UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024; lồng ghép thực hiện có hiệu quả chương trình với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các chương trình khác có liên quan của địa phương. 

Mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em sinh ra sống được đăng ký khai sinh tăng bình quân 1%/năm

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23/1/2017 về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 (gọi tắt là “Chương trình ĐKTKHT”).

Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách, nhân lực của địa phương để thực hiện chương trình; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động đăng ký, thống kê số liệu sinh – tử, số liệu đăng ký hộ tịch, đặc biệt là xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử hàng năm; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chương trình.
Mục tiêu của Chương trình ĐKTKHT nhằm bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.
Chương trình ĐKTKHT bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp “giấy khai sinh”, “trích lục khai tử”), có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua triển khai thực hiện Chương trình ĐKTKHT, số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời, có các chỉ tiêu cơ bản theo thông lệ quốc tế; được công bố công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình ĐKTKHT còn thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành có liên quan, từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch có chất lượng, hiệu quả, số liệu thống kê thống nhất, chính xác.
Trong Quyết định 101, Thủ tướng Chính phủ còn đưa ra các mục tiêu cụ thể về đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và xác định nguyên nhân tử vong; về kết hôn, ly hôn; về nuôi con nuôi; về thống kê và công bố số liệu đăng ký hộ tịch.
Kinh phí thực hiện Chương trình ĐKTKHT từ nguồn ngân sách nhà nước; tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn hợp pháp khác. Căn cứ nhiệm vụ tại chương trình này, các bộ ngành liên quan, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán thực hiện chương trình hành động, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp./.
Thanh Phương

Từ khóa : ăng ký hộ tịchđăng ký khai sinhđăng ký khai tửtập trung

Các tin liên quan đến bài viết