“Có lẽ ở chỗ này chúng tôi không đồng ý với những người bạn Trung Quốc. Không có bàn tay vô hình nào. Thực chất, khá rõ ràng, đó là bàn tay của Mỹ, bàn tay của Washington” – phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói nửa đùa nửa thiệt.

Trung Quốc: ‘Bàn tay vô hình’ ở Ukraine, Nga: Không vô hình, bàn tay của Mỹ đó - Ảnh 1.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov 

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có phát biểu đáng chú ý về Ukraine. Ông cho rằng “một bàn tay vô hình đang đẩy cuộc xung đột lâu dài hơn, căng thẳng hơn và cố gắng sử dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho các mục đích địa chính trị”.

Nga và Trung Quốc cùng ý kiến về Ukraine

Trao đổi với phóng viên ngày 7-3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói nửa đùa nửa thiệt, rằng Nga không đồng ý với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ rõ ràng đứng sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Có lẽ ở chỗ này chúng tôi không đồng ý với những người bạn Trung Quốc. Không có bàn tay vô hình nào. Thực chất, khá rõ ràng, đó là bàn tay của Mỹ, bàn tay của Washington.

Washington không muốn cuộc chiến này chấm dứt. Washington muốn và sẽ làm mọi thứ để tiếp diễn cuộc chiến. Đó là lý do vì sao bàn tay này không hề vô hình”, TASS dẫn lời ông Peskov.

Đây không phải lần đầu quan chức và lãnh đạo Nga tố Mỹ đứng sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Lập luận của Nga là Mỹ và các đồng minh muốn dùng Ukraine để gây chiến với Nga.

Ngược lại, Mỹ và Ukraine khẳng định Kiev chiến đấu chống lại “cuộc xâm lược” của Nga. Phương Tây không công nhận cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” Matxcơva dùng để mô tả việc đưa quân vào Ukraine từ ngày 24-2-2022.

Nga lắng nghe ý kiến của Trung Quốc về Ukraine

Trong ngày 7-3, ông Peskov đã dành thời gian nói về sáng kiến ngừng bắn của Trung Quốc. Đây là một phần trong đề xuất kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cho Ukraine.

Đề cập tới sáng kiến ngừng bắn trên, ông Peskov nói Nga đã giữ liên lạc với Bắc Kinh.

“Một nước lớn, một người khổng lồ, một quốc gia hùng mạnh và có thẩm quyền như Trung Quốc không thể không có tiếng nói về những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của thế giới. Chúng tôi lưu tâm tới mọi ý kiến từ các đồng nghiệp của mình ở Bắc Kinh”, ông nói.

Đến nay, Trung Quốc vẫn cho biết họ giữ lập trường trung lập về tình hình Ukraine. Bắc Kinh nhấn mạnh họ muốn giải quyết cuộc xung đột này thông qua các biện pháp hòa bình.

Tuy vậy, từ góc nhìn của phương Tây, Trung Quốc đang thiên vị Nga. Hãng tin Reuters lưu ý Trung Quốc từ chối gọi Nga là “kẻ xâm lược”. Đồng thời, Bắc Kinh thường chỉ trích Mỹ bắt nạt nước khác bằng các lệnh trừng phạt.

Mỹ và nhiều nước châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga. Nỗ lực được cho nhằm phản đối chiến dịch của Nga tại Ukraine.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc dường như càng thể hiện vai trò kinh tế với Nga. Dữ liệu ngày 7-3 cho thấy quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc.

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga tăng 19,8% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Nga cũng tăng 31,3%.

Thương mại giữa Trung Quốc và Nga chạm kỷ lục năm 2022. Đó là thời điểm Nga bị thị trường phương Tây tẩy chay. Trung Quốc đã tăng mua dầu của Nga với giá rẻ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ngatrung quocUkraine

Các tin liên quan đến bài viết