Vụ tiêu cực trọng tài chưa từng có năm 2005, dẫn tới bản án 24 tháng tù treo đã khiến sự nghiệp trọng tài của Trương Thế Toàn – một trong những “ông vua” quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam khi ấy rơi vào cảnh thân bại danh liệt.

Giờ đây, khi đã trở lại cuộc đời của một công dân tự do, Trương Thế Toàn vẫn trăn trở rất nhiều về một “bản án chết” cùng những chữ “nếu” mà với nó anh tin là cuộc đời mình lẽ ra đã không đớn đau như vậy.

Một đỉnh cao quyền lực, một bản án đen tối

10 năm liền giữ danh hiệu trọng tài FIFA – có ông trọng tài nào ở Việt Nam vẻ vang như Trương Thế Toàn? Từng được FIFA gửi thư mời đích danh điều khiển các trận đấu ở Olympic Athen – năm 2004, có ông trọng tài nào ở Việt Nam hãnh diện như Toàn? Từng bắt tay với “vua bóng đá” Pele khi điều khiển một trận đấu tại cúp Hòa Bình ở Hàn Quốc, có ông trọng tài nào ở Việt Nam sung sướng như Toàn?

Trọng tài Trương Thế Toàn: Bản án “chết” & những chữ "nếu" cuộc đời - Ảnh 1.

Trọng tài Trương Thế Toàn thời điểm bị công an bắt giữ.

Năm 2005, trước khi vụ tiêu cực trọng tài bất ngờ nổ ra, khiến hàng loạt ông trọng tài uy tín phải đứng trước vành móng ngựa thì Trương Thế Toàn  vẫn giữ một hình ảnh, một địa vị mà mọi đồng nghiệp đều thèm muốn. Hồi ấy, cái độ lì lợm, cùng khả năng ứng biến tình huống rất thông minh của Toàn luôn là một bài học sống mà các trọng tài trẻ nhìn vào để noi theo.

Mùa giải năm 1997 trên sân Vĩnh Long, khi chủ nhà đang rất cần điểm trụ hạng, và khi trận đấu đã trôi đến phút cuối cùng thì Toàn vẫn dũng cảm chỉ tay vào chấm 11m, thổi phạt Vĩnh Long – cái điều mà không nhiều trọng tài non tay dám làm.

Tiếng còi chỉ vừa cất lất, một loạt cầu thủ Vĩnh Long bất ngờ lao về phía Toàn, đuổi đánh. Rất nhanh, Toàn chạy, nhưng không chạy theo đường thẳng, mà lại chạy kiểu zích zắc hình chữ chi. Nhớ lại phi vụ này, Toàn bảo: “Mình phải chạy lắt léo như thế, chứ không thể chạy theo đường thẳng, vì nếu chạy thẳng, tụi nó tóm được mình ngay. Chỉ cần vài cái gầm giày của tụi nó tương vào ngực thì mình có thể chết bất đắc kỳ tử ngay trên sân cũng chưa biết chừng”.

Hình ảnh một ông vua sân cỏ phải chạy như chạy giặc đã được những người làm chương trình “gặp nhau cuối tuần” của VTV lấy lại trong số đầu tiên của loạt chương trình hài hước nổi tiếng một thời, khiến nhiều khán giả xem mà cười đến… rơi nước mắt. Nhưng có những điều “cười ra nước mắt” khác mà ống kính truyền hình không lia tới được: đêm hôm ấy, nhiều nhóm côn đồ đã quây kín khách sạn của Toàn, và cứ thế mà chửi bới, dọa dẫm. Những sự cố như thế không làm Toàn run rẩy, mà trái lại, càng tôi luyện thêm cái độ lì vốn có của Toàn, đến nỗi so với các đồng nghiệp cùng thời, Toàn được đánh giá là “ông vua” lì lợm nhất.

Nếu cần kể thêm những bằng chứng khác về độ lì của Toàn, có thể kể đến cái buổi sáng định mệnh ngày 10/11 năm 2005, khi cơ quan an ninh bất ngờ ập đến căn nhà nhỏ của Toàn ở phố Quán Thánh – Hà Nội, đọc lệnh tạm giữ. Buổi sáng kinh hoàng ấy, bố mẹ Toàn khóc. Vợ Toàn khóc. Con trai Toàn khóc. Riêng đứa con gái đầu lòng thì yếu đuối tới mức không dám chạy xuống tầng 1, nhìn cảnh cha bị còng tay, mà lại thu mình trong căn phòng nhỏ ở tầng 2.

