Sản xuất điều sạch theo phương pháp hữu cơ là hướng đi mới, bước đầu khả quan nhưng Bình Phước cần chú trọng nhiều hơn vào thực tế vì hạt điều không sợ ế.
Trao đổi bên lề hội nghị Quốc tế ngành điều Bình Phước sáng ngày 16.5, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết như thế về mô hình điều hữu cơ đang được quan tâm hiện nay.
Mùa thu hoạch điều đầu năm 2017 bị ảnh hưởng nhiều do sâu bệnh và thời tiết thất thường. Ảnh: Nguyên Vỹ
Sử dụng sản phẩm an toàn chất lượng là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, vì thế, nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt điều Bình Phước đã được áp dụng.
Thực tế, năng suất sản xuất hạt điều hữu cơ chỉ bằng 1/3 năng suất điều thường (3 – 3,5 tấn/năm). Chưa kể việc phân biệt điều nào sạch cũng còn khó vì thực hiện truy xuất nguồn gốc hiện nay ở trong nước chưa đồng đều. Trong khi đó, chất lượng hạt điều Bình Phước đã được thế giới công nhận từ lâu.
Ông Thanh nhấn mạnh, tính đồng bộ trong chuỗi từ trồng trọt, sản xuất đến tiêu thụ theo mô hình hợp tác xã của Bình Phước hiện nay rất tốt, nên phát huy.
“Mô hình làm điều hữu cơ là một hướng đi mới nhưng cần nhìn nhận thực tế của vấn đề là từ khi có công nghiệp chế biến, hạt điều không đủ để bán, không sợ ế”, ông Thanh nói.
Quang cảnh hội nghị Quốc tế ngành điều Bình Phước 2017. Ảnh Nguyên Vỹ
Trước đó, ông Vũ Đức Bộ, Giám đốc hợp tác xã Phước Hưng (huyện Đồng Xoài, Bình Phước) giới thiệu mô hình trồng, chế biến xuất khẩu điều theo tiêu chuẩn hữu cơ và công bằng thương mại (Fairtray) của tổ chức FLO.
Khi trồng hữu cơ, nông dân sử dụng phương pháp canh tác của chứng nhận fairtray và organic từ sản xuất đến tiêu dùng. Cách canh tác giữ gìn sự trong sạch cho môi trường, cho người tiêu dùng.
“Việc đạt chứng nhận đã mở ra cánh cửa cho hạt điều Bình Phước nhưng việc triển khai còn không ít khó khăn nên chính quyền cần hỗ trợ thêm”, ông Bộ nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Ý, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Việt Hà đánh giá cao việc sản xuất sản phẩm sạch, nhưng thực tế cây điều được trồng nhiều ở các vùng sâu, vùng xa gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
“Vì trình độ nhận thức có những hạn chế, cùng với tập quán sản xuất cũ, nên việc phổ cập kiến thức mới cho bà con gặp khó. Việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chỉ phát huy tốt khi thông qua hợp tác xã. Vì vậy cần khuyến khích thành lập nhiều hơn các HTX trồng điều”, ông Ý đề nghị.
Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho hạt điều BÌnh Phước. Ảnh Nguyên Vỹ
Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều Bình Phước năm 2017 được tổ chức trong bối cảnh ngành điều vừa bước ra khỏi tổn thất nghiêm trọng do ảnh hưởng sâu bệnh và thời tiết thất thường.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại làm hạn chế khả năng cạnh tranh của hạt điều Việt Nam nói chung, cũng như “thủ phủ hạt điều” Bình Phước nói riêng. Theo đó nhiều biện pháp được đưa ra để cải thiện tình hình này như phát triển mô hình hợp tác xã, xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng chỉ dẫn địa lý để tiếp cận thị trường tốt hơn.
“Với chủ đề ngành điều Bình Phước phát triển vì cộng đồng và xã hội, hội nghị lần này mong muốn chuỗi giá trị hạt điều được chia sẻ nhiều hơn; tìm kiếm cơ hội kết nối với thị trường quốc tế đồng thời điều chỉnh những khó khăn nội tại”, ông Trăm nói.
Bình Phước có trên 134.000 ha điều, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước, trong đó 132.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 150.000 tấn. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (1,6 tỷ USD).
Bình Phước đang tập trung đề án cải tạo vườn điều để hình hành vùng chuyên canh theo chuẩn Vietgap tại huyện Bù Gia Mập làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Tổng diện tích quy hoạch đến 2020 là 200.000 ha.
Nguồn Dân Việt