Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định gây ra ung thư có nhiều nguyên nhân, chứ không phải nguyên nhân chính là do ăn uống.
Tránh hiểu nhầm 'ăn gì cũng sợ ung thư'
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến 

Chiều 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2015.

Kiểm soát ATTP rất hạn chế
Theo báo cáo của Bộ Công thương, toàn quốc hiện có 8.660 chợ, 967 siêu thị và trung tâm thương mại, trong đó có trên 60% siêu thị có kinh doanh thực phẩm. Hầu hết các chợ kinh doanh thực phẩm không có trang thiết bị kiểm nghiệm nên chưa kiểm soát được nguồn hàng từ nơi sản xuất, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống; không đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm về hạ tầng; phần lớn chưa được trang bị các thiết bị kiểm tra nhanh (các kit, test…) các loại thực phẩm. Đối với việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ngoại trừ TP Hà Nội và TP.HCM (đã cấp trên 90% hồ sơ đạt yêu cầu), các địa phương còn lại thì tỉ lệ cấp giấy chứng nhận chỉ chiếm trên 60%, riêng đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chỉ đạt khoảng 20%, nên việc thực thi và xử lý vi phạm các quy định về ATTP còn gặp nhiều khó khăn. Công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận ATTP, sau khi xử phạt vi phạm của các đơn vị chức năng còn hạn chế, chưa kịp thời (vì theo quy định việc kiểm tra thường xuyên của các đoàn không quá 1 lần/năm/doanh nghiệp). Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về ATTP và tuyên truyền các quy định của Luật ATTP tại các địa phương chưa thực sự đạt hiệu quả mong muốn. Dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, báo cáo của Chính phủ cho biết trong giai đoạn trên đã kiểm tra hơn 54.700 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm. Thanh tra, kiểm tra hơn 2.000 đợt với hơn 63.000 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.400 cơ sở vi phạm. Theo số liệu thống kê, năm 2011 cả nước có gần 28.300 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và đến nay số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã tăng lên gần 29.600 cơ sở. Phần lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này tự phát, không đăng ký kinh doanh, có cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y, ATTP, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm.
Khó kiểm soát người bán hàng rong
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng trong lĩnh vực ATTP, hạn chế lớn nhất là việc xử phạt thiếu tính răn đe, để xảy ra nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh. Về trách nhiệm, bà Tiến cho rằng quan trọng nhất là chính quyền địa phương. “Tất cả vi phạm là phải chính quyền địa phương chứ không bộ, ban, ngành nào xuống đó mà xử lý được. Có những địa phương còn không bố trí kinh phí cho hoạt động này”, Bộ trưởng nói. Hiện trạng phổ biến là nhiều địa phương thiếu nhân lực, không bố trí đủ nhân lực và nguồn lực vật chất. Tuyến xã, huyện chủ yếu là y tế kiêm nhiệm, thực chất họ chỉ coi đây là nhiệm vụ phụ thôi. “Trong khi riêng TP Bangkok (Thái Lan) có 3.000 thanh tra chuyên ngành về ATTP” – bà so sánh. Đề cập dự thảo báo cáo của đoàn giám sát coi ATTP như nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh ung thư, mỗi năm VN phát hiện thêm khoảng 200.000 ca, bà Tiến đề nghị phải cân nhắc. Bộ trưởng Tiến khẳng định nguyên nhân gây ung thư có nhiều, mà nguyên nhân hàng đầu là do các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính, viêm gan…, chứ không chỉ do ăn uống. Nếu đưa ra nhận xét không chính xác thì có thể gây hiểu lầm là “ăn gì cũng sợ ung thư”.“Nói về giải pháp đột phá, đề nghị Quốc hội cho bố trí đủ về kinh phí và con người, cơ bản nhất vẫn là người và tiền. Thứ hai là hình sự hóa các hành vi nghiêm trọng, chế tài phải nặng” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng đề nghị đoàn giám sát cân nhắc kiến nghị Bộ Công thương đưa ra điều kiện kinh doanh đối với người bán hàng rong. “Bởi hàng rong là vấn đề xã hội, liên quan đến kế sinh nhai của một bộ phận người dân, đưa ra điều kiện thì không khó nhưng liệu có tính khả thi không? Ví dụ quy định người bán hàng rong không có bệnh truyền nhiễm, nhưng kiểm soát thế nào?”. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về vấn đề này vào kỳ họp giữa năm 2017.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : %ATTPBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiếncơ sở giết mổđịa phươngkiểm trathực phẩmỦy ban Thường vụ Quốc hộivi phạmxử phạt

Các tin liên quan đến bài viết