Việc Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát chất lượng, đóng gói và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các loại trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này đã gặp nhiều khó khăn, kim ngạch giảm mạnh trong những tháng đầu năm.
Ngoài 9 loại trái cây (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt) được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, phía VN cũng đang đàm phán để mở ra cơ hội với các loại trái cây khác như sầu riêng, bưởi, chanh dây, na (mãng cầu), roi (mận), bơ và dừa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngành trái cây VN cần tổ chức lại sản xuất một cách bài bản hơn, với sự hỗ trợ của Nhà nước mới có thể cạnh tranh được tại các thị trường xuất khẩu.
Siết chất lượng trái cây nhập khẩu
Ông Từ Trí, trợ lý tổng giám đốc quản lý chợ đầu mối rau quả Long Ngô (Thượng Hải, Trung Quốc), cho biết nhu cầu về trái cây chất lượng cao đang ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Đặc biệt, 9 loại trái cây VN được xuất khẩu qua đường chính ngạch rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng vì chất lượng và giá cạnh tranh. Riêng trong 7 tháng đầu năm, đã có 2,2 triệu tấn được nhập khẩu với kim ngạch 1,6 tỉ USD.
Tuy vậy, theo ông Trí, do ảnh hưởng dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đặt ra những yêu cầu khắt khe về quy định sản xuất, chế biến và đóng gói như tăng cường truy xuất vùng trồng, đóng gói nông sản, đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho các nhà máy trái cây nhập khẩu.
Bởi vậy, chợ Long Ngô cũng đưa ra nhiều yêu cầu cao hơn với các nhà xuất nhập khẩu, trọng tâm là sản phẩm trái cây chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe.
Ông Viện Á Tường, tổng thư ký Hiệp hội trái cây Thượng Hải, cũng cho hay dù có lợi thế là đa dạng các loại hoa quả và vận chuyển thuận tiện, trái cây VN lại đang kém cạnh tranh hơn, do chi phí nhân công và vận chuyển tăng cao, tổn thất lớn.
Thậm chí có những loại trái cây được phát hiện có vi khuẩn gây hại nên hải quan không thông quan.
“VN là quốc gia có trái cây nhiệt đới ngon và có sản lượng lớn. Tuy nhiên, cần kiểm soát chất lượng, giảm chi phí bán hàng. Chất lượng tốt, giá phải chăng, cạnh tranh, trái cây chất lượng cao, có thương hiệu mới có thể chiếm lĩnh thị trường” – ông Tường cho hay.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Hoàng, giám đốc điều hành Công ty cổ phần TMS thương mại, dù chất lượng trái cây VN ngày càng được nâng cao, nhưng vẫn bị thua thiệt ở thị trường này do những đầu mối thu mua của Trung Quốc quyết định giá cả.
Chẳng hạn, đối diện với cửa khẩu Tân Thanh (VN) – địa chỉ xuất khẩu chủ lực của nhiều loại hoa quả VN (dưa hấu, thanh long…) – là chợ đầu mối nông sản Pò Chài (Trung Quốc), chuyên thu gom các loại hoa quả và trái cây của VN.
Các đầu nậu tại chợ này sẽ nhận thông tin từ thương lái đang thu mua tại VN, rồi phân quyền và phát giá tới các chủ vựa và nhà máy tại VN. Do vậy, các loại trái cây VN được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này đều bị thương lái Trung Quốc khống chế.
Gặp khó do quy mô nhỏ, thiếu vốn
Cũng tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho hay VN đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây tươi VN khác như sầu riêng, bưởi, chanh dây, na, mận, bơ và dừa.
Đặc biệt, cơ quan này cũng mở thêm văn phòng xúc tiến thương mại ngay tại thủ phủ Hàng Châu (Chiết Giang), văn phòng xúc tiến thương mại thứ hai của VN tại Trung Quốc, sau văn phòng tại Trùng Khánh.
Ngoài ra, cơ quan này cũng tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoa quả VN tham gia giao dịch trực tuyến với các khách mua hàng tiềm năng của Trung Quốc để hai bên tìm được đối tác tin cậy, cùng phát triển lâu dài và bền vững.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu rau quả của VN cần tận dụng triệt để cơ hội giao thương trực tuyến để tiếp cận với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng.
Tuy nhiên, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả VN sang Trung Quốc, doanh nghiệp VN cần thay đổi cách tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu chính ngạch với sản phẩm có chất lượng cao và có thể truy xuất nguồn gốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho hay để đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu Trung Quốc, các doanh nghiệp phải đầu tư vùng trồng đạt chứng chỉ VietGap ít nhất 10ha trở lên.
Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đạt chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm phải do chính bên nước bạn cấp mới được xuất khẩu.
Tuy vậy, do doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, trồng theo kinh nghiệm nên để hình thành các vùng trồng đáp ứng yêu cầu cần phải có thời gian và đòi hỏi chi phí.
“Trước đây, các sản phẩm như thanh long, dưa hấu thường được bao gói tạm bợ, đóng vào sọt tre hoặc thùng gỗ, nhưng nay phải đưa hàng về kho, đóng gói có đủ thông tin mã số, mác, người xuất nhập khẩu”, ông Nguyên nói.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan VN cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 27,35 tỉ USD, trong đó nhóm hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu đạt 1,31 tỉ USD, giảm 25,25% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu rau quả VN sang Trung Quốc bị giảm đáng kể trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi phía Trung Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu của VN với yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Nguồn: tuoitre.vn