Một con voi được vận chuyển từ Thành Đô đến vườn thú ở Trùng Khánh năm 2008 |
Theo ông Karl Ammann, nhà làm phim kiêm hoạt động môi trường, voi có nguồn gốc từ Lào được các tay thương lái mua với giá 30.000 USD mỗi con. Báo South China Morning Post cho biết những người này sau đó vận chuyển “hàng” sang đất Trung Quốc bằng đường bộ gần thị trấn cửa khẩu Boten. Từ đây, voi tiếp tục bị sang tay cho các tổ chức buôn lậu động vật ở Trung Quốc thông qua thêm một lớp trung gian với cái giá bị đẩy lên đến gần 300.000 USD. “Đó là một khoản lợi nhuận quá tốt, chính xác là kiểu giao dịch thương mại bị cấm theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)” – ông Ammann bình luận. Nhóm của ông Ammann tình cờ phát hiện đường dây buôn bán động vật bất hợp pháp giữa Lào và Trung Quốc hồi đầu năm, trong lúc đang điều tra vụ mua bán 16 con voi châu Á từ Lào sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Không có con voi nào đi Dubai có giấy phép xuất khẩu. Thương vụ đó bị chặn đứng vào phút chót bởi một công lệnh khẩn trực tiếp từ thủ tướng Lào, trong khi một chiếc máy bay chở hàng của hãng hàng không Emirates Airlines đã nằm chờ sẵn trên đường băng ở Vientiane. “Chúng tôi tiếp tục điều tra lý lịch của các con voi này, gặp gỡ một số người chủ của chúng và cả các tay môi giới người địa phương” – ông Ammann giải thích. Đi sâu hơn, nhóm của ông phát hiện hoạt động mua bán voi ở Lào chủ yếu dính dáng đến Trung Quốc. Nhiều tay lái buôn thề thốt rằng voi của chúng có nguồn gốc từ voi đã thuần hóa, nhưng thật ra lại là voi bán hoang dã – tức lai với voi vừng. Theo CITES, voi thuộc diện này bị cấm mua bán thương mại. Gần 100 con voi được cho là đã bị bán từ Lào sang Trung Quốc trong hai năm qua. Người Trung Quốc rất thích xem voi trong các rạp xiếc và vườn thú, tuy nhiên nhiều du khách nước ngoài mô tả trên trang Tripadvisor rằng điều kiện sống của chúng ở Trung Quốc rất tệ. Ông Ammann cho rằng Trung Quốc phải chịu một phần trách nhiệm về hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép. “Trung Quốc luôn là nước đi đầu trong việc nhập khẩu các chủng loài mang tính biểu tượng, từ tê giác, cá voi sát thủ, voi, và gần đây là 150 con tinh tinh – tất cả đều là bất hợp pháp” – ông chỉ trích.