởng về mặt sức khỏe và cũng không có nhiều người đặt câu hỏi tiếp về vấn đề này. Khả năng từ các vụ thử vũ khí hạt nhân ở Biển Đông thì không thuyết phục lắm.
Thông thường nếu thử vũ khí hạt nhân ở khu vực này, một vụ nổ hạt nhân sẽ bắn ra nhiều loại nhân phóng xạ và rất dễ dàng để phát hiện. Mạng lưới quan trắc địa chấn của Việt Nam chắc chắn sẽ phát hiện ra được việc thử vũ khí hạt nhân.
Ngay cả Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cũng có mạng lưới này, với những cảm biến rất nhạy nên khó có thể che giấu được trừ khi việc thử này diễn ra ngầm sâu dưới lòng đất.
Về vấn đề an ninh, cần phải có những nghiên cứu để xác định rõ nguồn gốc của chất phóng xạ.
Nguồn: tuoitre.vn