Sách trắng do Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 17-9 nhấn mạnh quyền lợi của lao động ở Tân Cương luôn được đảm bảo và cho biết trong 5 năm qua đã “đào tạo nghề cho khoảng 1,3 triệu người” tại khu vực.
Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Trung Quốc cho biết đây là sách trắng thứ 7 liên quan Tân Cương được công bố. Mỗi sách trắng lại đề cập tới một chủ đề khác nhau ở khu tự trị Tân Cương như lịch sử, chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Với tiêu đề “Việc làm và quyền lao động ở Tân Cương”, sách trắng cho biết chính quyền Tân Cương đã nỗ lực tổ chức các lớp đào tạo giúp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, “nói và viết chuẩn tiếng phổ thông”.
Các kiến thức pháp luật, kinh nghiệm chung cho cuộc sống đô thị và kỹ năng lao động cũng được truyền thụ, từ đó cải thiện cấu trúc của lực lượng lao động và chống đói nghèo.
“Trung Quốc đã áp dụng các tiêu chuẩn lao động và nhân quyền quốc tế để bảo vệ quyền của người lao động một cách hiệu quả”, tờ báo của chính quyền Trung Quốc trích dẫn sách trắng. Một loạt các con số đã được nêu ra trong sách trắng, chẳng hạn số người có việc làm và tỉ lệ dân sống ở thành thị.
Chính quyền Mỹ hồi đầu tuần này đã áp Lệnh hoãn xuất kho (WRO) lên hàng hóa của 5 công ty ở Tân Cương và tỉnh An Huy lân cận do nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức. Một thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đẩy vào các “trung tâm dạy nghề” ở Tân Cương.
Báo South China Morning Post (SCMP) trích dẫn sách trắng cho biết Trung Quốc đã “đào tạo nghề” cho khoảng 1,3 triệu lao động thành thị và nông thôn từ năm 2014 đến 2019″.
Trong đó, khoảng 451.000 người đến từ miền nam Tân Cương – một khu vực được sách trắng cho biết đang phải vật lộn với tình trạng nghèo cùng cực, tiếp cận giáo dục kém và thiếu kỹ năng việc làm vì cư dân bị ảnh hưởng bởi “tư tưởng cực đoan”. Thời điểm bắt đầu các hoạt động đào tạo nghề cũng trùng khớp với thời điểm Trung Quốc mở chiến dịch chống cực đoan tại Tân Cương, theo SCMP.
Chính quyền Bắc Kinh phủ nhận việc bắt giữ người Duy Ngô Nhĩ, nhấn mạnh các “trại tập trung” như phương Tây cáo buộc là những trung tâm dạy nghề và những người đến đây đều tự nguyện.
“Lập luận của sách trắng này thực sự yếu. Về cơ bản, họ đang cố gắng giải thích với Mỹ rằng họ không làm gì cả và mọi chuyện chỉ là hiểu lầm”, ông Shih Chien-yu, một học giả Đài Loan, nhận định với SCMP. Chẳng hạn, sách trắng không đưa ra định nghĩa về “đào tạo nghề” hay cách tính toán các con số.
Nguồn: tuoitre.vn