Ấy vậy mà riêng Trương Thế Toàn vẫn giữ một thái độ thản nhiên đến lạnh lùng. Chưa hết, cái hôm đứng trước vành móng ngựa trong phiên toà sơ thẩm năm 2007 – cái hôm mà Tòa  kết luận Toàn đã nhận 15 triệu đồng để bắt có lợi cho đội Ngân Hàng Đông Á, trong trận Đà Nẵng – Ngân Hàng Đông Á mùa giải  2004, cái hôm mà Tòa tuyên đọc bản án 4 năm tù cho mình (đến phiên phúc thẩm, được rút xuống còn 24 tháng tù treo), gương mặt Toàn vẫn điềm tĩnh, không một mảy may cảm xúc. Trong khi đó, đứng bên cạnh Toàn, một trọng tài nhúng chàm khác là Lương Trung Việt sợ đến nỗi gương mặt trắng bệch, gần như không còn giọt máu nào.

Nếu không thiếu điểm trong kỳ thi Đại học

Người Pháp có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Với những chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào cái lọ”. Dĩ nhiên, Trương Thế Toàn cũng biết câu danh ngôn này, nhưng bây giờ, sau tất cả những gì đã xảy ra Toàn vẫn thường đặt ra những chữ “nếu” đắng đót, mà chữ “nếu” đầu tiên hẳn sẽ làm nhiều người phải ngỡ ngàng: Nếu ngày ấy không thiếu nửa điểm trong kỳ thi đại học.

Lạ lùng thế đấy, một Trương Thế Toàn cứng nhắc, lì lợm cả trên sân cỏ lẫn trên trường đời hóa ra lại có một thời niên thiếu được nuôi nấng bởi những câu thơ. Nhà Toàn ở phố Quán Thánh, lại học cấp 3 trường Phan Đình Phùng, nên ngày ngày vẫn đi học trên phố Phan Đình Phùng nổi tiếng là con phố lãng mạn nhất nhì Thủ đô.

Chính mái trường cấp ba cổ kính và mơ mộng, chính con phố thi vị được dệt bởi hai hàng cây trên mỗi vỉa hè đã khiến cậu học trò Trương Thế Toàn tự lúc nào đã nằm lòng những câu thơ lãng mạn: “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang, nắng trở chiều…”?

Cứ thế, hồn văn thấm vào Toàn theo mỗi bước chân đến trường, để rồi đến kỳ thi Đại học, Toàn đã quyết định thi vào Tổng hợp Văn. Và lẽ ra Toàn đã trở thành một con người của văn chương, nếu kỳ thi ấy không thiếu 1/2 điểm. Phải nói, cái 1/2 điểm bị thiếu, thực sự đã rẽ cuộc đời Toàn qua một hướng khác, càng lúc càng thực dụng, mạnh mẽ hơn.

Chỉ đến khi phải sống trong trại tạm giam (trước khi xử sơ thẩm, Toàn bị tạm giam 9 tháng ở T16), phải xa lánh mọi sinh hoạt đời thường của một con người, phải đối diện với một nỗi cô đơn đến phát cuồng trong 4 bức tường đen kịt thì cái hồn văn thời niên thiếu mới đột nhiên ùa về. Toàn kể lại: “Ở trong T16, trong nỗi đau tột cùng của một kiếp người mất tự do, tôi thường nhìn bầu trời qua một ô cửa bé tí. Những đêm rằm, nhìn ánh trăng tròn, tôi thấy nhớ quá cuộc đời tự do. Và tôi viết: “Trăng ơi sao chẳng xuống đây/ Trao ta một chút trời mây cũng đành?”.

Nhân nói về những tháng tù, Toàn kể thêm: “9 tháng tạm giam, tôi được gặp vợ chỉ 1 lần. Tôi hỏi  cô ấy xem bố mẹ ở nhà khỏe không, cô ấy gật. Tôi hỏi các con ở nhà ngoan không, cô ấy cũng gật. Nhưng sau này tôi mới biết, cô ấy nói thế là để tôi yên lòng”.

Bởi sự thực là đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn của Toàn đi học bị bạn bè chế nhạo tới mức bị trầm cảm. Còn người cha thân yêu của Toàn thì sau này, khi Toàn ra tù được 4 tháng, ông đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở lại. Vì những sự thật đắng đót ấy mà đến tận bây giờ, trong thẳm sâu lòng mình, Toàn vẫn mang cái mặc cảm của một người con, một người chồng, một người cha tội lỗi.

Và nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh

Thiếu 1/2 điểm trong kỳ thi vào Tổng hợp Văn, Toàn đi theo một con đường khác, và sau này đã làm việc ở phòng kế hoạch của một cơ quan nhà nước. Ở đấy niềm vui đã đến với Toàn khi được cơ quan cử đi học ở Nga. Đến năm 1990, Toàn xin nghỉ phép để về thăm gia đình, và đấy là một chuyến về phép định mệnh, rẽ cuộc đời của anh công chức thường thường bậc trung Trương Thế Toàn sang cuộc đời của một “ông vua sân cỏ” Trương Thế Toàn vừa lẫm liệt vừa đớn đau sau này.

