Năm học 2023-2024, TP.HCM dự kiến tăng 35.000 học sinh nhưng chỉ tăng thêm khoảng 371 phòng học, trường lớp không đủ vì thế số lượng học sinh học 2 buổi/ngày ở không ít quận huyện đạt tỉ lệ thấp.
Trường tiểu học Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM đang được gấp rút xây dựng
Quận 12 là một trong những điểm nóng về thiếu trường, lớp tại TP.HCM. Nhiều năm qua quận này cùng với TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… luôn đau đầu với bài toán giãn sĩ số lớp học, tăng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.
Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày quá thấp
Năm học 2023-2024, quận 12 có 10.127 trẻ vào lớp 1 với dự kiến 233 lớp. Tuy vậy, năm học này quận dự kiến chỉ đưa vào sử dụng một trường tiểu học là Trường tiểu học Thới An và tu sửa cơ sở cũ Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ giao cho Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai làm cơ sở 2. Vì thế, dù số học sinh lớp 1 dự kiến khoảng 233 lớp 1 nhưng với hệ thống trường lớp hiện có quận này dự kiến chỉ có thể bố trí được khoảng 56 lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày với khoảng 2.090 học sinh, chỉ đạt khoảng 20,6% trong số những học sinh vào lớp 1.
Như vậy, năm học này dự kiến bình quân số học sinh bậc tiểu học được học 2 buổi/ngày tại quận 12 chỉ đạt 27,3% (12.774/46.799 học sinh), bình quân sĩ số học sinh sẽ là 45,4 học sinh/lớp, trong đó bình quân sĩ số học sinh trên lớp ở lớp 1 là 43,5 học sinh/lớp.
Tình hình cũng không khả quan đối với học sinh bậc THCS. Năm nay, quận 12 đón 10.193 học sinh dự kiến vào lớp 6. Trong số này chỉ có 1.913 học sinh được học 2 buổi/ngày, chiếm tỉ lệ 18,8%. Toàn quận có 6.716 học sinh THCS được học 2 buổi/ngày, đạt tỉ lệ 20,7%. Như vậy, so với năm học trước, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày giảm 0,5%. Năm ngoái tỉ lệ này là 21,2%, năm nay chỉ 20,7%, riêng lớp 6 giảm 7,7% (năm trước đạt 26,5%, năm nay đạt 18,8%).
“Nếu so với năm trước, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học tăng lên 1,5%, từ 25,8% lên 27,3%. Nhưng bậc THCS lại giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày xuống. Trong bối cảnh dạy chương trình mới, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và sĩ số học sinh cao vẫn là những việc khó khăn nhất của ngành giáo dục quận” – ông Khưu Mạnh Hùng, trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, bày tỏ.
Lo ảnh hưởng chương trình giáo dục phổ thông 2018
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2023-2024, dự kiến toàn TP tăng 35.055 học sinh (gồm 22.592 học sinh công lập và 12.463 học sinh ngoài công lập). Tính đến tháng 6-2023, TP đã đạt 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học từ 3 đến 18 tuổi. Trước đó, TP ước thực hiện được tỉ lệ 296 phòng học/10.000 dân.
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm học 2023-2024 TP vẫn tiếp tục đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh nhưng không thể đảm bảo được yêu cầu phủ khắp việc học 2 buổi/ngày.
Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, việc triển khai học tập theo chương trình phổ thông 2018 sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu có đủ phòng học để bố trí học sinh học 2 buổi/ngày.
“Trong bối cảnh nhiều quận có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, chúng tôi lo sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhất là với học sinh nhỏ như bậc tiểu học, việc sắp xếp thời gian để bố trí giờ học cho các em rất khó khăn. Chúng tôi mong chính quyền sẽ ưu tiên đầu tư xây trường học mới đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục” – lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở TP.HCM nói với Tuổi Trẻ.
“Căng mình” giải bài toán trường lớp
Với khoảng 20.000 học sinh vào lớp 1 và khoảng 22.000 học sinh vào lớp 6, TP Thủ Đức đang “căng mình” để đưa ra những bài toán phù hợp trong bối cảnh trường lớp xây dựng mới chưa có, chưa theo kịp.
“Năm nay TP Thủ Đức tăng hơn 1.000 học sinh tiểu học so với trước nhưng tăng đến 5.000 học sinh bậc THCS nên trường lớp bậc tiểu học không căng thẳng bằng trường lớp ở bậc THCS. Tuy nhiên, học sinh THCS vẫn dễ sắp xếp hơn so với học sinh tiểu học trong việc bố trí học 2 buổi/ngày” – ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng GD-ĐT Thủ Đức, chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn