Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn về lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và mở cửa trở lại nền kinh tế và dự kiến ban hành trước 15/9.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp sáng 11/9 cho thấy tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng trong tuần đã giảm so với tuần trước. Trong đó, Đà Nẵng giảm đến 60%, Bình Dương giảm 27%…
Số ca tử vong do Covid-19 tại TP.HCM giảm 30%
Kết quả thực hiện các tiêu chí kiểm soát dịch cho thấy, nhóm 1 (đang kiểm soát tốt dịch bệnh) có 88/23 địa phương: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.
Nhóm 2 (đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch) có 12/23 địa phương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu.
Các địa phương đang đẩy mạnh tiêm vắc xin để sớm tạo miễn dịch cộng đồng, trở lại trạng thái bình thường mới |
Nhóm 3 (cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch) có 3/23 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Kiên Giang.
Đến nay, số ca khỏi bệnh là 338.000; số ca đang theo dõi là 231.426. Tỷ lệ tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực; có 28 tỉnh chưa có ca tử vong. Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%; trong đó TP.HCM (30%), Đồng Nai (50%), Long An (30%), Tiền Giang (70%). |
So với tuần trước, nhiều địa phương thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch như: Vĩnh Long, Trà Vinh cải thiện từ nhóm 2 lên nhóm 1 và Long An, Tiền Giang cải thiện từ nhóm 3 lên nhóm 2.
Tình hình dịch tại TP.HCM trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên 2 tiêu chí: số mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong của TP.HCM đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Quận 7, hai huyện Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong. Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm.
Tại Hà Nội sẽ ghi nhận một số ca mắc, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, vẫn sẽ còn các ca lây nhiễm không rõ nguồn lây. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các ca nhiễm trong cộng đồng.
Trong tuần qua, cả nước đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 5,2 triệu lượt người, tăng 7,4% so với tuần trước, chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.
So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%. Một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh: TP.HCM (giảm từ 3,7% xuống 1,4%), Long An (giảm từ 2% xuống 0,5%), Tiền Giang (giảm từ 1,2% xuống 0,2%).
TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai các vùng đỏ đã được quét xét nghiệm đến lần thứ 3 và tỷ lệ hiện nhiễm qua 3 vòng xét nghiệm đã giảm rõ rệt. Riêng Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ tại TP.HCM gần như không phát hiện thêm ca nhiễm mới sau 5 vòng xét nghiệm.
Việc xét nghiệm toàn dân trên diện rộng đã bóc tách được các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng đồng thời phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; không để tiếp tục lây lan trong cộng đồng; tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tính đến nay, số lượng vắc xin đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ với tổng số 159,97 triệu liều. Dự kiến số lượng vắc xin về trong năm 2021 khoảng 138,4 triệu liều.
Hiện số lượng vắc xin đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã tiêm được hơn 27 triệu liều. Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP.HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).
Hiện, Chính phủ đang tiếp tục đàm phán với một số nước là 18,9 triệu liều, trong đó 10 triệu liều với Chính phủ Trung Quốc, 5 triệu với Chính phủ Cu Ba, 3 triệu liều với Chính phủ Ba Lan…
Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vắc xin cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại.
Vô hiệu hóa gần 1,282 triệu lượt phát tán tin giả mạo, xấu độc
Về tình hình thực hiện giãn cách xã hội hiện có 4 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tăng cường giãn cách xã hội: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; 4 tỉnh, thành tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn gồm: Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Trà Vinh.
15 tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Cà Mau, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Phú Yên, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Tây Ninh.
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang tiếp tục thực hiện tăng cường giãn cách xã hội |
Bộ Y tế đã căn cứ vào các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức quốc tế khác và tổng kết kinh nghiệm của gần 40 quốc gia về các mô hình thực hiện “mở cửa trở lại” nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn về lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Dự thảo của hướng dẫn này đã được trao đổi, thống nhất với các chuyên gia và đang xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương; dự kiến ban hành trước 15/9.
Trong tuần qua đã tiếp tục hỗ trợ thêm gần 2 triệu người thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết số 68, nâng tổng số kinh phí hỗ trợ lên 12.900 tỷ đồng. Riêng TP.HCM đến nay đã chi trên 6.000 tỷ đồng (chiếm 47% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,93 triệu đối tượng (chiếm 28,5% toàn quốc). Các cấp công đoàn đã tiếp tục hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động; vận động 8.161 doanh nghiệp thành lập 44.220 Tổ an toàn Covid-19 tại cơ sở.
Tính đến ngày 10/9, toàn quân đã sử dụng 5.730 chuyến xe vận tải, 2 tàu biển, vận chuyển 23.874 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ cách ly, hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch. Đồng thời, thành lập 660 tổ quân y lưu động tăng cường giúp TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Long An và hỗ trợ thêm 167 tỷ đồng.
Về đảm bảo an ninh truyền thông, trong 3 ngày gần đây đã tấn công, vô hiệu hóa gần 1,282 triệu lượt phát tán tin giả mạo, xấu độc. Trong 3 ngày từ 6-10/9, lực lượng công an trong toàn quốc đã xử lý hơn 10.700 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Công an các địa phương tích cực tham gia tuyến đầu chống dịch, đã cử gần 7.885 cán bộ chiến sỹ và học viên tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Nguồn: vietnamnet