Nhiều cha mẹ tỏ ra khá lo lắng, thậm chí là kỳ thị khi thấy con mình có các biểu hiện không công nhận giới tính hoặc thể hiện hành vi, thái độ ngược lại với giới tính của mình.

Các bác sĩ khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 đang thăm khám và điều trị cho trẻ - Ảnh: THU HIẾN

Các bác sĩ khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 đang thăm khám và điều trị cho trẻ 

Không ít trẻ hiện nay có xu hướng không chấp nhận được giới tính của mình, nếu bậc cha mẹ không hướng dẫn con cái sớm, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Tự cắt bộ phận sinh dục vì không muốn là nam

Không ít lần chị T.N. (38 tuổi, Đồng Nai) buồn bã vì con trai mình 9 tuổi đã có biểu hiện nữ tính. Bé thường xuyên có hành động và tâm lý giống như trẻ nữ.

“Ban đầu cả gia đình tôi rất lo lắng, bé bắt đầu có biểu hiện tính cách giống như trẻ nữ khi bắt đầu đi học lớp 1. Trên lớp, bé không hay chơi với các bạn nam vì bé cho rằng các bạn nam bạo lực. Những thứ đồ chơi cho trẻ nam thường ngày cũng không chơi mà chỉ thích chơi búp bê, thậm chí thích mặc váy, tô son. Trong gia đình các anh trai của bé đều không có biểu hiện vậy nên tôi rất lo lắng”, chị N. cho hay.

Tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), mẹ bé gái N.H. (10 tuổi, Bình Thuận) đưa con gái đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng bé có biểu hiện bất thường, không muốn trở thành nữ.

Theo lời kể của mẹ bé H., cách đây ba năm bé đã từng bị một người nữ có hành vi khiếm nhã khiến bé bị tổn thương, ám ảnh. Tuy nhiên, gia đình không để ý, thời gian sau thấy con có biểu hiện như: cố gắng nịt ngực vì không muốn ngực phát triển thành nữ, cắt tóc ngắn… mẹ bé mới đưa bé đi khám. Bé cho biết mình chỉ muốn làm nam giới, không muốn phát triển đúng theo ngoại hình nữ mình đang có.

Bác sĩ Trần Quang Huy – khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho biết trước đó bệnh viện cũng đã tiếp nhận một trường hợp trẻ nam đã tự cắt bộ phận sinh dục của mình vì không muốn trở thành nam.

Nhiều nguyên nhân rối loạn giới tính

Bác sĩ Huy cho biết thêm, những năm gần đây lượng trẻ đi khám rối loạn giới tính cũng đã nhiều, có thể nguyên nhân là do nhận thức của cha mẹ ngày càng được cải thiện.

Tại bệnh viện, gần đây nhất trẻ đến khám rối loạn giới tính chủ yếu liên quan đến vấn đề bị xâm hại. Theo đó, trẻ nhận rõ giới tính của mình trong độ tuổi từ 18 – 30 tháng tuổi, ví dụ nếu được quy định là nữ, trẻ sẽ bắt chước làm theo tâm lý hành động của nữ và ngược lại.

Trẻ bị rối loạn giới tính như nam muốn trở thành nữ hoặc nữ muốn trở thành nam có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân đầu tiên có thể do tâm lý thích bắt chước thần tượng. Người thần tượng đó có những biểu hiện tâm lý, hành động đi ngược lại với giới tính mình có. Một phần nguyên nhân nữa có thể là do chơi chung với một nhóm bạn, trong khi nhóm bạn này cũng có rối loạn giới tính. Cũng có thể là do trẻ bị chấn thương tâm lý hoặc bị xâm hại trước đó dẫn đến ám ảnh nhưng gia đình không phát hiện kịp thời.

“Những trường hợp này có thể điều trị bằng cách tư vấn tâm lý, hoặc có thể mất dần theo thời gian. Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa có thể là do biến đổi nội tiết tố nam (testosterone), trường hợp này trẻ sẽ được xét nghiệm để can thiệp, điều chỉnh nội tiết tố.

Biến đổi hormone sẽ biểu hiện rõ như trẻ nữ bị mọc râu, lông nhiều, trẻ nam phát triển cơ quan ngực, bộ phận sinh dục phát triển sai sẽ được can thiệp ngoại khoa…”, bác sĩ Huy cho hay.

Không được kỳ thị trẻ

Bác sĩ Huy cho hay đa số phụ huynh hiện nay vẫn còn sự kỳ thị, thậm chí là chửi rủa khi thấy con mình có các biểu hiện rối loạn giới tính.

Tuy nhiên, điều này là không nên, cứ ba trẻ sẽ có một trẻ gặp phải các vấn đề sang chấn tâm lý. Khi mắc rối loạn giới tính, bản thân trẻ đã thường xuyên bị bạn bè, người xung quanh kỳ thị, nếu cha mẹ không quan tâm có thể đưa các bé đến trầm cảm, thậm chí có hành vi tự tử.

Khi thấy con mình có biểu hiện vậy, cách tốt nhất là tìm đến các bác sĩ chuyên khoa tâm lý để cùng trò chuyện và hiểu con.

Cha mẹ phải giữ được bình tĩnh, không đẩy con mình xa hơn nữa vì nếu làm vậy trẻ sẽ dễ đi theo chiều hướng không đúng, thậm chí sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận – giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết nhiều phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện rối loạn giới tính liền bị sốc, ngăn cấm con. Tuy nhiên, điều này là không nên vì khi trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, khi thấy cha mẹ ngăn cấm sẽ càng chống đối mạnh mẽ hơn, do đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chính vì vậy, gia đình không nên áp đặt, đặt quá nhiều kỳ vọng ép con mình phải theo ý kiến mình muốn. Điều cần làm là lắng nghe con, hiểu con, tìm ra lý do để cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cha mẹ, thầy cô cùng giáo dục giới tính cho trẻ

Tiến sĩ tâm lý Lê MinhThuận cho biết: vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ. Trẻ cần được hiểu về giới tính và cha mẹ cũng không nên có định kiến quá mức về giới tính của con.

Ngoài những nguyên nhân do gen, thay đổi hormone có thể điều trị can thiệp được, khi trẻ có vấn đề về rối loạn giới tính cần sự phối hợp nhiều chuyên môn khác nhau như: tâm lý, xã hội, di truyền, nội tiết… Tùy vào từng nguyên nhân, hoàn cảnh của trẻ để có hướng điều trị thích hợp.

Nếu thấy con mình có biểu hiện bất thường, cha mẹ cần bình tĩnh đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giới tínhTrẻ rối loạn giới tính

Các tin liên quan đến bài viết