Tại các vùng sâu vùng xa, vì nhiều lý do khác nhau trẻ em không thể đến trường. Những người đau đáu với sự nghiệp giáo dục đã nảy ra cách ‘chở’ bài đến tận nhà các em.
Đó có thể là xe tuk-tuk – loại xe kéo phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, xe tải hoặc thuyền.
Xe tuk-tuk chở sách cho trò nghèo
Đối với các em học sinh vùng nông thôn Campuchia, được đến trường là một việc khó khăn và đắt đỏ. Kuma Cambodia – ngôi trường được Hiệp hội sáng kiến Na Uy ở Cambodia (NAPIC) thành lập năm 2012, đã quyết định dùng xe tuk-tuk giúp các em.
Dự án có tên “Book Book Tuk-Tuk” (tạm dịch: Xe tuk-tuk chở sách) phối hợp với các trưởng làng và tình nguyện viên người Campuchia. Họ giải thích cho các gia đình biết tại sao cho trẻ đến trường là quan trọng, cũng như giải quyết những vấn đề xã hội như nâng cao ý thức về căn bệnh HIV và tệ nạn đánh bạc.
Tình nguyện viên đến từ những chiếc xe tuk-tuk sẽ dạy các em toán, vẽ, đọc, hát và kể chuyện cổ tích. Nhưng chức năng chính của dự án là khuyến khích cha mẹ cho các em được đến trường.
Seavsean, 10 tuổi, sống dưới một tấm bạt nylon cùng cha mẹ và em trai ở một ngôi làng thuộc tỉnh Kandal. Cha em từng đánh bạc hết số tiền cả gia đình có được, khiến mẹ em đêm đêm phải đi trộm lúa để nuôi sống các con.
Tuy nhiên, sau khi tham gia vào chương trình dành cho các bậc cha mẹ của “Book Book Tuk Tuk”, cha em đã bỏ nhậu nhẹt và kiếm được việc làm. Giờ đây cả gia đình đang sống trong một ngôi nhà gạch, và Seavsean được theo học tại trường Kuma Cambodia.
Dạy tiếng Anh bằng video trên…xe tải
Ở Indonesia, trẻ em các vùng nông thôn thu nhập thấp hiện không được học tiếng Anh, trong khi internet thì đắt đỏ, không ổn định nên cũng tước mất luôn cơ hội học trực tuyến của các em.
Vì thế 3 tổ chức gồm Nhà xuất bản đại học Oxford (OUP), tập đoàn xe hơi IndoMobil và mạng dạy học Eleutian của Mỹ đã kết hợp lại để tạo ra những chiếc xe tải có công nghệ vệ tinh, kết nối học sinh Indonesia với những giáo viên bên Mỹ.
Những chiếc xe này được điều tới các cộng đồng có thu nhập thấp trên khắp Indonesia, đậu tại một bãi đất trống và mở hệ thống lên.
Bên hông chiếc xe là một màn hình tivi lớn, có trang bị mái che, và học sinh được học theo chương trình của OUP từ chính một giáo viên bên Mỹ đang dạy ngay trong lớp của họ.
“Mức độ thông thạo tiếng Anh đang trở nên ngày càng quan trọng ở các quốc gia đang phát triển. Điều này đặc biệt đúng ở Indonesia. Tuy nhiên, nhiều học sinh đang bị bỏ lại phía sau”, Joseph Noble, đại diện của OUP, cho biết.
Kể từ khi được triển khai, dự án có tên TeachCast này đã đến với hơn 1.000 học sinh, và hiện có kế hoạch mở rộng đội xe hiện tại từ 15 chiếc lên 500 chiếc, với mục tiêu là mỗi chiếc dạy được 150 học sinh/ngày.
Những ngôi trường nổi
Ở Bangladesh, nơi thường xuyên đối mặt với lũ lụt, số học sinh bỏ học ngày càng tăng lên (hiện đã có 4 triệu trẻ em bỏ học ở quốc gia này).
Mohammed Rezwan – giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha, đã nảy ý tạo ra “các ngôi trường nổi” để đến với học sinh.
Gia đình Rezwan từng sở hữu một chiếc thuyền nhỏ nên hồi bé ông vẫn đến trường được trong mùa gió mùa. Thế là Rezwan lấy cảm hứng từ đó để tạo ra “trường nổi”.
“Tôi nghĩ nếu trẻ em không thể đến trường thì trường sẽ đến với các em”, ông nói về ý tưởng của mình.
Tổ chức này hiện có 22 ngôi trường nổi và dạy cho gần 2.000 trẻ em đến từ các ngôi làng khác nhau dọc bờ sông mỗi ngày.
Sau khi con thuyền này cập bến, lớp học sẽ bắt đầu. Mỗi con thuyền được trang bị điện mặt trời, máy tính xách tay và một phòng học dành cho 30 em.
Suraiya Khatun, 7 tuổi, đến từ Pabna, tỏ ra rất thích hình thức học di động này.
“Khi lớn lên, em muốn trở thành cô giáo trên trường nổi để dạy cho trẻ em trong làng của mình”, cô bé nói.
Nguồn: tuoitre.vn