Trung Quốc tìm đến châu Âu như một đối tác thân thiện khi các nhà lãnh đạo của lục địa này cố gắng không bị cuốn vào cuộc chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bắc Kinh về thương mại, công nghệ và nhân quyền.   

Hôm 22/3, giấc mơ đó đã vỡ tan khi Liên minh châu Âu (EU) nhập cuộc cùng với Mỹ, Anh và Canada áp đặt cấm vận lên các quan chức Trung Quốc với cáo buộc họ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Bắc Kinh lập tức đáp trả, ban lệnh trừng phạt 10 cá nhân cùng 4 thực thể EU, trong đó có các quan chức, nhà ngoại giao, học giả và chính trị gia, vì “làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc” liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Trung Quốc - EU ăn miếng trả miếng, tan giấc mơ thân tình
Ảnh

Theo hãng tin AP, thời điểm trừng phạt mang tính biểu tượng. Nó nêu bật sự hợp tác Mỹ – EU 2 tháng sau khi ông Trump, người coi nhẹ liên minh xuyên Đại Tây Dương, rời khỏi Nhà Trắng, và ông Joe Biden, người muốn thành lập một liên minh đối phó với Trung Quốc, lên nắm quyền.

Lệnh trừng phạt hôm 22/3 là lần đầu tiên EU chống lại Trung Quốc kể từ năm 1989.

“Những gì họ đã làm là một sự vu khống và xúc phạm danh tiếng cũng như phẩm giá của người dân Trung Quốc”, AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. “Họ sẽ phải trả giá cho sự điên rồ và kiêu ngạo của mình”.

Động thái của châu Âu diễn ra sau những bất bình gia tăng về thương mại và nhân quyền khiến thái độ đối với Trung Quốc trở nên tồi tệ. Các đề xuất trước đó nhằm chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc đã bị Hungary và Hy Lạp phủ quyết, có thể là vì muốn tránh làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại và đầu tư.

Nhìn rộng hơn, mâu thuẫn phản ánh một sự suy giảm trong quan hệ của Trung Quốc với phương Tây và các nước láng giềng châu Á, trong đó có Ấn Độ, khi Bắc Kinh theo đuổi các chính sách chiến lược và thương mại quyết đoán hơn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không công bố chi tiết về các hình phạt nhằm vào các cá nhân châu Âu. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt trước đây nhằm vào các quan chức nước ngoài cấm họ đến với Trung Quốc, Hong Kong hoặc Macau. Các công ty liên quan những người này bị cấm kinh doanh ở Trung Quốc.

Theo AP, tác động của lệnh phạt khá hạn chế, nhưng sự phản đối công khai là một bước thụt lùi về ngoại giao đối với Bắc Kinh.

Hôm 23/3,, Ngoại trưởng Trung Quốc đã cùng người đồng cấp Nga lên án các biện pháp trừng phạt phối hợp đó. Hai ông bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào nước mình, và cáo buộc Mỹ can thiệp vào các quốc gia khác. “Những biện pháp này sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại cuộc họp báo với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Các giao dịch của Trung Quốc với châu Âu từng là một điểm sáng trong bối cảnh ngoại giao vướng phải nhiều tranh cãi liên quan Hong Kong, Biển Đông cùng các cáo buộc gián điệp và đánh cắp công nghệ.

Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh chấp lãnh thổ ở dãy Himalaya. Bắc Kinh đã cấm hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Australia sau khi chính phủ nước này kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Các nhà lãnh đạo gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cự tuyệt các chiến thuật của Mỹ, khi ông Trump phát động cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc năm 2017. Họ cũng phản đối nỗ lực của Trung Quốc muốn họ làm đồng minh chống Washington.

Hồi tháng 12 năm ngoái, hai bên đã hoàn tất một thỏa thuận đầu tư bất chấp sự phản đối của Mỹ và chỉ trích của châu Âu về các động thái thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính Hong Kong.

Điều đó được nhiều người coi là xem nhẹ tân Tổng thống Mỹ, và là dấu hiệu chứng tỏ chính trị không được phép cản trở kinh doanh. Nhưng nó cũng làm nảy sinh than phiền rằng châu Âu đã cắt giảm liên minh với Mỹ, bằng cách trao cho Bắc Kinh một chiến thắng ngoại giao. Giới phê bình kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu từ chối thỏa thuận.

Châu Âu từ lâu đã được xem là thân thiện hơn với đầu tư của Trung Quốc sau khi Mỹ từ chối một số đề xuất mua lại vì lý do an ninh. Người mua Trung Quốc đã chi hàng tỷ đôla để mua lại nhà sản xuất robot Kuka của Đức, tập đoàn nông nghiệp khổng lồ Syngenta của Thụy Sĩ cùng nhiều tài sản công nghiệp khác.

Tuy nhiên, điều đó bắt đầu thay đổi sau khi có những phàn nàn rằng các nước châu Âu đang đánh mất công nghệ quan trọng trong khi hầu hết tài sản ở Trung Quốc bị cấm với người mua nước ngoài. Lãnh đạo của Anh, Đức và EU đã áp đặt hoặc khuyến nghị các hạn chế đối với nhiều thương vụ mua lại của Trung Quốc.

Trong khi đó, các nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm xây dựng một chính sách chung về Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì xung đột lợi ích của 27 thành viên. Đức và Pháp bày tỏ không hài lòng khi Bắc Kinh có thể cố gắng chia rẽ khối bằng cách lập nhóm với các thành viên Đông và Trung Âu nghèo hơn. Trong số những lợi ích tiềm tàng khác, trong cuộc họp qua video hồi tháng 1 với lãnh đạo các nước này, Chủ tịch Tập Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết “hợp tác vắc xin”.

Các chính phủ châu Âu cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực thách thức yêu sách của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông, bằng cách điều tàu chiến đi qua vùng biển tranh chấp để khẳng định “quyền tự do hàng hải”.

Hồi tháng 2, Pháp đã gửi một tàu ngầm hạt nhân qua vùng biển này. Vương quốc Anh thông báo một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia cùng tàu sân bay Queen Elizabeth sẽ đến thăm trong năm nay. Một tàu chiến của Đức dự kiến sẽ đi qua khu vực vào tháng 8.

Mối quan hệ của Trung Quốc với Canada đã trở nên căng thẳng sau vụ bắt giữ giám đốc tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu dựa trên cáo buộc của Mỹ liên quan đến khả năng vi phạm các lệnh trừng phạt Iran. Bắc Kinh đã bắt giữ hai cựu quan chức ngoại giao Canada với cáo buộc làm gián điệp, động thái được nhiều người coi là nhằm gây áp lực buộc Canada phải trả tự do cho bà Mạnh.

Hai người Canada Michael Spavor và Michael Kovrig đã ra hầu toà hôm 19 và 22/3 nhưng chưa có phán quyết nào được đưa ra.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : ăn miếng trả miếngchâu ÂuEUtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết