Trung Quốc đang nổi lên trong vai trò là trung gian hòa giải quan trọng cho các nước vốn có quan hệ căng thẳng ở Trung Đông. Giới quan sát đặt câu hỏi phải chăng Bắc Kinh đang muốn thay Mỹ, trở thành cường quốc dẫn dắt khu vực này?

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud bắt tay nhau trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 6-4 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud bắt tay nhau trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 6-4 

 

Trong bài viết đăng trên diễn đàn chính sách quốc tế East Asia Forum ngày 11-4, học giả Oliver B. John tại Viện Trung Đông cho rằng Trung Quốc đang chiếm vị trí trung tâm trong ngoại giao ở Trung Đông. Chỉ trong sáu tháng qua, Bắc Kinh đã đạt được những bước tiến lớn về ngoại giao ở hai khu vực mà Mỹ coi là có tầm quan trọng sống còn với họ: Trung Đông và Đông Âu.

Mỹ lo lắng

Tháng 11-2022, Trung Quốc và Qatar ký thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Bắc Kinh trong hơn 27 năm, dài nhất trong lịch sử, vào thời điểm các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung khí đốt.

Đến tháng 2 năm nay, thời điểm tròn một năm xảy ra chiến sự tại Ukraine, Trung Quốc đã đề xuất “kế hoạch hòa bình” gồm 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột. Bắc Kinh đã định vị họ là một bên hòa giải có tiếng nói mạnh mẽ.

Sau đó vào đầu tháng 3-2023, Trung Quốc làm trung gian thúc đẩy thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia – hai nước từng là “kẻ thù không đội trời chung”.

Bình luận trên Đài Al Jazeera, giáo sư nghiên cứu về xung đột Sultan Barakat tại Đại học Hamad Bin Khalifa (Qatar) và nghiên cứu sinh Lakshmi Venugopal Menon tại Đại học Qatar cho rằng những diễn biến nói trên đương nhiên khiến người Mỹ lo lắng, nhất là về quan hệ giữa các đồng minh vùng Vịnh của họ với Trung Quốc.

Tuy nhiên Washington cũng cần thừa nhận các diễn biến này đã bắt đầu từ thời tổng thống Barack Obama với chính sách “xoay trục sang châu Á” vốn đã làm dấy lên những lo ngại ở vùng Vịnh về sự “giãn ra” của Mỹ với khu vực.

Theo Al Jazeera, một cựu đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Iraq chỉ ra việc phương Tây thiếu can dự vào Iraq là “sơ suất thảm khốc”, đi kèm với “cái giá cao” phải trả. Giờ đây Trung Quốc đang xây dựng quan hệ đối tác với Iran, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và những nước khác trong khu vực nhằm chiếm lấy khoảng trống mà phương Tây để lại.

Trung Quốc có thể thay thế Mỹ?

Trong những năm gần đây, tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và vùng Vịnh đã tăng lên. Bốn trong số sáu quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh – GCC (gồm Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Qatar, Bahrain và Oman) đang có kim ngạch thương mại song phương với Trung Quốc lớn hơn đáng kể so với Mỹ.

Tuy nhiên có thể thấy trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước vùng Vịnh, nhu cầu năng lượng mới là trọng tâm. Nói cách khác, những mối quan hệ này chủ yếu mang tính giao dịch hơn là chiến lược.

Theo Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn 550% từ năm 2006 – 2022. Trong cùng giai đoạn, lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đã tăng từ 145 triệu tấn (2006) lên hơn 508 triệu tấn (2022). Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã khiến nước này phải nhập nhiều dầu thô của các nước trong GCC.

Các quốc gia trong GCC có tầm quan trọng thiết yếu đối với nhu cầu an ninh năng lượng của Trung Quốc. Đến nay, Saudi Arabia là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của vùng Vịnh sang Trung Quốc, với gần 88 triệu tấn dầu thô vào năm 2022.

Dẫu vậy việc vượt qua vị trí của Mỹ ở vùng Vịnh sẽ là thách thức lớn với Bắc Kinh. Hiện Mỹ vẫn là đối tác an ninh hàng đầu của vùng Vịnh và duy trì quan hệ nhiều mặt với các nước ở đây, không chỉ là thương mại mà còn là quan hệ chặt chẽ về quân sự, ngoại giao, văn hóa, giáo dục và xã hội.

Washington cũng đang nỗ lực chứng minh họ “xoay trục sang châu Á” không có nghĩa là giảm bớt ảnh hưởng ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, có lẽ điều mà Washington nên quan tâm hơn chính là quan hệ giữa Israel và Bắc Kinh. Israel – đồng minh đặc biệt của Mỹ – đã duy trì hợp tác công nghệ đáng kể với Trung Quốc kể từ những năm 1980.

Israel đã hoan nghênh các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ của họ với giá trị lên tới 325 triệu USD vào năm 2018. Chính phủ Trung Quốc và Israel đang đàm phán về hiệp định thương mại tự do. Nếu được ký kết, đó sẽ là hiệp định đầu tiên thuộc loại này của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Sẽ mua dầu vùng Vịnh bằng nhân dân tệ?

Trả lời Thời báo Hoàn Cầu tuần trước, giáo sư Mohammad Marandi, phó hiệu trưởng Đại học Tehran (Iran), nói trong bối cảnh “thế giới đang tiến tới việc giảm bớt dùng đồng đô la Mỹ”, điều quan trọng là phải có các loại tiền tệ thay thế. Và lựa chọn lý tưởng là dùng đồng nhân dân tệ (yuan) của Trung Quốc khi Bắc Kinh nhập khẩu năng lượng từ vùng Vịnh.

“Điều đó có lợi cho Trung Quốc, Iran, cũng như Saudi Arabia vì nó mang lại cho tất cả các nước này một lựa chọn thay thế cho đô la Mỹ (USD)”, ông bình luận.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : East Asia ForumTrung Đôngtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết