Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tại quận 9, TPHCM
Thiếu chuẩn
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là Tổng cục) đã có công văn trả lời về việc Trường CĐ Kỹ nghệ II đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 8 ngành hệ CĐ, 8 ngành hệ trung cấp và 4 ngành hệ sơ cấp. Nội dung công văn của Tổng cục chỉ rõ những nội dung đáng báo động trong hoạt động đào tạo của trường này. Về hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Tổng cục khẳng định mã 2 ngành, nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ trình độ trung cấp không đúng theo quy định tại Thông tư 04/2017 của Bộ LĐTB-XH.
Tổng cục cũng cho rằng, nhà trường không báo cáo cụ thể chuyên môn được đào tạo của từng giáo viên được bố trí giảng dạy các ngành nghề đăng ký bổ sung, không báo cáo các điều kiện đảm bảo hoạt động GDNN đối với 4 ngành trình độ sơ cấp, báo cáo không chính xác về trình độ nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề của giảng viên.
Theo tìm hiểu, Trường CĐ Kỹ nghệ II bổ sung 32 giáo viên (19 cơ hữu, 13 thỉnh giảng) tham gia giảng dạy các ngành nghề bổ sung, nhưng trong đó 8 nhà giáo không có hồ sơ minh chứng, 8 nhà giáo không xác định rõ là nhà giáo thỉnh giảng hay cơ hữu, 1 hợp đồng thử việc đã hết hạn. Hợp đồng thỉnh giảng của nhà giáo không xác định số giờ thỉnh giảng, đơn vị công tác. Đặc biệt, về chuẩn chuyên môn, có đến 14 nhà giáo không đạt chuẩn.
Về chương trình đào tạo, trường không có chương trình đào tạo 4 ngành sơ cấp, chương trình đào tạo trình độ trung cấp, CĐ chưa cập nhật 6 môn học chung theo quy định của Bộ LĐTB-XH. Chương trình đào tạo trình độ trung cấp, CĐ của 3 ngành (Bán hàng trong siêu thị, Hướng dẫn du lịch, Quản trị lữ hành) đều có cùng thời gian đào tạo 2 năm…
Về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, Tổng cục khẳng định hồ sơ của nhà trường không minh chứng đủ điều kiện phòng học lý thuyết, phòng xưởng thực hành thực tập cho sinh viên, không đảm bảo 5,5m2/chỗ học. Đáng nói hơn là nhà trường không có minh chứng về thiết bị, dụng cụ đào tạo đối với các ngành, nghề đăng ký bổ sung theo quy định.
Đem con bỏ chợ
Đáng nói nhất là với ngành Dược hệ CĐ, nhà trường đã tuyển sinh mà “lơ” các quy định lẫn khuyến cáo của Bộ Y tế. Cụ thể, ngày 30-1-2018, hiệu trưởng nhà trường ký quyết định công nhận 158 sinh viên liên thông từ trung cấp lên CĐ Dược sĩ, khóa 2018-2020. Đến tháng 8-2018, Cục Khoa học công nghệ – Đào tạo (Bộ Y tế) thẩm định và khẳng định tại thời điểm kiểm tra, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo, đội ngũ giáo viên nhà trường không đảm bảo để tổ chức đào tạo; đề nghị nhà trường hoàn thiện hồ sơ trong tháng 8-2018. Tuy nhiên, đến ngày 5-9, Tổng cục khẳng định trường chưa minh chứng đủ điều kiện. Do đó, 58 sinh viên trúng tuyển và học từ tháng 1-2018 đến nay là học trong điều kiện thiếu chuẩn, từ giảng viên đến cơ sở vật chất, điều kiện thực hành.
Đáng nói hơn, ban giám hiệu của trường còn tuyển “chui” rất nhiều sinh viên học chuyển đổi, học văn bằng 2 ngành Dược sĩ, khiến các em tốt nghiệp từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bằng. Sinh viên N.T.H. cho biết, em tốt nghiệp ngành Kỹ thuật dược năm 2016 và trường phát bằng tốt nghiệp tháng 8-2016. Sau đó nhà trường thông báo tuyển ngành Dược sĩ và tháng 12-2016 em đóng học phí 5 triệu đồng để học chuyển đổi CĐ nghề ngành Kỹ sư thực hành. Tiếp đến, em đóng học phí 10 triệu đồng cho một năm học (2017-2018) lớp CĐ Dược sĩ (chuyển đổi) và tốt nghiệp năm 2018. Tuy nhiên, đến nay nhà trường vẫn chưa cấp bằng cho H. và em không thể đi xin việc hay học liên thông.
Ngày 4-10, phóng viên liên hệ với nhiều sinh viên học lớp CĐ Dược sĩ (chuyển đổi) đã tốt nghiệp năm 2018 và được biết trường vẫn chưa cấp bằng. Phóng viên liên hệ với bà Nguyễn Thị Hằng, hiệu trưởng nhà trường, để trao đổi nhưng bà chỉ nhắn tin: “Nhà trường đã và đang tiếp tục mời sinh viên đến để giải quyết”. Tuy nhiên, sinh viên cho biết nhà trường vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào. Tiếp đó, chúng tôi liên hệ với Tổng cục thì nhận được phản hồi: “Hiện Tổng cục yêu cầu trường báo cáo vụ việc cụ thể. Sẽ có phản hồi”. Thế nhưng, gần cả tháng nay sinh viên vẫn mòn mỏi chờ.
Sinh viên N.T.Đ. kể: “Tôi mang bằng CĐ Kỹ thuật dược đi xin việc nhiều nơi nhưng không ai nhận vì không biết ngành đó. Lúc đó, trường đổi tên, các thầy cô tư vấn đóng 5 triệu đồng học thêm 3 tháng để đổi bằng Kỹ sư thực hành nghề kỹ thuật dược với tên trường mới giá trị hơn. Học xong lại không được cấp bằng, rồi trường tiếp tục thông báo đóng thêm 10 triệu đồng để học lớp CĐ Dược sĩ chuyển đổi trong 6 tháng. Tốt nghiệp từ năm 2018, đến nay tôi vẫn chưa được cấp bằng”. |
Theo Báo SGGP