Ngày 16-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sau hơn một tháng giảm, các ca COVID-19 đã bắt đầu tăng trở lại trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á, trong tuần qua.
“Phần nổi của tảng băng chìm”
Nguyên nhân khiến số ca COVID-19 tăng trở lại là do sự kết hợp của các yếu tố như biến thể Omicron dễ lây lan và dòng phụ BA.2 của nó, cũng như việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm chủng thấp ở một số quốc gia góp phần làm số ca bệnh tăng.
“Sự gia tăng đang xảy ra dù một số nước giảm xét nghiệm, điều này có nghĩa là những ca bệnh chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
WHO cũng cảnh báo ca tử vong sẽ tăng theo sự gia tăng ca mắc mới.
Theo WHO, số ca mắc mới đã tăng 8% trên toàn cầu so với tuần trước đó, với 11 triệu ca bệnh và hơn 43.000 ca tử vong trong tuần từ ngày 7 đến 13-3. Đây là lần tăng số ca COVID-19 toàn cầu đầu tiên kể từ cuối tháng 1.
Khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận sự gia tăng ca mắc mới nhiều nhất, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi các ca bệnh tăng 25% và ca tử vong tăng 27%.
Châu Phi cũng tăng 12% số ca mắc mới và 14% số ca tử vong vì COVID-19, trong khi châu Âu tăng 2% ca bệnh song không tăng tỉ lệ ca tử vong.
Các khu vực khác trên thế giới báo cáo xu hướng giảm số ca bệnh.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của WHO, nói cho đến nay BA.2 dường như là biến thể dễ lây lan nhất. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy BA.2 gây bệnh nặng hơn, và không có bằng chứng cho thấy bất cứ biến thể mới nào khác đang làm tăng số ca bệnh.
“Chúng ta cần tránh nghĩ rằng COVID-19 không còn ở đó nữa. Do đó cần duy trì các biện pháp phòng dịch cần thiết và đeo khẩu trang trong không gian kín hoặc nơi đông người”, bà Antonella Viola, giáo sư miễn dịch học tại ĐH Padua (Ý), cho biết.
Một số điểm nóng dịch bệnh
Ngày 17-3, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết hơn 621.000 ca mắc mới và 429 ca tử vong trong 24 giờ, mức tăng cao nhất kể từ đầu dịch, được thúc đẩy bởi biến thể Omicron dễ lây lan và việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, theo Hãng thông tấn Yonhap.
Hàn Quốc đã chứng kiến sự gia tăng số ca bệnh sau lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới ở mức 5 con số vào cuối tháng 1 vừa qua. Kể từ đó, số ca bệnh tăng chóng mặt, vượt mức 300.000 ca hôm 9-3.
Trong khi đó, ngày 15-3, Trung Quốc ghi nhận 5.280 ca mắc mới trong 24 giờ, cao gấp đôi ngày trước đó và là số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ đầu dịch. Đặc khu Hong Kong cũng đang căng thẳng vì dịch COVID-19, khi ghi nhận hơn 32.400 ca hôm 13-3.
Ngày 16 và 17-3, Trung Quốc đều ghi nhận ca mắc mới dưới 2.000 ca, song biến thể Omicron đã lan ra 28 tỉnh và khu vực ở nước này với hàng triệu người sống trong cảnh phong tỏa.
Một số chuyên gia y tế đang lo ngại châu Âu sẽ phải đối mặt với một đợt bùng dịch khác, khi các ca mắc mới đang tăng trở lại từ đầu tháng 3 tại Áo, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Theo trang thống kê worldometers.com, ngày 16-3, Áo ghi nhận hơn 58.500 ca mắc mới trong 24 giờ, tăng gần gấp đôi so với ngày trước đó.
Đức cũng liên tục ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, với hơn 300.000 ca ngày 10-3. Ngày 16-3, nước này báo cáo hơn 275.800 ca mắc mới trong 24 giờ.
Tuần này, số ca nhập viện tại Anh tăng 18% so với tuần trước, vượt mức 10.000 người, theo Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS). Tại Ý, khoảng 120.000 học sinh đã được cách ly trong tuần kết thúc vào ngày 5-3.
Giới chuyên gia cũng bắt đầu cảnh báo Mỹ có thể chứng kiến một làn sóng dịch tương tự tại châu Âu, chủ yếu là do BA.2, việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch cũng như khả năng bảo vệ nhờ vắc xin bị suy giảm theo thời gian.
Nguồn: tuoitre.vn