Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đã rút được kinh nghiệm trong quá trình xây đảo nhân tạo ở Biển Đông sau khi mắc nhiều sai sót.
Hình ảnh các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam được chụp hôm 20/3. Ảnh: Reuters. |
Công ty hình ảnh vệ tinh Spaceknow và tạp chí Nikkei Asian Review đã đánh giá dữ liệu Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Họ quan sát thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc đạt đến đỉnh điểm vào nửa cuối năm 2015. Kể từ sau đó, việc mở rộng giảm dần bởi vì các đảo nhân tạo phần lớn đã được hoàn thành, tuy nhiên, họ đã ngày càng tinh vi hơn trong việc xây dựng sau khi mắc nhiều sai lầm.
Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, nói rằng phát hiện này phù hợp với quan sát của chính ông. “Họ đã có nhiều thử nghiệm hồi năm 2014, 2015”, ông nói. “Họ xây dựng những thứ không cần thiết và mắc lỗi”.
Trung Quốc dường như đã rút được kinh nghiệm. Các cấu trúc trên đảo nhân tạo sau đó “đều nhau chằn chặn”. Bạn nhìn thấy một tòa nhà trên một đảo rồi bạn sẽ thấy tòa nhà y hệt trên 6 thực thể khác”, Poling nói.
Tom Bowles, nhà khoa học của Spaceknow, cho rằng Trung Quốc có thể đã bổ sung “nhiều tàu thuyền hoặc máy bơm lớn hơn hoặc một thứ gì đó khác” để phục vụ cho việc xây đảo.
Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng. Ngoại trưởng Trung Quốc tuần trước xác nhận họ quân sự hóa Biển Đông nhưng biện bạch rằng họ làm vậy để đối phó với “một số quốc gia”, ám chỉ Mỹ.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp.