Các công ty Trung Quốc đã có những chính sách đãi ngộ hậu hĩnh nhằm thu hút nhân tài trong ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử từ Đài Loan chuyển qua đại lục làm việc.

(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Khoản tiền lương hàng tháng “khủng”, 8 chuyến thăm nhà miễn phí mỗi năm và một căn hộ được mua với giá ưu đãi là những mô tả về “công việc trong mơ” mà một kỹ sư Đài Loan đơn giản là không thể chối từ.

Năm ngoái, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành sản xuất chíp điện tử của Đài Loan, người từng làm việc cho những tập đoàn hàng đầu thế giới, đã đi theo lời mời gọi hấp dẫn từ một công ty sản xuất chíp được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Người này là một trong ngày càng nhiều các chuyên gia kỳ cựu của Đài Loan chuyển sang làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn đang tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc.

Thu hút nhân tài từ Đài Loan đã trở thành một phần chủ chốt trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nền công nghiệp Trung Quốc phát triển nhanh chóng, giảm thiểu sự phụ thuộc của nước này vào các công ty nước ngoài cho các sản phẩm chíp điện tử, vốn được sử dụng để chế tạo từ điện thoại thông minh cho tới vệ tinh quân sự.

Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch thu hút nhân tài từ năm 2014, thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bắt đầu có dấu hiệu leo thang và Bắc Kinh nhận ra là họ không muốn phụ thuộc nhiều thêm nữa vào các con chíp điện tử nước ngoài.

Trung Quốc đã nhập từ Mỹ 260 tỷ USD mặt hàng bán dẫn trong năm 2017, nhiều hơn cả mặt hàng dầu thô. Trong khi đó, chíp điện tử sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được ít hơn 20% nhu cầu nội địa trong năm 2017, theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc.

Theo Reuters, tính riêng trong năm nay đã có 300 kỹ sư cao cấp từ Đài Loan chuyển sang Trung Quốc làm việc. Trước đó, từ năm 2014, Trung Quốc đã thành lập quỹ 22 tỷ USD nhằm phát triển ngành công nghiệp chíp điện tử và các công ty nước này đã lôi kéo được gần 1.000 kỹ sư Đài Loan qua đại lục.

“Cuộc chiến” tranh giành nhân tài đã khiến Đài Loan quan ngại rằng hòn đảo này có thể mất đi lợi thế của một trong những ngành công nghiệp chủ chốt vào tay Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử của Bắc Kinh hiện vẫn còn kém xa Đài Loan, nhưng Trung Quốc đang mạnh lên ở một số mảng sản xuất dòng chíp giá rẻ.

Vì vậy, Trung Quốc lại càng quyết tâm hơn nữa trong việc lôi kéo các nhân tài từ các nơi để họ có thể chủ động trong việc sản xuất thiết bị bán dẫn.

Mặc dù, Trung Quốc từng để ý tới các kỹ sư từ Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng họ đã thực hiện chiến dịch “lôi kéo” thành công nhất với Đài Loan, do Bắc Kinh và hòn đảo có chung ngôn ngữ và một số điểm tương đồng về văn hóa.

Lin Yu-Hsuan, giám đốc công ty tuyển dụng H&L, cho biết các kỹ sư Đài Loan cảm thấy các chính sách đãi ngộ của công ty ở đại lục rất hấp dẫn. Lin nói: “Nhiều người chia sẻ với tôi rằng rằng khoản tiền họ kiếm được ở Trung Quốc trong 3 năm tương đương với khoản họ kiếm được ở Đài Loan trong 10 năm. Họ có thể về hưu sớm với số tiền như vậy”.

Một tờ rơi yêu cầu nhân viên không tiết lộ bí mật kinh doanh tại một công ty Đài Loan (Ảnh minh họa: Reuters)
Một tờ rơi yêu cầu nhân viên không tiết lộ bí mật kinh doanh tại một công ty Đài Loan (Ảnh minh họa: Reuters)

Steve Wang, phó chủ tịch tập đoàn Novatek, một trong những nhà sản xuất chíp điện tử Đài Loan cho biết một số nhân viên của tập đoàn đã sang Trung Quốc làm việc trong 2 năm qua. Ông Wang cũng thừa nhận rằng rất khó để Novatek có thể cung cấp những đãi ngộ tương đương so với các công ty Trung Quốc.

Một kỹ sư Đài Loan giấu tên nói rằng công ty Trung Quốc thuê ông đã cam kết sẽ trả 40% tiền mua căn hộ 3 phòng ngủ nếu ông đồng ý làm việc cho công ty này nhiều hơn 5 năm. Và sau chừng đó thời gian, lương của ông cũng sẽ tăng lên thêm 50%. “Trung Quốc dám chi đậm còn các công ty Đài Loan thì nguồn lực chỉ có hạn”, kỹ sư trên nói.

Ngoài nỗi lo ngại về “chảy máu chất xám”, các công ty Đài Loan còn quan ngại rằng họ sẽ bị lộ bí mật công nghệ, bí mật thương mại vào tay Trung Quốc.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng Đài Loan đã bắt đầu có những chính sách nhằm bảo vệ nền công nghiệp chủ chốt như thay đổi quy định về thu thuế với các nhân viên nắm giữ cổ phần của công ty, nâng cao các chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho các nhân tài nhằm giữ chân họ.

Các công ty Đài Loan cũng bắt đầu có những chính sách níu giữ nhân viên. Antonio Yu, phát ngôn viên tập đoàn điện tử Phison, cho biết công ty của ông không có đủ tiền để “chạy đua” với công ty Trung Quốc, vì vậy Phison luôn cố tạo ra “môi trường làm việc đảm bảo” cho nhân viên, đối xử với họ như với thành viên trong gia đình.

Theo Dân Trí

Từ khóa : chíp điện tửĐài LoanNhân Tàitrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết