“Doanh nghiệp lách luật, áp dụng hình thức thuê khoán, khoán việc với người lao động. Qua đó bớt được chi phí và không phải đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014: Từ ngày 1/1/2018, lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1-3 tháng phải đóng BHXH”.
 >> Doanh nghiệp Hà Nội nợ, trốn đóng BHXH nhiều nhất nước
 >> Doanh nghiệp chẻ lương công nhân để trốn đóng BHXH
 >> Quảng Ninh: “Mạnh tay” với những đơn vị chây ỳ, trốn đóng BHXH

Ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết thực trạng về tình hình áp dụng quy định về hợp đồng lao động tại Hội nghị góp ý về sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức lao động quốc tế vừa tổ chức cuối tháng 6 tại Hà Nội.

Lách luật BHXH để giảm chi phí

Theo ông Mai Đức Thiện, nhằm tránh quy định phải đóng BHXH cho lao động có hợp đồng từ 1 – 3 tháng, một số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức trốn đóng BHXH khi chuyển qua loại hình hợp đồng vụ việc, thuê khoán, khoán việc…

 Cả nước có có trên 8.000 lao động có HĐLĐ từ 1-3 tháng được đóng BHXH.

Cả nước có có trên 8.000 lao động có HĐLĐ từ 1-3 tháng được đóng BHXH.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động và công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, quy định mới sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải chỉ trả thêm một khoản kinh phí.

Bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ quy định của Luật BHXH, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách chuyển đổi thành hình thức giao kết như trên.

Trước đó, cùng trao đổi với PV Dân trí về nội dung trên, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu (BHXH VN) cho biết cả nước có khoảng 2 triệu người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng. Tới tháng 5/2018, cả nước mới có trên 8.000 người lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng tham gia BHXH.

“Số liệu trên chủ yếu có từ công tác đăng ký số lao động và thời hạn hợp đồng mới. Đây lại là công việc do doanh nghiệp chủ động thực hiện. Cơ quan BHXH chủ yếu thực hiện vai trò kiểm tra và đôn đốc” – ông Mai Đức Thắng cho biết.

Ngoài việc chuyển đổi hình thức giao kết để trốn đóng BHXH, ông Mai Đức Thắng cho biết, BHXH VN đã phát hiện cả việc lách luật thông qua việc ký hợp đồng lao động với người lao động làm việc trên 3 tháng nhưng chỉ ghi trên giấy tờ với thời hạn 2 tháng 8 ngày hoặc 2 tháng 29 ngày…

Điều chỉnh chính sách sát hơn

Trước thực tế trên, ông Mai Đức Thiện đề xuất việc sửa đổi và bổ sung một số nội dung về loại hình hợp đồng lao động trong Chương III về Hợp đồng lao động (Bộ Luật Lao động năm 2012) để ngăn chặn việc trốn đóng BHXH.

Đồng thời làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán…vốn chưa được đưa vào trong luật lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua.

Trao đổi với PV Dân trí vào sáng 28/6 tại Hà Nội, ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cũng đề nghị sớm sửa đổi quy định về loại hình hợp đồng lao động nhằm tăng cường giải pháp chống trốn đóng BHXH.

“Điều 16 của Luật Lao động năm 2012 quy định 2 loại hình giao kết hợp đồng lao động theo văn bản hoặc lời nói. Nhưng trên thực tế đã và đang tồn tại việc giao kết còn thông qua hình thức khoán sản phẩm…Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động có thể lách luật bằng cách khoán công việc để tránh việc giao kết hợp đồng có thời gian cụ thể” – ông Trần Đình Liệu nói.

Theo vị Phó tổng giám đốc BHXH VN, người sử dụng lao động sẽ lợi dụng hình thức khoán việc vì chưa nêu rõ về thời gian thực hiện công việc.

“Đơn cử như việc chủ sử dụng lao động khoán việc với người lao động cùng thù lao là 2, 3 hoặc 5 triệu đồng/vụ việc. Nếu chúng ta cứ áp dụng theo quy định của Luật về thời gian, hình thức giao kết hợp đồng lao động và chỉ quan tâm tới việc doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động sau ngày là việc thứ 14 thì dứt khoát sẽ bị bỏ sót việc thu BHXH của trường hợp trên” – ông Trần Đình Liệu phân tích.

Bên cạnh việc đề xuất điều chỉnh Luật lao động, ông Trần Đình Liệu cho rằng vẫn có nhiều cách để phát hiện việc trục lợi BHXH thông qua việc quyết toán các chi phí về lương của người sử dụng lao động.

“Các quyết toán về chi phí của doanh nghiệp sẽ bao gồm cả chi phí về lương. Qua giám sát, chúng ta sẽ phát hiện những khoản chi phí về lương để miễn trừ thuế sẽ được bóc tách và tìm ra những điểm hợp lý hoặc bất hợp lý. Để làm được điều này, BHXH VN đang có cùng ngành thuế xây dựng chương trình phối hợp nhằm quản lý danh sách trả lương, quyết toán thuế của doanh nghiệp…” – vị Phó Tổng giám đốc BHXH VN cho biết.

Xác định rõ loại hình hợp đồng lao động không trọn thời gian

Theo ông Mai Đức Thiện: “Khi xây dựng hình thành Luật Lao động năm 2012, Ban soạn thảo đã tạm xác định hợp đồng lao động không trọn thời gian là loại hình công việc tạm thời và có tính thay thế một số công việc. Nhưng tới thời điểm bàn thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, loại hình này đang được người lao động gia tăng sử dụng. Do đó, chúng ta cần nhận diện và đưa ra định nghĩa rõ loại hình công việc này: Làm việc ít hơn thời gian chính thức là như thế nào? Công việc không trọn thời gian là 4, 6 hay 7 giờ trong ngày?…Đây cũng là cách để giúp cơ quan BHXH, tiền lương xác định những quy định liên quan”.

Theo Dân trí

Từ khóa : BHXH bắt buộcđóng BHXHhợp đồng lao độngtham gia bảo hiểm xã hộitham gia BHXHtham gia BHXH bắt buộctrốn đóng BHXHViệc làm

Các tin liên quan đến bài viết