Trung Quốc đang tham vọng xây đường hầm dẫn nước dài cả ngàn km tới vùng sa mạc khô cằn ở khu tự trị Tân Cương.
Trung Quốc đang xem xét đào một đường hầm dài đến 1.000 km để chuyển nước của con sông Brahmaputra từ Tây Tạng về khu vực Tân Cương khô cằn.
Brahmaputra là một trong những con sông lớn của châu Á. Bắt nguồn từ Tây Tạng, con sông sẽ chảy qua khu vực Đông Bắc của Ấn Độ, duy trì sinh kế của hàng triệu người khi đi qua Bangladesh và sau đó đổ ra vịnh Bengal.
Nếu dự án được hoàn tất, đây sẽ là đường hầm dẫn nước dài nhất trên thế giới.
Cụ thể, nước sông từ huyện Sangri của khu tự trị Tây Tạng sẽ được chuyển thông qua hệ thống đường hầm để tới sa mạc Taklamakan ở Tân Cương.
Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, hơn 100 nhà khoa học đã tham gia phác thảo dự án qui mô này.
Kế hoạch đã được đệ trình lên các quan chức cấp cao liên quan và việc thông qua hay không sẽ được chính quyền trung ương công bố vào tháng 3-2018.
Báo Times of India ngày 31-10 bình luận rằng một khi đường hầm này được xây dựng, nó có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lượng nước ở sông Brahmaputra, gây hạn hán bất thường ở lưu vực sông này.
Giới quan sát còn cảnh báo việc chứa một lượng lớn nước trước khi chuyển qua đường hầm có thể sẽ làm tăng nguy cơ lũ lụt, tương tự như các đập thủy điện vào mùa mưa.
“Một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng tới việc thông qua dự án khổng lồ này đó là các nguy cơ về môi trường, trong đó có liên quan tới việc đường hầm xuyên qua những ngọn núi dễ đổ. Một yếu tố khác là chi phí dự án đắt đỏ” – một kỹ sư Trung Quốc liên quan tới kế hoạch trên cho biết.
Ông Wang Wei, một chuyên gia tại ĐH Tứ Xuyên của Trung Quốc, ước tính cứ 1 km đường hầm sẽ “ngốn” 1 tỉ nhân dân tệ (xấp xỉ 150 triệu USD). Điều này có nghĩa để xây đường hầm, Trung Quốc phải chi tổng cộng 150 tỉ USD.
Giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc có thể sẽ quyết tâm làm tới cùng dự án này nếu nó phục vụ cho các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Trong đó, có việc gây áp lực New Delhi tương tự trường hợp các đập thủy điện Trung Quốc xây ở thượng nguồn sông Mekong.
Tuy nhiên, tương tự tranh chấp ở cao nguyên Doklam cách đây không lâu, dự án này nếu được xúc tiến có thể sẽ khiến quan hệ Trung – Ấn một thêm căng thẳng.
Nhà nghiên cứu Zhang Chuan Qing nói rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ xúc tiến dự án này trong tương lai. “Trong 5 năm hay 10 năm nữa, công nghệ sẽ cho phép và giá thành cũng hợp lý hơn. Khi đó, sự thúc giục để thâu tóm các lợi ích sẽ khó mà cưỡng lại” – ông Zhang nhận định.
Cũng theo ông Zhang, một dự án đường hầm dẫn nước đầy tham vọng khác hiện đang được xúc tiến ở tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc. Dự án này phần nào sẽ giúp đánh giá tính khả thi của dự án đường hầm dẫn nước Tây Tạng – Tân Cương.
Vân Nam là một khu vực có địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, đây lại là nơi được chính phủ Trung Quốc đổ nhiều tiền cho các dự án hạ tầng đầy tham vọng. Trong số đó phải kể tới hầm đường sắt dài nhất của nước này.
Nguồn: tuoitre.vn