Các chiến dịch quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh những năm 1990 khiến tướng lĩnh Trung Quốc thất kinh và nhận ra bản thân đang đứng ở đâu trên xếp hạng các lực lượng đặc nhiệm thế giới.

Trung Quốc đổ tiền luyện lính đặc nhiệm, tính vượt qua Mỹ - Ảnh 1.

Lính đặc nhiệm Giao Long của Trung Quốc trong một buổi huấn luyện

“Một số lực lượng đặc nhiệm đã nổi danh trên toàn thế giới như Delta Force của Mỹ, Spetnatz của Nga và SAS của Anh. Nhưng lần cuối cùng quý vị nghe đến tên của một lực lượng biệt kích Trung Quốc là khi nào?”, cây bút Michael Peck đặt câu hỏi như phần mở đầu trong một bài viết gần đây trên tờ National Interest.

Suốt nhiều năm kể từ khi giành được độc lập, Trung Quốc vẫn chủ xướng chiến lược “Chiến tranh nhân dân”, tin rằng sức mạnh của 1 tỉ người đủ sức đè bẹp bất kỳ âm mưu xâm lược nào.

Bắc Kinh cũng nổi tiếng với chiến thuật “biển người”, hay nói đúng hơn là “lấy thịt đè người” trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, xung đột biên giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, khi một cuộc xâm lược vào Trung Quốc đại lục ngày càng trở nên bất khả thi và sự phổ biến của thông tin, hai chiến lược ở trên được cho là đã lỗi thời.

Giới tướng lĩnh Trung Quốc đã đi tới một kết luận rằng nếu Bắc Kinh thật sự muốn vươn ra toàn cầu, phải có một lực lượng sẵn sàng bảo vệ các lợi ích quốc gia ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Và các lực lượng đặc nhiệm là câu trả lời cho tham vọng này.

Theo Văn phòng Nghiên cứu quân sự nước ngoài (FMSO) của quân đội Mỹ, các lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc đang ngày càng phát triển về quy mô, khả năng phối hợp tác chiến và phạm vi hoạt động.

Bắc Kinh đã thử lửa lực lượng đặc nhiệm ở tất cả các cấp từ lữ đoàn đến tiểu đội và nhóm 4 binh sĩ trong một cuộc tập trận hồi năm ngoái.

Trong lúc đó, truyền thông Trung Quốc được chỉ đạo chỉ đưa tin về các khoa mục tập trận, nhấn mạnh sức mạnh của người lính đặc nhiệm như đu dây từ trực thăng, bắn tỉa ban đêm.

FMSO khẳng định mỗi quân đoàn của lục quân Trung Quốc đều có ít nhất một đơn vị đặc nhiệm cấp trung đoàn hoặc lữ đoàn. Năm 2002, hải quân Trung Quốc cũng nối bước thành lập đơn vị đặc nhiệm với một cái tên rất oách: Giao Long.

Theo FMSO, lực lượng đặc nhiệm của hải quân, chứ không phải lục quân, mới đang là mũi nhọn của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc đổ tiền luyện lính đặc nhiệm, tính vượt qua Mỹ - Ảnh 2.

Một bộ phim tài liệu của Đài CGTN về đặc nhiệm Giao Long 

Đặc nhiệm Giao Long ghi điểm vào năm 2015 khi Bắc Kinh tiến hành chiến dịch sơ tán công dân khỏi xung đột Yemen, và năm 2017 khi chiếm lại một tàu chở hàng bị cướp biển khống chế ngoài khơi Somalia.

“Các lực lượng đặc nhiệm hải quân có vai trò đặc biệt quan trọng, cho phép Trung Quốc có thể phát động chiến dịch quân sự ở bất kỳ điều kiện tác chiến nào – quân đội Mỹ cảnh báo – Các video về hoạt động huấn luyện của đặc nhiệm Giao Long cho thấy lực lượng này có khả năng hoạt động ở nhiều môi trường khác nhau, từ sa mạc đến đồi núi, đồng bằng, trên cạn lẫn trên không và dưới biển”.

Năm 2011, không quân Trung Quốc cũng thành lập lực lượng lính dù đặc nhiệm có tên gọi “Thần Sấm”. “Các thành viên của lực lượng này đã được cử tới Trường Thợ săn của Venezuela học kỹ năng tác chiến trong rừng rậm và xuất hiện trong một số cuộc thi quân sự quốc tế”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Peck, dù đã tập trung rất nhiều vào việc đào tạo con người, Trung Quốc vẫn đang thiếu một mắt xích quan trọng: phương tiện chuyên chở.

Về khoản này, báo cáo của FMSO cũng đồng ý khi cho rằng Trung Quốc vẫn chưa thể sở hữu một lực lượng đổ bộ hàng không đúng nghĩa, do đó có thể ảnh hưởng đến thời gian phản ứng và triển khai lực lượng.

“Lực lượng đặc nhiệm là một công cụ hoàn hảo để Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô nhỏ, ít tốn kém và ít nhạy cảm chính trị hơn việc sử dụng một lượng lớn binh sĩ. Khi Trung Quốc bắt đầu thi triển tầm ảnh hưởng ra toàn cầu, sẽ thật ngạc nhiên nếu Bắc Kinh không làm như Mỹ”, cây bút của National Interest kết luận.

Trung Quốc đổ tiền luyện lính đặc nhiệm, tính vượt qua Mỹ - Ảnh 3.

Điệp vụ Biển Đỏ – bộ phim ca ngợi đặc nhiệm Giao Long – đã bị cấm chiếu ở Việt Nam vì lồng ghép và xuyên tạc chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam 

Có một khía cạnh khác mà FMSO lẫn Michael Peck chưa chỉ ra về các lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc. Đó là việc Bắc Kinh đã liên tục lồng ghép, quảng bá hình ảnh của lực lượng này bằng các bộ phim điện ảnh, video tuyển quân.

Đơn cử như bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ (bị cấm chiếu ở Việt Nam vì xuyên tạc về chủ quyền Biển Đông), các nhân vật chính trong phim đều thuộc đặc nhiệm Giao Long và được giao nhiệm vụ giải cứu các công dân Trung Quốc tại một căn cứ quân sự hải ngoại.

Nói như một nhà bình luận quốc tế, khi chưa có thành tích gì nổi bật so với các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Nga hay Anh, đặc nhiệm Trung Quốc chỉ có thể chiếm sóng màn bạc.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : biệt kích mỹchiến tranh nhân dânđặc nhiệm Trung quốcMỹtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết