Trung Quốc đang chuẩn bị hạ thủy tàu khoan vùng nước siêu sâu đầu tiên để thăm dò dầu khí trên toàn thế giới nhằm giải tỏa “cơn khát” năng lượng trong nước.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 19-12, con tàu sẽ có thể hoạt động ở bất kỳ vùng biển nào trên toàn cầu và khoan sâu hơn 10.000m.
Dự kiến tàu sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Trách nhiệm vận hành thuộc Cục Khảo sát địa chất của Bộ Tài nguyên môi trường Trung Quốc.
Bản tin của CCTV gọi con tàu (hiện chưa có tên) là “trụ cột sức mạnh” trong việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hàng hải, là bước tiến quan trọng của Bắc Kinh trong phát triển các tàu thăm dò siêu hiện đại.
Việc công bố con tàu diễn ra trong bối cảnh một Trung Quốc “khát” năng lượng đang tìm cách mở rộng phát triển dầu khí ngoài khơi.
Tầm hoạt động và độ sâu có thể khoan của con tàu vượt xa độ sâu tối đa của các vùng biển quanh Trung Quốc, vốn là nơi Bắc Kinh đã đưa ra những yêu sách vô lý và vấp phải sự phản đối của nhiều nước.
Theo CCTV, tàu khoan mới của Trung Quốc sẽ có thể thực hiện cả khoan dầu khí và khoan khoa học đại dương ở bất kỳ vùng biển nào trên thế giới. Con tàu cũng sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề khoa học môi trường và tài nguyên quan trọng, theo báo South China Morning Post.
Nó sẽ được trang bị các thiết bị tiên tiến và có chín phòng thí nghiệm phục vụ cho các lĩnh vực khoa học đại dương, bao gồm phòng thí nghiệm cổ địa từ trên tàu đầu tiên của Trung Quốc để nghiên cứu từ tính trong các mẫu thu thập được và phòng thí nghiệm siêu sạch.
Theo SCMP, con tàu khoan mới nhất của Trung Quốc là sản phẩm của nhà máy đóng tàu Hoàng Phố ở Thượng Hải. Đây cũng là nơi đóng hầu hết các tàu khảo sát của Trung Quốc, bao gồm tàu Shiyan 6 mà Trung Quốc đưa xuống Biển Đông hồi năm ngoái.
Nguồn: tuoitre.vn