Chỉ 2 ngày sau đối thoại cấp cao căng thẳng “nảy lửa” với phía Mỹ ở Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bước vào cuộc gặp cho thấy sự đoàn kết với Nga, và theo giới phân tích, đây là sự xếp đặt hiếm thấy.
Các cường quốc phương Tây nên biết rằng những ngày tháng họ có thể tùy tiện can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc bằng cách bịa chuyện và nói dối đã qua lâu rồi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Quan hệ của Trung Quốc và Nga với phương Tây đều ngày càng căng thẳng. Trong bối cảnh đó, quan hệ Nga – Trung được mô tả bằng những từ như “tốt nhất trong lịch sử”.
Và giới chuyên gia đánh giá sự đoàn kết giữa Bắc Kinh – Matxcơva để đối đầu sức ép phương Tây là phản ứng không thể tránh khỏi.
“Tốt nhất trong lịch sử”
Sự nồng ấm trong quan hệ Nga – Trung có thể được thấy rõ trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong hai ngày 22 và
23-3. Mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đang lan truyền video khoảnh khắc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đón người đồng cấp Nga hôm 22-3. Ông Vương đứng từ xa, dang rộng hai tay đón ông Lavrov.
Video khoảnh khắc này được Đài Ruptly chia sẻ trên Weibo nhận hơn 22.000 lượt thích, tính đến hôm 24-3.
Dưới phần bình luận, nhiều người còn nói về ý nghĩa của địa điểm tổ chức cuộc gặp: Quế Lâm (Guilin). Guilin cũng có nghĩa là “quý lân” (láng giềng quý). Một số tài khoản có dấu tích xanh còn lồng vào video này bài hát Bằng hữu của ca sĩ Châu Hoa Kiện.
“Quan hệ Nga – Trung hiện nay được cả các lãnh đạo quốc gia và người dân hai bên đánh giá là ở mức tốt nhất trong lịch sử. Đó là sự đánh giá xứng đáng và công bằng” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định với truyền thông Trung Quốc ngay trước cuộc gặp với ông Vương.
Theo nhà lãnh đạo ngoại giao Nga, quan hệ Nga – Trung “được đánh dấu bằng mối quan hệ đối tác toàn diện cũng như hợp tác chiến lược và rằng quan hệ hai nước đã bước vào một kỷ nguyên mới”.
Khi chính thức bước vào cuộc gặp ở thành phố Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã ra tuyên bố chung nhất trí “làm việc cùng nhau chống lại các lệnh trừng phạt” của phương Tây. Họ nói rằng Mỹ nên dừng can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác.
Nga – Trung đoàn kết
Cuộc gặp giữa ông Lavrov và ông Vương diễn ra sau khi Liên minh châu Âu hôm 22-3 áp biện pháp trừng phạt lên 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc – lệnh trừng phạt của EU lên Trung Quốc lần đầu tiên kể từ lệnh cấm vận vũ khí năm 1989 – vì vấn đề Tân Cương. Cùng ngày, Mỹ, Canada và Anh cũng công bố trừng phạt Bắc Kinh tương tự.
Cả Nga và Trung Quốc chịu sức ép ngày một tăng từ Mỹ những năm gần đây và hai nước này đã xích lại gần hơn. Nga đã xích gần hơn với Trung Quốc kể từ lúc phương Tây áp trừng phạt lên Matxcơva vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, báo South China Morning Post nêu nhận định.
Tạp chí The Diplomat bình luận Nga và Trung Quốc đã cho thấy sự đoàn kết tại cuộc gặp trên.
Theo ông Phùng Thiệu Lôi – giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc), sự đoàn kết chống lại lệnh trừng phạt là phản ứng không thể tránh khỏi của Nga và Trung Quốc trước sức ép từ Mỹ.
Ông Phùng giải thích rằng căn cứ vào những thay đổi trong chính sách của Mỹ với hai quốc gia này, Nga – Trung không thể làm gì thực tế hơn ngoài việc đoàn kết chống lại sức ép của Washington.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau tới mức nào? Liệu hai nước sẽ lập một liên minh chống Mỹ hay giống như ông Lavrov kêu gọi là Nga – Trung cùng hạn chế sử dụng đồng USD?
Ông Phùng lưu ý dù tăng cường hợp tác với nhau đối phó các lệnh cấm vận, có thể Bắc Kinh và Matxcơva không muốn tạo ra một cuộc đối đầu lớn hơn với phương Tây. Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nói rằng việc hợp tác giữa Nga – Trung “không đồng nghĩa hai nước hình thành một liên minh chống Mỹ, vì điều này không cần thiết và lỗi thời”.
Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước Láng giềng thân thiện và hợp tác hữu nghị Nga – Trung (FCT). Ông Quý Chí Nghiệp, viện trưởng Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng việc hai nước đã nhất trí gia hạn FCT (với nguyên tắc không liên minh) đồng nghĩa Bắc Kinh và Matxcơva không muốn ký một hiệp ước liên minh.
Nguồn: tuoitre.vn