Theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đầu tư vào trường chuyên cũng như câu chuyện về đầu tư kinh tế, phải có những “đầu tàu” mới tạo ra sự đột phá.

“Trường chuyên” có ở nhiều nước

Hệ thống trường chuyên của Việt Nam đã có từ lâu. Năm 1965, Khối Chuyên Toán – Tin (A0) được thành lập. Nhưng phải nói, chính sách này không của riêng Việt Nam mà được học tập từ nước ngoài.

Hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới vẫn giữ mô hình đào tạo những nhân tố xuất sắc. Họ không để những nhân tố này hòa chung vào mô hình đào tạo bình thường, dễ khiến tài năng bị thui chột.

Có thể kể tới như trong ĐH Tổng hợp Lomonoxop (Nga) vẫn tồn tại trường phổ thông chuyên thành lập từ 1964, tức là trước Việt Nam 1 năm. Trường này tập trung vào các lĩnh vực chuyên về khoa học tự nhiên. 5 năm trở lại đây, ngôi trường này còn “rẽ nhánh”, định hướng cho những học sinh có thiên hướng về kinh tế hoặc y dược ngay từ lớp 12.

Không chỉ ở Nga, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến khác cũng có hệ thống trường chuyên mạnh như Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Úc…

Còn trong khu vực, gần chúng ta có Singapore với ngôi trường chuyên nổi tiếng là Trường THPT Chuyên Toán và Khoa học (NUS) nằm trong ĐH Quốc gia Singapore. Hay như tại Thái Lan, trong các trường nổi tiếng như ĐH Mahidol hay ĐH Chulalongkorn cũng có hệ thống trường chuyên. Mặc dù đi sau nhưng hiện tại, những trường này đều phát triển rất mạnh.

Kể từ năm 2002, Nhật Bản bắt đầu có chiến lược xây dựng những trường THPT trọng điểm (Super Science High Schools) về khoa học tự nhiên. Đến nay, hệ thống đó đã lên tới khoảng 200 trường.

Trường chuyên chỉ để đào tạo 'gà nòi'?
Học sinh dự thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên

Nói trường chuyên chỉ “sản xuất gà nòi” là sai lầm

Có giai đoạn kinh tế chưa phát triển, mọi người thường đặt câu hỏi: “Tại sao phải đầu tư vào đỉnh cao của Olympic thể thao?”, “Đầu tư vào thể thao làm gì cho tốn kém?”, “Sao không đầu tư vào những cái khác hữu ích hơn?”…

Thực tế, tất cả các nước phát triển đều đầu tư cho thể thao, bởi điều đó sẽ tạo ra cú huých và là một thước đo nhằm chứng minh khả năng không giới hạn của con người.

Câu chuyện đầu tư của thể thao và trường chuyên tuy không hoàn toàn tương đồng nhưng cũng có điểm giống nhau về bài toán xã hội.

Những đối tượng tinh hoa của trường chuyên giống như GS Ngô Bảo Châu hay GS Đàm Thanh Sơn – vốn là những nhà khoa học đầu đàn – hiện đang đóng góp rất nhiều cho giáo dục nước nhà. Phải có những nhân tố như thế mới có thể khơi gợi nỗ lực, quyết tâm của giới trẻ và chứng minh được rằng người Việt Nam không thua kém bất cứ ai.

Còn nói trường chuyên chỉ để đào tạo “gà nòi” là sai lầm. Trước đây, mô hình trường chuyên có những lớp rất nhỏ, chủ yếu hướng tới giáo dục cá biệt nhiều hơn. Nói cách khác, mục tiêu khi đó là phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố xuất sắc trong một lĩnh vực hẹp.

Còn giờ đây, đối tượng học sinh của trường chuyên đã mở rộng hơn rất nhiều. Trong số đó cũng có những nhân tố xuất sắc, nhưng tỉ lệ không nhiều. Các trường chuyên hiện tại đã hướng tới việc đào tạo toàn diện.

Ví dụ, bây giờ học sinh chuyên Toán không chỉ giỏi mỗi Toán. Các bạn cũng giỏi Tiếng Anh, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, cũng có những trải nghiệm sáng tạo. Những bạn giành huy chương quốc tế có thể chơi tennis rất giỏi, hát và chơi đàn rất hay.

Mặt khác, nói học sinh chuyên học lệch cũng không phải là nhận định chuẩn xác. Bởi lẽ, học sinh chuyên vẫn phải tham gia các kỳ thi đánh giá bình thường của địa phương và của toàn quốc.

Thế nhưng, có một điều dễ dàng nhận thấy, thành tích học tập của học sinh chuyên vẫn luôn cao hơn so với mặt bằng chung.

Cần phát triển thành “đầu tàu” thay vì cào bằng

Một trong những vai trò của trường chuyên là khuyến khích, đào tạo những học sinh tinh hoa nhất, có năng lực xuất sắc để phát huy hết khả năng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những mục tiêu chứ không phải là duy nhất.

Trường chuyên không chỉ là nơi đào tạo “gà chọi” đi thi giải quốc gia, quốc tế. Hệ thống trường chuyên giờ đây phải là “đầu tàu”, là một hình mẫu để lan tỏa những chính sách mới của giáo dục và thực thi những thay đổi giáo dục cơ bản, toàn diện.

Chúng ta càng phải coi đây là hình mẫu để các trường khác nâng chất lượng giáo dục chứ không phải cào bằng hay xóa bỏ.

Cũng có giai đoạn, nhiều người cho rằng cần phải chia đều thầy giỏi cho các trường để đảm bảo công bằng trong giáo dục. Nhưng như đã nói, chúng ta không thể quên rằng trường chuyên vẫn có mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước. Một người có tài năng rất cần được học và tạo điều kiện để phát triển. Họ không thể vào môi trường kém cạnh tranh, thiếu đi động lực. Như vậy, sẽ không thể có những người thực sự giỏi để phát triển đất nước.

Điều này cũng giống như câu chuyện về đầu tư kinh tế. Tại sao đất nước vẫn cần phải có những vùng kinh tế trọng điểm để đầu tư thay vì cào bằng? Tất nhiên, chúng ta cần tới mặt bằng chung, nhưng để đột phá thì phải có những đầu tàu. Nếu đầu tư dàn trải, không có lộ trình từng bước, mọi thứ sẽ không thể phát triển.

TS. Lê Công Lợi (Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên)

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đào tạogiáo dụctrường chuyêntrường THPT

Các tin liên quan đến bài viết