Dịch bệnh ập đến, trường đóng cửa. Không có lương, con đói đòi sữa khiến nhiều cô giáo mầm non phải khoác lên chiếc áo shipper, nhờ người thân dạy làm nail… để tìm lối đi khác. Nhưng mong mỏi lớn nhất của các cô vẫn là được trở lại trường.

Trường học đóng cửa, cô giáo mầm non thành shipper, thợ làm nail - Ảnh 1.

“Chúng ta hãy luôn tạo động lực cho mình và tin rằng ngày mai vẫn còn điều tươi sáng sẽ đến, dù nhỏ thôi. Chỉ cần có cố gắng, phấn đấu thì Tết này bánh chưng vẫn có thịt, hoa đào vẫn đỏ tươi. Mình mong mọi cô giáo mầm non sẽ có nhiều ca làm, mức lương cao hơn trong năm mới”, cô Đào Thị Trung Anh (28 tuổi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ.

Làm shipper, làm nail vì hộp sữa cho con

Tại một căn hộ, cô giáo Đặng Lệ Huyền (37 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang dạy hai bạn nhỏ tập vẽ tranh cây đào bằng cọ vẽ. Cô ân cần cầm tay nắn nót giúp các bạn nhỏ. Từng cánh hoa đào hiện lên trên nền giấy trắng.

Đã lâu rồi cô Huyền mới được quay lại với những bài dạy quen thuộc, kể từ khi các trường mầm non tại Hà Nội phải đóng cửa do dịch bệnh.

“Dịch bệnh khiến mình không thể đi dạy. Tiền ăn, tiền uống, tiền học hành cho các con đè nặng. Không thể trang trải cuộc sống, mình phải đi làm shipper (người giao hàng – PV) để nuôi con. Ngày nào cũng ra khỏi nhà từ 6-7 giờ sáng”, cô Huyền tâm sự.

Làm shipper, cô Huyền phải rong ruổi trên đường cả ngày đến đêm muộn từ quận này sang quận khác của thủ đô. Ngày có đơn hàng thì đỡ, ngày không có chuyến nào, nhìn đồng hồ điểm 12 giờ đêm, cô lại ứa nước mắt về nhà trong nỗi lo ngày mai con sẽ ăn gì.

Hỏng xe, hết xăng giữa đường, va quệt… là chuyện cơm bữa, nhưng sợ nhất là chuyển hàng đến nơi vắng vẻ, xa khu dân cư. Dáng người nhỏ, bàn tay nhỏ nhắn của cô giáo mầm non đã quen với cọ vẽ, giấy màu… có lẽ khó có thể làm gì nếu gặp phải cướp giật.

Cũng khó khăn do dịch bệnh, cô giáo Đào Thị Trung Anh kể bản thân từng dạy ở một trường mầm non lớn với mức lương khá, nhưng trường đóng cửa khiến khoản tiền tích góp 7 năm “bay theo” hộp sữa, chiếc bỉm cho con.

“Là mẹ của hai bạn nhỏ nhưng mình không làm ra tiền, chi phí cho các con lại nhiều, từ bỉm, sữa đến khi con đau ốm. Đã có lúc mình nghĩ, hay thôi bỏ nghề, đi làm công nhân ít nhất cũng có đồng ra đồng vào. Mình cũng đã học spa được 2-3 tháng, nhưng cuối cùng lại thôi vì nghề giáo viên mầm non mới là tất cả”, cô Trung Anh bộc bạch.

Mong được trở lại trường

Tình cờ, cô Trung Anh và cô Đặng Lệ Huyền biết tới một dự án trông trẻ thông qua mạng xã hội với mức thu nhập ít nhất 6 triệu đồng/tháng. Bất kể mưa gió, các cô giáo này vẫn vượt quãng đường từ 10 – 20km đến địa điểm dạy học.

“Nhận tháng lương đầu tiên, mình mừng rơi nước mắt, khoe luôn ông bà con có lương, có tiền mua sữa cho con rồi. Tết này gia đình mình vẫn sẽ gói bánh chưng, mua cành đào về trưng Tết và tặng các con những bộ đồ mới”, chị Đào Thị Trung Anh vui mừng nói.

Tuy vậy, không may mắn như cô Huyền, cô Trung Anh, còn hàng nghìn giáo viên mầm non khác đang phải đi buôn bất động sản, bán hàng online, mở bếp nấu ăn tại nhà hoặc thậm chí đi làm công nhân để mua hộp sữa, tã bỉm cho con khi Tết đến gần…

Nghe tin TP.HCM cho trẻ mầm non trở lại trường từ tháng 2-2022, cô Huyền bày tỏ: “Mình không mong gì hơn là giáo viên được trở lại trường học, các con được đến lớp học tập. Dù công việc hiện giờ rất tốt nhưng được đi dạy ở trường vẫn tốt hơn vì trách nhiệm của nhà giáo là truyền thụ kiến thức cho nhiều học trò nhất có thể”.

Là cha của một bé 3 tuổi, một bé 5 tuổi, anh Đăng Chung (34 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình và vợ đều làm nhà nước, không thể nghỉ làm để ở nhà chăm con nên bàn nhau để hai cháu về quê với ông bà, nay đã tròn một năm.

Trẻ nhỏ hay ốm, nhớ cha mẹ, có hôm 12 giờ đêm con đòi gặp bố mẹ mà mình không cầm lòng được. Chỉ mong trường mầm non ở Hà Nội sớm mở lại, để các con đi học, gặp bạn bè, thầy cô và thu nhận thêm kiến thức”.

Trường học đóng cửa, cô giáo mầm non thành shipper, thợ làm nail - Ảnh 2.

Một ngày học ở nhà của các bé vẫn bám sát thời gian biểu như ở trường như tập thể dục, học vẽ, đọc thơ, tham gia các trò chơi vận động… để tránh việc ngồi hàng giờ nghịch điện thoại thông minh, máy tính bảng 

Đừng nghĩ mình là “ô sin cao cấp”

Theo cô Trung Anh, nhiều cô giáo mầm non tự ti, mặc cảm, suy nghĩ nhiều khi giảng dạy tại nhà nên tự tạo áp lực, nghĩ bản thân không khác gì ô sin cao cấp. Tuy nhiên thực tế ngược lại, phụ huynh đều tôn trọng các cô.

Theo Bộ GD&ĐT, từ tháng 5-2021 đến tháng 12-2021, cả nước có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể.

Qua khảo sát nhanh, 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Sắp tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho giáo viên mầm non, nhất là khối tư thục.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cô giáo mầm nongiáo viên mầm nonTạo động lựctrường mầm non

Các tin liên quan đến bài viết