![]() |
Cờ của Liên minh châu Âu và Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU năm 2016 |
Chính quyền Bắc Kinh đang thể hiện cách tiếp cận mới với châu Âu từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Nói như một nhà ngoại giao châu Âu thì “ông Trump đang đẩy châu Âu và Trung Quốc xích lại gần nhau”. Bốn nhà ngoại giao cấp cao và một số quan chức châu Âu có liên hệ gần gũi với Trung Quốc đều nhận định với hãng tin Reuters rằng Bắc Kinh giờ đây đang sẵn sàng phá vỡ sự trì trệ trong thương mại suốt mấy năm qua với châu Âu. Thậm chí, một hiệp định đặc biệt giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc để tăng dòng chảy đầu tư cũng nằm trong viễn cảnh này. Một dấu hiệu rõ nhất là trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao riêng lẻ với các nước châu Âu, Bắc Kinh đã tỏ ra dịu giọng và giảm áp lực đòi EU phải công nhận nền kinh tế Trung Quốc là kinh tế thị trường, không phải kinh tế nhà nước.Theo một nhà ngoại giao châu Âu, sở dĩ Bắc Kinh yêu cầu EU công nhận kinh tế thị trường là bởi khi đó hàng hóa của Trung Quốc sẽ được áp một mức thuế khác. “Nếu bây giờ yêu cầu này được Trung Quốc đưa ra lần nữa, nó sẽ được giải quyết ở mức độ tối thiểu. Đó là một phần của đòn tấn công quyến rũ của Bắc Kinh”, Reuters dẫn lời vị này cho biết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói yêu cầu EU công nhận nền kinh tế Trung Quốc vẫn là một ưu tiên của Bắc Kinh song nhấn mạnh EU là một đối tác đang ngày càng quan trọng của nước này. Hồi tháng 2 vừa rồi, Trung Quốc từng đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên với EU sớm hơn so với mốc thời gian hiện tại là tháng 7. Các nhà ngoại giao được Reuters liên hệ đều xác nhận đang tìm kiếm một ngày thích hợp để tổ chức sự kiện này.