Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước thành lập năm 1997 với nhiệm vụ giáo dục – đào tạo học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) và con em vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần tạo nguồn cán bộ cho tỉnh. Dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của thầy và trò, nhiều năm qua trường không có học sinh bỏ học, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%, tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng trên 60%. Trường trở thành niềm tự hào của học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh.
NHIỆM VỤ ĐẶC THÙ
Thầy Phạm Thế Nam, Hiệu phó cho biết: Khi thành lập trường chưa có phòng học mà học chung với Trường THPT Dân tộc nội trú Bình Dương; đầu năm học 1997-1998, chuyển về học ghép với Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long. Do sử dụng cơ sở vật chất của Trường kỹ thuật cao su Bình Long bàn giao lại nên số lượng phòng học thiếu, xuống cấp, mọi hoạt động dạy học, ăn, ở của học sinh đều tạm bợ. Học sinh của trường, chất lượng đầu vào thấp, nhiều em nói tiếng Việt chưa thạo, chưa biết cộng, trừ, nhân, chia cơ bản. Điều kiện kinh tế của tỉnh, của đồng bào DTTS còn nhiều thiếu thốn nên phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em. Đến mùa tuyển sinh, giáo viên phải đến tận nhà từng em vận động ra lớp. Năm học 2001-2002, trường chuyển về thị xã Đồng Xoài, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn. Tuy nhiên tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2002 chỉ đạt 51,16%. Nhiều năm liền trường không có học sinh đậu đại học, cao đẳng, học sinh giỏi các cấp. Mục tiêu chủ yếu là nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT.
Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2014
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP
Theo quy định của UBND tỉnh, hằng năm trường tuyển sinh 60% học sinh dân tộc tại chỗ, 35% học sinh dân tộc khác và 5% học sinh dân tộc Kinh vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn với 120 chỉ tiêu. Để nâng cao chất lượng dạy học, trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Tăng cường ứng dụng công nghệ – thông tin trong quản lý, giảng dạy; quản lý theo chuẩn, tức là dựa vào các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn kiến thức kỹ năng, chuẩn đánh giá, xếp loại học sinh… Đặc biệt, trường xem đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ban giám hiệu tập trung chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường sinh hoạt chuyên đề, thao giảng, dự giờ, rút kinh nghiệm. Qua đó, giúp giáo viên có phương pháp dạy học dễ hiểu, dễ nhớ và hiệu quả nhất.
Số học sinh của trường trung bình hằng năm 350 em/12 lớp, chia thành khối, lớp theo học lực và nguyện vọng của các em. Trường phân công những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm giảng dạy ở các lớp cuối cấp. Ngoài học các môn văn hóa theo quy định, trường còn tổ chức dạy môn bản sắc văn hóa để học sinh hiểu thêm văn hóa các dân tộc, vùng miền với thời lượng 20 tiết/lớp/năm. 100% học sinh của trường ở nội trú. Vì thế từ việc ăn, ở, chăm sóc sức khỏe đều do nhà trường đảm nhận và quản lý 24/24. Được sinh hoạt, học tập trong môi trường giáo dục lành mạnh nên học sinh ngoan hiền, không sa vào tệ nạn xã hội, bạo lực học đường.
Từ khi thành lập đến nay, trường đào tạo 15 khóa với 1.840 học sinh. Trong đó, 166 em đang học đại học, 352 em đã tốt nghiệp đại học. Học sinh sau khi rời ghế nhà trường đã không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và trở về phục vụ, cống hiến cho tỉnh. Nhiều cựu học sinh của trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, xã, như: Điểu Huỳnh Sang, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội; Thạch Kim Thành, Phó chủ tịch UBMTTQVN huyện Đồng Phú; Điểu Hải, Phó chủ tịch UBMTTQVN thị xã Bình Long; Thạch Lực, Chánh thanh tra Ban Dân tộc tỉnh; Điểu Beo, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; Lâm Pút Xê A, Chủ tịch UBND xã Nha Bích, huyện Chơn Thành… |
Em Vi Lê Ái Quyên (dân tộc Khơme) học sinh lớp 11C chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em may mắn được học trong ngôi trường thân thiện. Học ở đây ngoài ăn, ở miễn phí, được cấp sách, vở, dụng cụ học tập, quần áo em còn không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào. Thầy cô luôn ân cần dạy dỗ, lo cho các em từng giấc ngủ, bữa ăn”.
Điểu Jo Na Than, lớp 11C phấn khởi cho biết: “Được học ở trường là niềm tự hào của em. Bởi cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ phục vụ tốt học tập, vui chơi, ăn ở. Các thầy cô giáo ai cũng tận tình, hết lòng giúp đỡ chúng em. Vì thế, em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô giáo, các cấp lãnh đạo”.
THÀNH QUẢ SAU 20 NĂM
Với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của thầy và trò, chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn từng bước được nâng cao. Từ năm học 2011-2012 đến nay, tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn trên 60%, hạnh kiểm tốt trên 90%; năm học 2011-2012, học sinh giỏi cấp tỉnh có 30 giải, năm học 2015-2016 nâng lên 84 giải. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT 5 năm gần đây đều đạt 100%; tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng luôn trên 60%.
Năm 2014, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp độ 3. Song song đó, nhà trường nhiều năm liền đạt tập thể lao động xuất sắc, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, được nhận giải thưởng Vừ A Dính của Trung ương Đoàn, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nguồn: BPO