Các trường đại học quanh năm suốt tháng phải lo làm kiểm định chất lượng chương trình. Nguồn lực tài chính chi cho công tác kiểm định rất lớn nên việc này đang trở thành gánh nặng của nhiều trường.
Đoàn đánh giá ngoài Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia TP.HCM – kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tháng 8-2023
Trong hai năm qua, số chương trình đào tạo giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng tăng vọt. Tuy nhiên, đại diện các trường đại học kiến nghị cần xem xét việc xây dựng lại lộ trình kiểm định cấp chương trình đào tạo phù hợp.
300-400 triệu đồng/chương trình
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), tính đến ngày 31-7, cả nước có 1.263 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận, trong đó có 864 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và 399 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài; 183 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định, trong đó có 9 cơ sở được kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài…
PGS.TS Lê Quang Sơn – phó giám đốc ĐH Đà Nẵng – cho rằng cứ tính bình quân mỗi trường đại học có 25 chương trình đào tạo, nhưng một trung tâm kiểm định mỗi lần nhận kiểm định 5 chương trình. Như vậy phải mất 5 năm mới kiểm định hết 25 chương trình.
“Với chu trình kiểm định là 5 năm, hết thời hạn phải kiểm định lại. Điều này khiến các trường đại học quanh năm suốt tháng lo làm kiểm định. Khi kiểm định một chương trình trung bình 300-400 triệu đồng, cứ như thế nhân lên với tổng số chương trình đào tạo của một trường đòi hỏi nguồn lực tài chính chi cho công tác kiểm định vô cùng lớn.
Liệu lộ trình như chúng ta đang làm có cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay hay không? Tôi nhất trí việc phải kiểm định chất lượng chương trình, kiểm định cơ sở nhưng cần xem xét xây dựng lại lộ trình cho phù hợp” – ông Sơn kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Duy Linh (Trường ĐH Quảng Nam), hiện các trường gặp khó khăn về kỹ thuật trong công tác kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Đó là việc lựa chọn các đơn vị kiểm định để thực hiện thanh toán với cơ quan tài chính. Khi các trường làm hồ sơ kiểm định có báo cáo tự đánh giá, kinh phí kiểm định là vấn đề lớn.
Ông Linh cho hay: “Thường các đơn vị muốn có kinh phí kiểm định phải xin cơ quan tài chính cấp trên. Để thanh toán được kinh phí này thì phải thực hiện hồ sơ giống như mua sắm thiết bị, vì kiểm định chất lượng cũng là dạng hàng hóa dịch vụ nên cũng phải thực hiện đấu thầu giống như hàng hóa khác.
Muốn thanh toán hồ sơ kiểm định của một chương trình đào tạo thì phải thẩm định giá, nhưng hiện nay không có đơn vị nào thẩm định được việc này. Trong khi một số đơn vị kiểm định lại yêu cầu phải làm với họ thì mới cung cấp báo giá. Vì vậy các trường gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện thanh toán kinh phí kiểm định”.
Nên công nhận cơ chế tự kiểm định
Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng các chương trình đào tạo đại học ngày 8-9
Theo TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), quản lý chất lượng giáo dục đại học có hai phần: bên trong và bên ngoài. Trong khi hiện nay chúng ta đang tập trung nhiều vào yếu tố bên ngoài, ví dụ như việc kiểm định, các trường cần quan tâm hơn tới việc bảo đảm chất lượng từ bên trong.
Để nâng cao hệ thống quản lý chất lượng bên trong, ông Chính đề nghị cần tăng trách nhiệm giải trình của từng cơ sở giáo dục cũng như của Bộ GD-ĐT với xã hội.
“Thay vì thực hiện báo cáo tự đánh giá thì nên chăng chúng ta công khai những số liệu thật cụ thể, ví dụ như số liệu tỉ lệ đầu vào, các nguồn lực nghiên cứu, đào tạo, bài báo khoa học, đầu ra…
Hiện giờ đang có quy định 3 công khai nhưng nên chăng bộ cần có những quy định kỹ hơn nữa, cần đặt ra các chỉ số cốt lõi nhất trường đại học phải công khai với xã hội và thông qua đó xã hội sẽ giám sát” – ông Chính nói.
Về hệ thống quản lý chất lượng bên ngoài, ông Chính cũng cho rằng kiểm định hiện đang là gánh nặng cho nhiều trường đại học. Nên chăng phải xem lại cơ chế kiểm định. Đối với cơ sở giáo dục thì việc kiểm định là bắt buộc, nhưng với chương trình, nếu cơ sở giáo dục có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mạnh, hệ thống tự kiểm định các chương trình mạnh thì nên công nhận cơ chế tự kiểm định.
Thay vì 100% các chương trình được kiểm định thì cần hướng đến 100% cơ sở và sau đó công nhận cơ chế tự kiểm định cho cơ sở có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mạnh. Đây là kinh nghiệm các nước trên thế giới đã làm rất nhiều. Cần sử dụng cơ chế đó để giảm tải việc kiểm định.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) – cho biết hiện nay hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn một số tồn tại hạn chế, ví dụ như việc thành lập đoàn đánh giá ngoài, kiểm định chương trình đào tạo với thành viên chưa phải là chuyên gia của ngành đào tạo đó, hay một người có thể tham gia kiểm định nhiều chương trình đào tạo không thuộc chuyên môn của mình liệu có đảm bảo độ tin cậy, trung thực của quá trình kiểm định…
“Nhìn lại những tác động của phía sau kết quả hàng trăm cơ sở giáo dục đại học và hàng trăm chương trình đào tạo được cấp giấy chứng nhận, dường như các kết quả ấy ít được các trường cũng như xã hội quan tâm để quá trình đảm bảo chất lượng ngày càng hoàn thiện và có những thích ứng với chính sách kiểm định”, ông Vinh nhận định.
Không bắt buộc kiểm định 100% chương trình
Ông Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) – cho biết năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 – 2030 ban hành kèm quyết định số 78 ngày 14-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ.Đề nghị các trường nghiên cứu kỹ lại các văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm định. Nhà nước không bắt buộc các trường kiểm định 100% chương trình đào tạo trong 5 năm. Hiện nay, việc xếp hạng đại học là hoàn toàn tự nguyện của các cơ sở giáo dục đại học.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 – 2024 là triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường bảo đảm, kiểm định chất lượng các chương trình theo quyết định số 78. Trong đó chú trọng đến việc tăng cường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Phải coi việc cải tiến chất lượng là nhu cầu, văn hóa chất lượng là nguyên tắc và yêu cầu xuyên suốt trong các hoạt động giáo dục đại học.
Xếp hạng đại học làm đảo lộn chất lượng
Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, có hai nhóm trường thích làm ranking (xếp hạng) là nhóm đứng đầu và nhóm đứng cuối của hệ thống giáo dục đại học.
Tháng 7-2023, có 52 trường top của Hàn Quốc đã rút không tham gia chương trình xếp hạng của QS ranking. Lý do vì họ cảm thấy việc sắp xếp các chỉ số xếp hạng không còn phù hợp và làm đảo lộn mặt chất lượng thật sự.
Nhiều trường đại học hàng đầu thế giới của Mỹ đã không tham gia hệ thống xếp hạng từ năm 2022. Ông Tuấn dẫn lời tác giả một bài báo nêu: “Chúng ta nên làm gì để cuối cùng làm cho các trường đại học được tự do thoát khỏi những xếp hạng mang tính chất thương mại?”.
Hiệu trưởng một trường đại học hàng đầu ở Mỹ nói rằng: “Hệ thống ranking hiện nay là nỗi ám ảnh hơi điên rồ, có thể làm hại cho các trường đại học, phụ huynh và sinh viên xem nặng vấn đề này”. Những việc trên là điều cần suy nghĩ thêm về việc xếp hạng các trường đại học hiện nay.
Nguồn: tuoitre.vn