Trước thông tin thanh long tại tỉnh Bình Thuận và Tiền Giang bị rớt giá thê thảm trong những ngày vừa qua do thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng khiến người nông dân khóc ròng, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mỗi ngày vẫn có khoảng 13 ngàn tấn thanh long Việt Nam được xuất sang nước này.
Cụ thể, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn thanh long quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Sang đến năm 2018, chỉ trong vòng 9 tháng, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc tới 1,32 triệu tấn thanh long quả tươi qua các cửa khẩu: Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai, TP. HCM.
Thế nhưng, những ngày gần đây, tại tỉnh Bình Thuận – thủ phủ trồng thanh long lớn nhất cả nước hay như ở Tiền Giang, Long An,… nhiều hộ nông dân trồng loại cây ăn quả này cho biết, thanh long đang rớt giá thê thảm, từ 15.000-20.000 đồng/kg (cách đây nửa tháng) nay đã giảm xuống còn 2.000-4.000 đồng/kg loại 3 quả/kg và có tai xanh. Đáng chú ý, với thanh long trắng, giá không những giảm mà thương lái còn không chịu đến thua mua khiến người nông dân khóc ròng vì thanh long chín đỏ ngoài vườn mà không bán được.
Trung bình mỗi ngày Việt Nam xuất khẩu 13 ngàn tấn thanh long sang Trung Quốc |
Theo các hộ dân, nguyên nhân khiến giá thanh long giảm mạnh là do phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, trong khi thanh long lại đang vào đợt thu hoạch rộ nên nguồn cung dư thừa.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, ngay sau có thông tin, theo chỉ đạo từ Bộ NN-PTNT, phía Cục đã cử lãnh đạo trực tiếp đi kiểm tra tại hệ thống kiểm dịch thực vật ở các cửa khẩu và các doanh nghiệp đang có hoạt đông xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc để nắm bắt tình hình.
Kết quả, mọi hoạt động giao thương giữa hai nước vẫn diễn ra bình thường. Riêng về mặt hàng thanh long, trung bình mỗi ngày Việt Nam vẫn xuất sang thị truờng Trung Quốc khoảng 13 ngàn tấn.
Theo lãnh đạo của Cục Bảo vệ thực vật, nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc (1/10), mà nước này có quy định nghỉ lễ Quốc khánh 10 ngày, theo đó, rất nhiều doanh nhân Trung Quốc về nghỉ lễ nên tại những vùng trồng thanh long xuất hiện thông tin cộng hưởng thương lái Trung Quốc ngừng mua với mục đích ép giá thanh long. Tuy nhiên, những ngày gần đây, xu hướng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đang tăng về khối lượng.
Lãnh đạo đơn vị này cũng khuyến cáo, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long chính của Việt Nam. Hàng năm, có đến 90% lượng thanh long Việt xuất sang thị trường này. Song, Trung quốc cũng đang phát triển vùng trồng thanh long tại Quảng Tây, đảo Hải Nam với diện tích khoảng 20 ngàn ha, dự kiến đến năm 2019 sẽ là 30 ngàn ha. Ngoài ra, họ còn thuê đất trồng thanh long tại Lào, Campuachia. Do đó, xuất khẩu thanh long của nước ta sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Ghi nhận của PV. VietNamNet tại thị trường Hà Nội, thanh long ruột trắng loại 2-3 quả/kg vẫn được bán với giá 20.000-30.000 đồng/kg, loại 4 quả/kg có giá khoảng 15.000 đồng/kg. Riêng với thanh long ruột đỏ, giá vẫn dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg tuỳ vào trọng lượng quả.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan này nhận được thông báo từ Cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Chế biến nông sản Malaysia về việc phát hiện nhiều lô ớt của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Theo đó, phía Malaysia đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu đối với mặt hàng ớt của Việt Nam từ ngày 14/9/2018. Trước thông tin này, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, cần rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu và thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ ban đầu để tránh tái diễn vi phạm. |
Nguồn: vietnamnet