Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm 11/9 cho hay, nước này đã ghi nhận thêm 25 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 10/9, tăng so với 17 ca trước đó một ngày.
Trong đó, chỉ có một ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Phúc Kiến. Trung Quốc kể từ đầu dịch đến nay đã ghi nhận 95.153 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca tử vong là 4.636.
Ấn Độ giới hạn số người tại sự kiện tôn giáo
Thời báo New York hôm 11/9 đưa tin, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các bang siết chặt quy định cấm tụ tập đông người tại các sự kiện tôn giáo trong tháng 9 và tháng 10 tới.
Lễ hội tôn giáo được xem là sự kiện “siêu lây nhiễm” ở Ấn Độ hồi đầu năm. |
Một số bang ở Ấn Độ hiện đã áp dụng chính sách riêng để giới hạn số người trong các sự kiện tôn giáo. Tại bang Karnataka, chính quyền chỉ cho phép tụ tập tối đa 20 người tại các nghi lễ tôn giáo và áp dụng lệnh giới nghiêm sau 9 giờ tối.
Tại bang Tamil Nadu, giới chức địa phương đã ban hành lệnh cấm tổ chức các sự kiện tôn giáo với quy mô lớn. Còn tại bang Maharashtra, nơi từng là tâm dịch trong đợt bùng phát Covid-19 đầu năm ở Ấn Độ, các sự kiện tôn giáo chỉ được phép tập trung tối đa 10 người, và những người tham gia bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Nam Phi cho phép dùng vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi
Cơ quan Quản lý các sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) ngày 11/9 đã cho phép sử dụng vắc xin Covid-19 của các hãng dược Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Quyết định được đưa ra sau quá trình đánh giá các thông tin cập nhật về độ an toàn và hiệu quả của vắc xin Pfizer được đệ trình hồi tháng 3 năm nay.
Sau sự khởi đầu chậm chạp, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 tại Nam Phi đang được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhờ nguồn cung được bảo đảm. Hiện tại, khoảng 12% trong tổng số hơn 60 triệu dân tại Nam Phi đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19, cao hơn tất cả các quốc gia khác ở châu Phi.
Đến nay, chỉ có vắc xin Covid-19 của Pfizer đã được thử nghiệm lâm sàng ở các đối tượng từ 12 đến 18 tuổi và dưới 12 tuổi. Tại Mỹ, loại vắc xin này cũng là loại duy nhất được đánh giá có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em.
Tiến sĩ Mỹ nhận định chưa biến thể nào ‘vượt mặt’ được Delta
Tiến sĩ Trevor Bedford, nhà virus học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở thành phố Seattle (Mỹ), cho rằng biến thể Delta có thể tiếp tục “giữ vững” vị thế thống trị so với các biến thể khác của virus corona.
Theo báo Wall Street Journal, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đưa ra nhận định tương tự. Họ đánh giá biến thể Delta đã phát triển để có khả năng lây lan nhanh đến mức các biến thể khác không thể theo kịp.
Dù vậy, sự thống trị của biến thể Delta có thể là một “tin tốt” ở một vài khía cạnh. Chẳng hạn, biến thể này không gây Covid-19 với các triệu chứng nghiêm trọng hơn các biến thể từng được biết trước đó, và các loại vắc xin hiện hành vẫn tiếp tục cho thấy tính hiệu quả trong việc phòng chống biến thể Delta.
Tiến sĩ Bedford nhận định: “Với sự lây lan của biến thể Delta, chúng ta ngày càng xây dựng được khả năng miễn dịch với virus corona”.
Mỹ quản lý gần 380 triệu liều vắc xin Covid-19
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này đang quản lý 379.472.220 liều vắc xin Covid-19 và đã phân phối được 456.755.075 liều, tính đến sáng ngày 11/9.
Cũng theo CDC Mỹ, 209.099.300 người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19, trong khi 178.328.389 người đã được tiêm đủ 2 liều, tính đến 6 giờ sáng ngày 11/9 (giờ miền Đông nước Mỹ).
Các vắc xin được CDC kiểm đếm gồm vắc xin 2 liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như vắc xin 1 liều của Johnson & Johnson.
Trong khi đó, hơn 1,7 triệu người Mỹ đã được tiêm liều bổ sung của các loại vắc-xin Pfizer hoặc Moderna kể từ ngày 13/8, thời điểm nước này cho phép tiêm liều thứ 3 cho những người có hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương bởi virus corona.
Nguồn: vietnamnet