Hãng tin Reuters cho biết trong vài năm qua Trung Quốc đã cho chuyển 10 tỉ m3 nước ngọt từ các con sông ở miền Nam lên miền Bắc bị hạn hán.
Ngày 3-10, giới chức Trung Quốc đã công bố con số trên khi nó đạt số tròn 10 tỉ m3. Theo đó, trong những thập niên gần đây, nguồn cung cấp nước cho khu vực miền Bắc Trung Quốc thường xuyên bị đe dọa bởi nhiều yếu tố: hạn hán kéo dài, dân số gia tăng, nhu cầu cho nông nghiệp và tăng trưởng sản xuất hàng hóa lớn chưa từng có.
Vì thế chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu đảm bảo cung cấp 44,8 tỉ m3 nước hàng năm cho phía Bắc thông qua một dự án đầy tham vọng và cũng rất tốn kém (62 tỉ USD) có tên gọi Dự án Nam – Bắc thủy điều nhằm đổi hướng dòng nước, cải tạo tự nhiên.
Dự án được đưa ra thảo luận lần đầu tiên vào đầu những năm 1950, theo đó nước sẽ được chuyển theo ba trục chính.
Trục giữa, nước bơm từ sông Dương Tử được chuyến đến Bắc Kinh, Thiên Tân, các tỉnh ở Hồ Nam và Hồ Bắc.
Trục này sẽ đưa nước vào hệ thống kênh rạch, đường ống và đường dẫn nước rồi đổ vào hồ chứa Đơn Giang Khẩu (Danjiangkou) ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc. Trục này được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2014 và cung cấp 2,7 tỉ m3i nước cho Bắc Kinh, phục vụ 11 triệu người.
Hiện tại khoảng 70% lượng nước của Bắc Kinh được cung cấp từ dự án điều chuyển dòng nước nói trên. Trước đây, nước sinh hoạt cấp cho thủ đô của Trung Quốc chủ yếu từ nguồn nước ngầm.
Thiên Tân đã nhận được 2,2 tỉ m3, trong khi Hồ Nam và Hồ Bắc nhận được lần lượt là 3,5 tỉ m3 và 1,1 tỉ m3.
Trung Quốc đặt mục tiêu giữ mức tiêu thụ nước hàng năm của cả nước dưới 670 tỉ m3 cho đến năm 2020, như là một phần trong các biện pháp đối phó với tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra ở đây với chủ trương giảm lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng nước.
Theo hãng tin Tân Hoa xã, dự án này mang lại lợi ích cho 50 triệu cư dân miền Bắc Trung Quốc.
Toàn bộ Dự án Nam – Bắc thủy điều dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2050.
Nguồn: tuoitre.vn