Việc Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành về việc tính toán thu phí bảo vệ môi trường trên khí thải đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ý kiến rất khác nhau.

Tranh cãi thu phí khí thải: Theo xu hướng nhưng có đúng thời điểm? - Ảnh 1.

Xe máy cũ xả thải ra môi trường 

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng mức thu phí và lộ trình để đảm bảo công bằng, không gây bức xúc.

Cần học hỏi các nước tiên tiến, nhưng không phải cái gì cũng áp dụng, mà cần phải xem ta phát triển mức độ nào, hạ tầng giao thông thế nào…

Ông Nguyễn Hoàng Minh

* Ông Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính): Xu hướng chung?

Hiện nay mức phí, thuế bảo vệ môi trường của VN tương đối thấp so với các nước trên thế giới. Chủ yếu mới được tính vào giá xăng dầu, nhưng tính như vậy chưa đầy đủ và không bao quát hết phí sử dụng, vì có những xăng dầu sử dụng nhưng chưa chắc đã phát thải.

Việc tính thuế phí với khí thải cũng là xu hướng chung của thế giới, vì khi có phát thải ra môi trường thì phải đảm bảo công bằng người phát thải nhiều chịu thuế cao, phát thải ít chịu thuế thấp.

Theo bảng xếp hạng của trang Global Petrol Prices vào ngày 10-9-2018, giá bán lẻ xăng của VN đứng vị trí 49 từ thấp đến cao trong tổng số 165 quốc gia. Không chỉ vậy, tỉ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của VN khoảng 35,6% đang ở mức thấp so với nhiều nước, như Hàn Quốc khoảng 63,18%, Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Singapore khoảng 67%.

Trong bối cảnh cắt giảm dòng thuế theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ phải có nguồn thu đảm bảo chi tiêu nhu cầu nhà nước và xã hội, đó là cái chung của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, không phải vì nguồn thu đang giảm xuống nhanh chóng mà tính tăng thuế này.

Theo tôi, rõ ràng việc tính đến việc thu phí xả thải ra môi trường là xu hướng cần thiết mà nhiều nước áp dụng.

Song cần lưu ý mức áp dụng sao cho phù hợp với từng loại động cơ, từng loại xe sử dụng nguyên liệu hay hệ thống máy móc. Theo đó, cần xem ở các nước các mức thu, ví dụ với xe đạt tiêu chuẩn đặt ra Euro 4 và Euro 5 trung bình là bao nhiêu, hoặc mức thấp hơn là bao nhiêu.

Mức tính toán này phải phù hợp và không tăng cao quá so với mặt bằng chung so với quốc gia Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Hoàng Minh (chủ tịch Công ty TM-DV Nguyên Minh, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hà Nội): Không phải cái gì cũng học thế giới

Trước khi Nhà nước ban hành thì cần xem xét kỹ lưỡng quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Bởi vì việc Nhà nước tính toán thu thuế phải trên cơ sở khoa học, hợp tình hợp lý, người dân và doanh nghiệp chịu đựng được.

Quốc hội vừa thông qua thuế bảo vệ môi trường thì đó là bảo vệ môi trường rồi, giờ tăng thêm là phí chồng phí, nên là cần hết sức cân nhắc trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Giờ điều chỉnh lên dễ nhưng khi xảy ra hệ lụy thì khó khắc phục.

Nhiều nước đã áp dụng, nhưng thu phí khí thải là vấn đề khó. Cần học hỏi các nước tiên tiến, nhưng không phải cái gì cũng áp dụng, mà cần phải xem ta phát triển mức độ nào, hạ tầng giao thông, cảnh quan và môi trường của ta như thế nào, có tương xứng.

Ta đang là đất nước đang phát triển, nếu đem áp không đúng thời điểm có thể trở thành phản tác dụng và gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp.

Nên tính toán dòng xe đáp ứng tiêu chuẩn cao, có thể đánh thuế thấp. Không chỉ xe mà các phương tiện, động cơ khác như nhà máy, công sở cũng xả thải… Liệu Nhà nước có áp dụng phí cho công bằng và công khai minh bạch? Rồi khoản thu này vào đâu, quỹ gì và sử dụng ra sao?

Do đó, lộ trình này là lâu dài, công khai để bàn thảo, ý kiến đóng góp, tham khảo ý kiến người dân và doanh nghiệp thì mới có đồng thuận. Nếu đóng thuế minh bạch rõ ràng, hợp tình hợp lý thì tôi tin sẽ được ủng hộ.

Ông N.V.M. (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH V.C.M): Cân nhắc tác động dây chuyền

Cần giải thích rõ hơn các lý do thu thêm loại phí bảo vệ môi trường trên khí thải. Nếu đánh thêm phí trên khí thải, cách dễ nhất là thu qua giá xăng dầu, tác động trực tiếp đến chi phí logistics.

Trong khi đó, chi phí này ở VN đã được nói đến nhiều, đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu áp thêm phí khí thải, chắc chắn sẽ tác động, tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN.

Tăng chi phí vận tải sẽ tác động dây chuyền lên hầu hết các ngành, góp phần đẩy lạm phát tăng. Vì vậy, cần đánh giá kỹ tính hợp lý và thời điểm. Thời điểm này tôi nghĩ chưa nên thu phí.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giá xăng dầukhí thảithu phíthuế bảo vệ môi trườngxe máy cũ

Các tin liên quan đến bài viết