Thời gian qua, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong nước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh. Tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long, thời gian đầu mới ứng dụng đã gặp thất bại do phần mềm không đáp ứng nhu cầu công việc. Tuy nhiên, đến nay những trục trặc, áp lực đã được giải tỏa khi bệnh viện ứng dụng bộ phần mềm mới đồng bộ và đủ chức năng hơn.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện đa khoa thị xã Phước LongBệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện đa khoa thị xã Phước Long

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long cho rằng: Bệnh viện hoạt động khác biệt so với các tổ chức khác về nhân sự, khách hàng, danh mục dịch vụ, quy trình phục vụ. Vì vậy để có một phần mềm đáp ứng được nhiều mô hình quản lý bệnh viện đòi hỏi nhà cung cấp phải có kiến thức quản lý y khoa và chuyên môn, cộng với sự kiên trì đeo bám, tìm giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh từ thực tế.

GIẢM THỜI GIAN, TĂNG HIỆU QUẢ

Mỗi ngày trung bình Bệnh viện đa khoa thị xã Phước Long tiếp nhận gần 400 bệnh nhân điều trị ngoại trú, 100 bệnh nhân điều trị nội trú. Tôi gặp bệnh nhân Đặng Văn Hanh ở khu phố 2, phường Long Thủy (Phước Long) đang ngồi đợi khám bệnh. Anh chia sẻ: Tôi khám bệnh ở đây hoài, nhưng gần đây mới thấy quy trình khám ngắn lại, giảm bớt thời gian. Trước phải bốc số và khâu nào cũng phải chờ đợi vì bệnh nhân quá đông, nên có khi mất cả buổi sáng. Còn hôm nay, tôi khám bệnh chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ là xong.

Hướng tới phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn nên sau thất bại phần mềm cũ, Trung tâm Y tế thị xã Phước Long tiếp tục nỗ lực tìm kiếm đối tác cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện phù hợp. Sở dĩ chọn ykhoa.net bởi phần mềm được viết ra từ chính những người trong ngành nên nội dung đầy đủ, dễ hiểu, dễ sử dụng, có tính chất đồng bộ và nhiều chức năng, tiện ích. Phần mềm này hiện đã được hơn 15 bệnh viện trên cả nước ứng dụng, 6 bệnh viện đang dùng thử nghiệm so sánh và cơ bản đáp ứng yêu cầu các đơn vị đề ra.

Xác nhận sự phiền hà của bệnh nhân do phần mềm cũ là có thật, chị Đặng Thị Bích, điều dưỡng Khoa Khám bệnh nói: Từ ngày áp dụng phần mềm mới, tôi thấy công việc nhẹ nhàng và tiện lợi. Trước đây hầu như thông tin bệnh nhân chúng tôi phải viết bằng tay, lượt mới phải ghi, lượt cũ phải lục tìm nên rất mất thời gian. Đến cuối ngày còn phải thống kê lại số lượng bệnh nhân nên khó tránh khỏi sai sót. Một trong những điểm của phần mềm mới khiến tôi thích là lưu trữ đầy đủ thông tin của bệnh nhân nên những lần khám tiếp theo dễ theo dõi.

Một trong những vấn đề nan giải của các bệnh viện nói chung là phải quản lý tốt thuốc và vật tư y tế. Trước nay ngoài việc cung cấp một chiều từ kho đến bệnh nhân, Khoa Dược Bệnh viện đa khoa thị xã Phước Long còn phải xử lý các khâu mượn, trả hoặc bệnh nhân đổi thuốc, vật tư y tế với yêu cầu chính xác, không tùy tiện. Anh Đỗ Quang Trung, Trưởng khoa Dược Bệnh viện đa khoa thị xã Phước Long cho biết: Để quản lý thuốc và vật tư y tế, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng phần mềm cũ phải thao tác nhiều, số liệu có khi lệch, thiếu một số báo cáo dẫn đến khó khăn trong thống kê và thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Nhưng từ ngày sử dụng phần mềm mới, công việc của khoa nhẹ hơn vì các báo cáo đồng bộ với chuẩn của bộ, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội. Nhân viên của khoa được giảm bớt thời gian, áp lực do phải thống kê, báo cáo nên tập trung chuyên môn, hiệu quả làm việc tăng lên.

ĐỀ XUẤT BỘ PHẦN MỀM CHUNG CHO NGÀNH Y TOÀN TỈNH

Đánh giá một số ưu điểm chính của bộ phần mềm quản lý bệnh viện sau hơn 1 tháng ứng dụng tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương cho biết: Phần mềm đã quản lý được bệnh nhân, công việc của bác sĩ và cả phác đồ điều trị của từng bệnh nhân; có nhiều tiện ích giúp bác sĩ rút ngắn thời gian khám, kê đơn; chốt được các số liệu báo cáo trong ngày, tuần, tháng nên giảm thiểu nhân lực thống kê báo cáo với yêu cầu chi tiết và chính xác như thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Đặc biệt phần mềm đã quản lý tốt viện phí và các dịch vụ, cụ thể đến từng viên thuốc, túi gòn nên giảm thiểu thất thoát tài chính, góp phần minh bạch thu chi tài chính của đơn vị. Không chỉ vậy, phần mềm còn cơ bản giải quyết các vấn đề về “vượt trần” trong điều trị và kê toa. Thời gian tới mong rằng ngành y toàn tỉnh được trang bị bộ phần mềm dùng chung để tăng hiệu quả công việc tại các cơ sở khám chữa bệnh.

 

Nguồn: Báo Bình Phước

Từ khóa : công nghệ thông tinphước longứng dụng cntt vào y tế

Các tin liên quan đến bài viết