Năm 1990 ấy, nước Nga  đối diện với hàng loạt những dấu hiệu suy thoái, vậy nên Toàn được những người thân khuyên hãy ở lại  Việt Nam, thay vì trở lại Nga. Quyết định ở Việt Nam, nhưng không chấp nhận đồng lương viên chức ba cọc ba đồng, Toàn tìm cách “thoát thân”, và đúng lúc đó đã gặp lại một người bạn có tên Nguyễn Tuấn Hùng – người mà lúc đó là ông trùm của giới trọng tài bóng đá Hà Nội, cũng đồng thời là người vừa nổi tiếng vừa tai tiếng trong giới trọng tài Việt Nam thời bao cấp.

Vốn cùng học với nhau dưới mái trường phổ thông, lại cùng nhau tung hoành ở những sân bóng đá phủi thời niên thiếu, Toàn nhanh chóng được Nguyễn Tuấn Hùng đưa vào nghề trọng tài. Công bằng mà nói, với việc luôn được giao bắt chính các trận đấu quan trọng, lại  là ông trọng tài Việt Nam hiếm hoi liên tục được xuất ngoại, cái nghề trọng tài đã giúp Toàn có một cuộc sống rủng rỉnh hơn người. Đến lúc ấy, rõ ràng là chuyến về phép cùng cuộc gặp gỡ định mệnh với Nguyễn Tuấn Hùng đã giúp Toàn có một cuộc sống đúng như mình muốn.

Tuy nhiên sau này, khi Toàn vì nghiệp trọng tài mà phải đứng trước vành móng ngựa, thì đã có người nói với Toàn: “Nếu không có chuyến về phép cùng cuộc gặp gỡ ấy, có lẽ cậu đã không phải trả giá bằng 9 tháng ngồi tù”. Trước những  ý kiến như thế, Toàn chỉ im lặng, và phải một lúc lâu sau đó mới nhỏ nhẹ thốt lên: “Âu cũng là số phận!”.

Phải là dân trong nghề mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “số phận” trong câu nói của Toàn. Bởi có một thực tế là, bóng đá Việt Nam hồi ấy – cái hồi mà “cả làng ăn gian, thằng nào không ăn gian thằng ấy dại” thì  gần như cơ quan điều tra sờ đến trọng tài nào, trọng tài ấy cũng đều chết đau, chết nghiệt như Toàn cả thôi.

Một thực tại tiếc nuối và ảo vọng

So với hồi cầm còi, Trương Thế Toàn bây giờ nhìn gầy hơn, và cũng ăn nói nhẹ nhàng, điềm đạm hơn. Sau khi chấp hành song bản án 24 tháng tù treo, Toàn được ông Đặng Quang Dương – cựu trưởng đoàn đội Công An Thành Phố ngày xưa giới thiệu vào làm việc tại một tập đoàn chuyên kinh doanh sân cỏ nhân tạo. Và thế là mỗi sáng Toàn vẫn phóng xe từ nhà ở phố Quán Thánh đến sân bóng nhân tạo thuộc trường Thủy Lợi trên phố Thái Hà, làm công tác quản lý.

Công việc nhàn hạ, đem tới một nguồn thu đều đặn, lại được ở gần vợ con, chứ không phải đi xa biền biệt như ngày làm trọng tài thủa trước, nhưng Toàn vẫn nhớ lắm cái nghiệp làm “vua”. Không phải vì thích được đứng trên sân cỏ “ra lệnh” cho người này, “rút thẻ” cho người khác, mà vì “cái nghiệp ấy thực sự là một đam mê của mình” – Toàn tâm sự.

Chính vì niềm đam mê ấy mà Toàn bây giờ vẫn âm thầm tiếp xúc với nhiều trọng tài Việt Nam hiện hành, và vẫn giữ được những mối quan hệ tốt với những ông trọng tài quyền lực trong giới túc cầu Đông Nam Á. Và như đã phản ánh thì chính từ một mối quan hệ như thế mà Toàn đã láu lỉnh có được quả bóng lịch sử trong trận chung kết AFF Suzuki Cup 2008 của ĐT Việt Nam.

Toàn chia sẻ: “Nếu không có bản án nghiệt ngã, tôi đã trở thành trọng tài Việt Nam duy nhất được bắt các trận đấu ở World Cup rồi cũng nên. Còn một vị trí trong phòng điều hành trọng tài hay trở thành một giám sát trọng tài cho VFF thì với tôi phải nói là chắc chắn”.

Một tiếc nuối xa xôi, một ảo vọng khó thành?

Theo Dân việt

Từ khóa : bóng đá việt namngân hàng Đông Átrọng tài dính chàmtrọng tài Trương Thế Toàntrọng tài Việt NamvffVĩnh Long

Các tin liên quan đến bài viết