Nhiều trường đại học đang “trắng” giáo sư, phó giáo sư. Không ít nơi chi tiền tỉ để thu hút người có học hàm nhưng kết quả chưa như mong đợi.
Trường đại học Tài chính – Marketing trao hỗ trợ một lần cho phó giáo sư về trường theo chính sách thu hút
Nếu tính trong vòng 22 năm, từ năm 2001 đến nay có 20 đợt xét giáo sư, phó giáo sư, trong đó năm 2018 tạm dừng xét vì những lùm xùm liên quan đợt xét và công nhận năm 2017, năm 2008 và 2009 được gom xét chung một đợt.
Tổng số có 10.409 giáo sư, phó giáo sư được công nhận. Năm có số lượng công nhận nhiều nhất là 2017 với 1.131 người, thấp nhất là năm 2004 và 2020 khi mỗi năm có 339 người được công nhận.
Nhiều trường đại học trắng giáo sư, phó giáo sư
Dù tổng số giáo sư, phó giáo sư được công nhận hằng năm khoảng 500 người nhưng phần lớn tập trung ở các trường đại học lớn, lâu đời và các viện.
Trong khi đó, thống kê của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy đến năm 2023, nhiều trường đại học hoàn toàn không có bất kỳ giáo sư, phó giáo sư nào làm việc tại trường, kể cả giảng viên thỉnh giảng.
Tại thời điểm công bố đề án tuyển sinh năm 2023, Trường đại học Bạc Liêu có tổng cộng 155 giảng viên cơ hữu. Đáng chú ý là trường này hoàn toàn không có giáo sư hay phó giáo sư nào.
Trong danh sách giảng viên thỉnh giảng, trường có năm phó giáo sư, một giáo sư, trong đó một người đã nghỉ hưu, năm người đến từ Trường đại học Cần Thơ.
Theo giới thiệu của Trường đại học Hà Tĩnh, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường gồm 212 người, trong đó có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 24 tiến sĩ, 168 thạc sĩ và 17 giảng viên có trình độ đại học. Tuy nhiên theo đề án tuyển sinh năm 2022, trường này có 259 giảng viên cơ hữu nhưng trắng giáo sư và phó giáo sư.
Theo kê khai trong đề án tuyển sinh 2023 của Trường đại học Quảng Bình, trường có 168 giảng viên cơ hữu. Cũng như nhiều trường đại học khác, trường này hoàn toàn không có giáo sư hay phó giáo sư nào đang là giảng viên cơ hữu tại trường.
Tương tự, Trường đại học Tân Trào có 189 giảng viên cơ hữu, không có giáo sư hay phó giáo sư. Trường đại học Thái Bình tính chung cả giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng cũng không có bất kỳ giáo sư, phó giáo sư nào (theo đề án tuyển sinh 2023).
Trường đại học Phạm Văn Đồng có tổng cộng 201 giảng viên cơ hữu nhưng cũng không có bất kỳ giáo sư, phó giáo sư nào tính đến thời điểm tháng 8-2023. Trường đại học Kinh tế Nghệ An cũng trắng giáo sư, phó giáo sư.
Một số trường đại học có phó giáo sư nhưng số lượng chỉ lác đác 1-2 người. Trong đó, Trường đại học Phú Yên có 118 giảng viên cơ hữu, có duy nhất một phó giáo sư chuyên ngành lịch sử Việt Nam. Gần đó, Trường đại học Khánh Hòa khá hơn với hai phó giáo sư, một người chuyên ngành toán giải tích, một chuyên ngành lịch sử Việt Nam.
Nhiều trường đại học khác cũng trong tình cảnh tương tự. Trường đại học Tiền Giang có 290 giảng viên cơ hữu. Trong đó có một phó giáo sư chuyên ngành địa kỹ thuật xây dựng.
Trường đại học Đồng Nai khá hơn với ba phó giáo sư các chuyên ngành ngôn ngữ học, vật lý chất rắn và hóa hữu cơ.
Trường đại học Hạ Long có hai phó giáo sư chuyên ngành lý thuyết xác suất và thống kê toán học trong gần 300 giảng viên cơ hữu. Trường đại học Kiên Giang có một phó giáo sư chuyên ngành lâm sinh trong tổng số 241 giảng viên.
Đồ họa
Thu hút bằng tiền: chưa hiệu quả
Trong bối cảnh thiếu giảng viên có học hàm học vị, không ít trường đại học ban hành chính sách thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về trường làm việc.
Trường đại học Công nghiệp Hà Nội thông báo tuyển dụng theo chính sách thu hút của trường năm 2023. Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất cho giáo sư là 480 triệu đồng, phó giáo sư 360 triệu đồng.
Các trường tự bỏ tiền hoặc hưởng lợi từ chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Tuy nhiên dù số tiền trả một lần lên đến hàng trăm triệu đồng, kèm theo đó là chính sách lương, hỗ trợ mua nhà cao nhất lên đến gần 5 tỉ đồng, nhưng kết quả thu hút không như kỳ vọng.
Giữa tháng 8-2023, Trường đại học Tài chính – Marketing (UFM) đã tổ chức buổi gặp gỡ, tiếp đón các ứng viên trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức năm 2023.
Trong số này có PGS Trần Văn Hùng. Trường hỗ trợ 300 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ thu hút đã được thực hiện nhiều năm. Tính chung từ 2018 đến nay, chính sách này đã thu hút được bốn phó giáo sư và hơn 15 tiến sĩ.
Ông Phạm Tiến Đạt, hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing, cho biết việc ban hành và duy trì chính sách thu hút người có học vị cao, nhất là cán bộ khoa học trẻ và cán bộ khoa học đầu ngành, vẫn là một trong những giải pháp hữu ích để tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên của trường.
Bên cạnh đó, trường cũng có các biện pháp tác động, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để giảng viên phấn đấu đủ tiêu chuẩn, điều kiện xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Trong khi đó, từ chính sách của tỉnh, các trường đại học Thủ Dầu Một, Hạ Long đã có các chính sách khủng để thu hút giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ về làm việc tại trường. Ngoài hỗ trợ tiền mặt một lần còn có hỗ trợ về lương, mua nhà đất tại tỉnh. Thế nhưng kết quả thực sự chưa như mong muốn.
Thống kê năm 2021 của Trường đại học Hạ Long cho thấy từ khi áp dụng chính sách thu hút năm 2015 đến tháng 12-2020, trường này thu hút được 14 tiến sĩ, không có bất kỳ giáo sư hay phó giáo sư nào về trường.
Theo đề án tuyển sinh năm 2023, Trường đại học Hạ Long có hai phó giáo sư. Một tiến sĩ của trường được công nhận phó giáo sư năm 2022 và trở thành người có học hàm phó giáo sư đầu tiên của trường này.
Ở khía cạnh đơn vị thu hút nhân sự trong chục năm qua, ông Ngô Hồng Điệp, phó hiệu trưởng Trường đại học Thủ Dầu Một, cho biết thu hút người ngoài trường cũng là một giải pháp nhưng cái gốc và căn cơ là đào tạo, bồi dưỡng từ trường.
Đó mới là chiến lược phát triển bền vững. Thực tế số người về trường nhưng sau đó ra đi cũng không phải ít. Cũng có người về trường diện thu hút nhưng khi làm việc thực tế lại không đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Để người về trường theo diện thu hút gắn bó cần phải có nhiều chính sách khác như định cư, chức vụ, môi trường phát triển chứ không phải chỉ có tài chính. Hơn nữa, khi về các trường tại TP.HCM, họ có thể đi dạy hoặc làm nhiều việc chuyên môn khác giúp cho tổng thu nhập nhiều hơn”, ông Điệp nói thêm.
Đồ họa
Các tỉnh chi mạnh thu hút giáo sư, phó giáo sư
Không chỉ các trường đại học có chính sách hỗ trợ để thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà ngay cả chính quyền các địa phương cũng mạnh tay mở hầu bao mời gọi.Một số tỉnh chi ngân sách mời gọi giáo sư, phó giáo sư về làm việc tại các đơn vị thuộc quản lý của tỉnh, trong đó có các trường đại học như Quảng Ninh, Bình Dương, Tiền Giang.Cuối tháng 9-2023, tỉnh Bạc Liêu có nghị quyết thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mức hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều đối tượng. Riêng giáo sư được hỗ trợ 500 triệu đồng, phó giáo sư 400 triệu đồng, tiến sĩ 300 triệu đồng.Các địa phương khác như Bình Định, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Quảng Trị… cũng chi ngân sách mời gọi giáo sư, phó giáo sư về tỉnh làm việc với mức hỗ trợ từ 350 – 600 triệu đồng.
Cần môi trường làm việc
Ông Nguyễn Xuân Hoàn, chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Công Thương TP.HCM, đánh giá chính sách thu hút của trường đã góp phần mời gọi được nhiều người có học hàm, học vị về trường.
Tuy vậy, ông Hoàn cho rằng hỗ trợ tài chính chỉ là một phần. Quan trọng là trường tạo điều kiện, môi trường làm việc cho người về trường để họ làm việc và phát triển chuyên môn.
“Những người có học hàm, học vị họ không thiếu nơi làm việc, cũng không phải thiếu thốn tài chính. Do đó, bên cạnh hỗ trợ tài chính, điều có thể góp phần thu hút họ về trường đó là môi trường làm việc phù hợp”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Nguồn: tuoitre.vn