Theo thông báo đưa ra chiều 26-3, Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc (MSA) giới hạn di chuyển trong một khu vực nằm giữa phía nam đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép.

Trung Quốc đang tăng khiêu khích ở Biển Đông ra sao?  - Ảnh 1.

Ảnh chụp vệ tinh tại đá Ba Đầu hôm 23-3, lúc nhiều tàu Trung Quốc quy tụ

Đây là động tác phục vụ một cuộc tập trận quân sự trong hai ngày 29 và 30-3. Trung Quốc dường như không có xu hướng hạ nhiệt ở Biển Đông, sau vụ neo đậu hàng trăm tàu ở đá Ba Đầu. Ngược lại, đây là dịp để Bắc Kinh gây khó cho quan hệ Mỹ – Philippines.

Leo thang căng thẳng

Báo South China Morning Post (SCMP) nhận định cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc sẽ khiến căng thẳng trong khu vực leo thang.

Câu chuyện tàu Trung Quốc dàn ở đá Ba Đầu là tâm điểm của dư luận quốc tế suốt tuần qua. Trung Quốc khẳng định đây là những chiếc tàu cá lánh nạn, trong khi Philippines mô tả đó chính là lực lượng dân quân biển (PAFMM) – đối tượng thường xuyên bị chỉ trích vì vai trò trong những nỗ lực thúc đẩy yêu sách biển và lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố ngày 23-3, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc “ngừng sử dụng lực lượng dân quân biển để đe dọa và khiêu khích những bên khác”. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25-3, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.

Tuy nhiên, với việc tàu Trung Quốc được biết vẫn không rời khu vực đá Ba Đầu, kèm theo màn tuyên bố tập trận này, Bắc Kinh dường như muốn thể hiện rằng họ không có ý định xuống thang căng thẳng.

Bình luận trên SCMP, TS Collin Koh Swee Lean (Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore) cho rằng cuộc tập trận này dĩ nhiên sẽ góp phần vào căng thẳng trong khu vực. Vì vậy, dù lúc này tình hình có vẻ yên ổn khi tất cả duy trì kiềm chế, không có gì đảm bảo sự yên ổn này sẽ tiếp tục.

Ông nói: “Tôi cho rằng Trung Quốc có thể đang gửi tín hiệu về ý định đáp trả, hoặc chính xác hơn là leo thang đáp trả, nếu Philippines hay các nước khác có hành động trực tiếp nhằm vào các con tàu đang neo ở đá Ba Đầu. Vì vậy, đây là một tín hiệu nhắm vào việc ngăn chặn Philippines, và mở rộng ra là người Mỹ nếu Mỹ có biểu hiện can thiệp”.

Bóng lăn về phía Mỹ – Philippines

Trong khi hầu hết các chuyên gia về Biển Đông chưa thể bình luận chính xác về mục đích trên thực địa của 220 con tàu dân quân biển Trung Quốc nêu trên, có một xu hướng cho thấy Bắc Kinh đang tạo ra một phép thử quan trọng cho mối quan hệ Mỹ – Philippines.

Trước đó, như Tuổi Trẻ có lưu ý, học giả Philippines Jay Batongbacal tuần trước đề cập tới vụ 220 tàu Trung Quốc như một dấu hiệu đáng lo ngại tương tự kịch bản vụ bãi cạn Scarborough năm 2012. Đó là thời điểm Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Scarborough và để lại một vết hằn trong mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines, khi nhiều luồng ý kiến ở Manila tố chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama khi ấy đã khoanh tay đứng nhìn.

Sự kiện Scarborough cũng là lời giải thích cho việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ít lần công khai chỉ trích Mỹ. Hồi tháng 2 vừa qua, ông Duterte tiếp tục gây sức ép lên quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Philippines khi tuyên bố Mỹ phải trả tiền để duy trì Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA).

Thái độ của Philippines về VFA cũng như quan hệ đồng minh nói chung với Mỹ là một nhân tố quan trọng cho chính sách châu Á của Washington. Mối quan hệ Mỹ – Philippines được tạo điều kiện hàn gắn, cải thiện sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền với những lời hứa về ưu tiên mới cho quan hệ đồng minh, trong khi bản thân ông Duterte cũng hai lần trì hoãn việc rút khỏi VFA nhằm tạo điều kiện đàm phán.

Theo phân tích của GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), Trung Quốc triển khai đợt tàu dân quân biển tại cụm Sinh Tồn nhằm tạo áp lực lên ông Duterte trong quan hệ với Mỹ.

“Việc Trung Quốc triển khai 220 tàu lần này nhằm làm chệch hướng bất kỳ sự hàn gắn khả thi nào giữa Philippines và Mỹ. Hành động của Trung Quốc nhằm chứng minh cho ông Duterte rằng Mỹ không thể có hành động thực tế nào trong việc đẩy các con tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển này và vì vậy ông Duterte chỉ nên công nhận thực tế về sức mạnh của Trung Quốc” – GS Thayer nói với Tuổi Trẻ.

Theo nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông này, hiện nay Philippines gần như sẽ chọn cách tiếp tục im lặng và hi vọng Trung Quốc sẽ thực hiện tốt những cam kết đầu tư và những điều khoản về vắcxin ngừa COVID-19.

Philippines đưa chiến đấu cơ ra Ba Đầu

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 27-3 xác nhận tàu hải quân và tuần duyên Philippines đang theo sát nhóm tàu Trung Quốc neo đậu ở khu vực đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, ông Lorenzana cũng nhấn mạnh rằng máy bay phản lực không quân Philippines sẽ được điều tới đá Ba Đầu để giám sát nhóm tàu Trung Quốc “mỗi ngày”. Hãng tin Reuters kế đó tiết lộ đây là các máy bay chiến đấu hạng nhẹ và chúng sẽ “bay qua hàng trăm tàu cá Trung Quốc”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : biển ĐôngĐá ba đầuMỹphilippinestrung quocVFA

Các tin liên quan đến bài viết