Việc Trung Quốc và Ấn Độ leo thang căng thẳng ở biên giới được tin là mang tới cho Mỹ thêm một vũ khí lợi hại để chống lại Bắc Kinh.

Tiếp sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ở thung lũng Galwan, trong khu vực biên giới đang tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Aksai Chin, còn New Delhi gọi là Đông Ladakh hôm 15/6, các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa hai bên dường như đã lâm vào bế tắc, dù có báo cáo về “sự đồng thuận tháo gỡ”.

Trung - Ấn căng thẳng, Mỹ thêm vũ khí lợi hại

Hiện không có mấy thông tin về các cuộc đàm phán quân sự hoặc ngoại giao đang diễn ra trong bối cảnh hai nước dàn quân mặt đối mặt ở ít nhất 4 “điểm nóng” dọc đường Kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.500km gồm Pangong Tso, thung lũng Galwan, suối nước nóng và Depsang.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là, Mỹ rất quan tâm đến các biến cố nói trên. Washington đã công khai lên tiếng ủng hộ New Delhi. Chia sẻ trên trang của hãng thông tấn Nga RT, Shishir Upadhyaya, cựu quan chức tình báo Hải quân Ấn Độ đã lí giải về các động cơ của Mỹ.

Theo ông Upadhyaya, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã đề cập tới việc tái ưu tiên và tái phân bổ hoạt động quốc phòng, nhằm chống lại việc Trung Quốc gia tăng thách thức an ninh với Ấn Độ, cũng như các động thái quả quyết của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên vấn đề biên giới Trung – Ấn được Washington chú trọng ngang hàng với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Đáng chú ý, trong một động thái thị uy sức mạnh và thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh, lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, Mỹ đã điều 3 nhóm tàu sân bay tấn công tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Cựu quan chức tình báo Hải quân Ấn Độ cho biết thêm, tại New Delhi đang có sự gia tăng đồng thuận về việc chính phủ nên đáp trả Trung Quốc một cách cứng rắn hơn. Một quan chức cấp cao nói, dù Ấn Độ không muốn leo thang căng thẳng nhưng họ “sẽ không lùi bước và sẵn sàng ăn miếng, trả miếng”.

Quyết tâm đáp trả của Ấn Độ có thể bắt nguồn từ thực tế rằng, trong vài tuần trở lại đây, khi nước này điều động thêm binh lực tới Ladakh, sự ủng hộ từ các cường quốc lớn, đặc biệt là Mỹ dành cho New Delhi cũng tăng lên.

Ông Upadhyaya nhận định, mặc dù các động thái của giới chức Mỹ đã khích lệ Ấn Độ nhưng chúng rõ ràng còn nhằm giúp Washington gia tăng áp lực với Bắc Kinh giữa lúc quan hệ song phương đã xấu đi nghiêm trọng.

Các rạn nứt ngày càng sâu, rộng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện được nhiều người xem là khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới, với những đường nét của một liên minh do Mỹ hậu thuẫn đang dần hình thành.

Trong khi đó, đối mặt với phản ứng dữ dội của phương Tây về cách xử lý dịch bệnh, Bắc Kinh có thể thấy họ bị cô lập, khi ngay cả Nga cũng duy trì lập trường ủng hộ New Delhi, thậm chí hứa sẽ đẩy nhanh việc cung cấp khí tài quân sự Ấn Độ đặt mua, bất chấp sức ép từ Trung Quốc.

Trung Quốc hiện không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc muốn xoa dịu xung đột. Ngược lại, Bắc Kinh cũng điều thêm quân và khí tài đến biên giới, đổ lỗi cho New Delhi về các vụ đụng độ giữa quân đội hai nước cũng như cáo buộc nước láng giềng đang cố lợi dụng tình hình khó khăn hậu dịch bệnh của Trung Quốc.

Một số chuyên gia coi cuộc đối đầu hiện nay là đỉnh điểm của những tranh chấp biên giới kéo dài và xung đột lợi ích quốc gia trong khu vực, chủ yếu là sự phản đối của New Delhi đối với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc và sự phản đối của Bắc Kinh trước “các khát vọng toàn cầu” của Ấn Độ dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

Theo nhiều cách, tranh chấp không còn gói gọn trong việc tranh chấp quyền kiểm soát vùng núi cằn cỗi giữa Trung Quốc và Ấn Độ, mà liên quan đến sự cạnh tranh lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ về ảnh hưởng thống trị toàn cầu.

Khủng hoảng hiện nay có nhiều điểm tương đồng với các sự kiện dẫn đến chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, vốn kết thúc bằng chiến thắng quân sự cho Bắc Kinh. Nhiều người ở Ấn Độ tin rằng, Bắc Kinh có thể vẫn đang tìm cách thúc ép Ấn Độ đàm phán nhằm dàn xếp căng thẳng biên giới hoặc phải chiến đấu trong một cuộc chiến tranh mới.

Mặc dù Ấn Độ hiện ở vị thế tốt hơn nhiều so với năm 1962, nhưng cán cân sức mạnh quân sự nói chung vẫn đang nghiêng về phía Trung Quốc, nước có tiềm lực kinh tế và ngân sách dành cho quốc phòng lớn hơn đáng kể.

Tuy nhiên, sự ủng hộ ngày càng tăng từ nhiều nước khác, đặc biệt là từ Mỹ, dường như đã ảnh hưởng đến tư duy chiến lược ở New Delhi.

Nhiều người Ấn Độ cho rằng, đây có thể là thời điểm thích hợp để nước này đáp trả mạnh mẽ quân đội Trung Quốc. Điều đó càng thổi bùng những căng thẳng và cuối cùng có thể khiến Ấn Độ trở thành mặt trận ủy nhiệm trọng yếu đầu tiên trong một chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc Mỹ – Trung.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Ấn ĐộBắc kinhcăng thẳngđàm phántrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết