Bên bờ sông Liên, một trang trại heo rừng lai và rừng keo bạt ngàn mỗi năm cho những người lính nơi đây thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trang trại của người lính Ba Tơ
Trung tá Phạm Văn Viên tại trang trại của người lính nơi chiến khu xưa 

Trở về An toàn khu (ATK) của đội du kích Ba Tơ hào hùng năm xưa, các chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi trong thời bình đang làm ăn kinh tế song song với nhiệm vụ của người lính.

Người mở đường
Mùa này, trời ở ATK se lạnh, núi đồi xanh mướt sau khi được tắm mát bởi những trận mưa rừng. Những chú heo lao vun vút vào trong rừng keo khi thấy bóng dáng người lạ. Trung tá Phạm Văn Viên, phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ba Tơ, cho biết trang trại heo rừng lai của đơn vị lên đến vài trăm con. Ngoài việc cải thiện bữa ăn, giảm chi phí cho đơn vị, mỗi năm còn thu lãi cả trăm triệu đồng. “Trong thời bình, người lính ngoài nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho từng nhà còn phải góp phần phát triển kinh tế địa phương” – trung tá Viên khẳng định. Trung tá Viên cho biết trang trại heo rừng kết hợp trồng rừng sản xuất khởi đầu cách đây nhiều năm. Người có công lớn là ông Đinh Ngọc Vỹ, phó bí thư Huyện ủy Ba Tơ. Theo lời ông Vỹ, khi còn làm chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Ba Tơ, ông trăn trở về việc tận dụng vùng đồi núi của huyện để cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Trong một lần thăm trạm rađa 18 ở xã Đức Lân (Mộ Đức), ông thấy các chiến sĩ ở đây nuôi heo rừng lai để tăng gia và cải thiện bữa ăn. Bởi lẽ, anh em chiến sĩ rađa ở đồng bằng còn nuôi heo rừng lai được, trong khi mình đóng quân ở núi có điều kiện thuận lợi, không lẽ bó tay! “Trở về đơn vị, tôi bàn với anh em phải tăng gia thêm bằng cách nuôi heo rừng lai. Ban đầu nhiều anh em e ngại, nhưng tôi động viên, nếu sợ thì mình mua ít con nuôi thử, được thì… làm tới, thất bại thì xem đó là bài học. Ai ngờ thành công ngoài mong đợi” – ông Vỹ chia sẻ.
“Bà đỡ” của đàn heo rừng

Sau phút giây náo loạn khi thấy người lạ “viếng thăm” khu sinh sống, các chú heo rừng nhanh chóng tụ tập lại khi nghe tiếng kẻng làm bằng vỏ bom vang lên nơi góc rừng. Người đánh kẻng là trung úy Ngô Văn Cường, cán bộ trông coi vũ khí kiêm “giám thị” đàn heo rừng. Trên vai vác bó rau lớn, trung úy Cường đổ xuống nơi góc rừng keo. Những chú heo túa lại kéo rau vào rừng, một số vây lấy Cường. Khác xa với chúng tôi, đàn heo tỏ ra thân thiết với Cường. “Cả đàn ốm đau gì tôi cũng chăm nên trở thành thân thiết. Chỉ cần nghe tiếng kẻng của tôi là từ trong rừng lao ra vun vút”, Cường hào hứng khoe. Trong lúc cho ăn, Cường tranh thủ điểm lại “quân số”. Dưới sự “chỉ huy” của Cường, heo mẹ lần lượt dẫn heo con về đúng vị trí của mình mà không tranh thức ăn. Lý giải điều này, Cường bảo mỗi con heo có “độ tuổi” khác nhau thì khẩu phần ăn, cách chăm sóc cũng khác nên không cho ăn chung. “Mới đầu cũng khó bảo lắm, nhưng mình “ra hiệu lệnh” là đám nào về chỗ nấy trật tự hết. Phải trị triệt để ngay từ đầu. Không nghe lời là nhốt vào chuồng cho ăn riêng” – Cường nói vui. Trang trại heo rừng của Ban CHQS huyện Ba Tơ phát triển như hôm nay có bàn tay Cường đóng góp rất lớn, từ việc theo dõi đàn, quá trình sinh sản, bệnh tật. Những người lính trong đơn vị nói vui Cường là bác sĩ riêng và cũng là “bà đỡ” của đàn heo. Với đặc tính vào mùa sinh sản heo mẹ thường trốn biệt ngoài rừng, Cường phải đi tìm và tính ngày để nắm thời gian sinh sản, kịp thời can thiệp “ca khó”. “Chăm sóc đàn heo tuy dễ mà khó. Dễ là heo rừng lai nên có sức khỏe và kháng bệnh rất tốt. Nhưng khó là mỗi khi heo bị bệnh rất dễ lây cho cả đàn. Công việc chính của tôi là quản lý vũ khí, nhưng lúc rảnh rỗi tôi tranh thủ lên mạng Internet tìm hiểu cách chăm sóc, trị bệnh cho heo. Những bệnh thường gặp như thổ tả, tụ huyết trùng rất dễ xảy ra, nhất là mỗi khi thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường. Có chăm sóc, quan sát thường xuyên mới “bắt bệnh” được mỗi khi heo có biểu hiện lạ” – anh Cường chia sẻ. Trung tá Viên nói: “Đàn heo rừng là của toàn đơn vị nhưng Cường mới là người trực tiếp nên có đóng góp lớn. Một chiến sĩ nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tận tình trong công việc thường nhật. Đơn vị đóng ở ATK xưa với những chiến công hào hùng nên luôn cố gắng sao để không thấy hổ thẹn với cha ông”.

6 triệu đồng là số tiền Ban CHQS huyện Ba Tơ trích ra mua tám con heo giống và xin kinh phí Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng chuồng, trại – khởi điểm của trang trại heo rừng cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm ngày nay. Sau vài tháng thả nuôi, những chú heo giống được chăm sóc tốt đã lớn và bắt đầu sinh sản, tăng lên cả trăm con. Đồng thời, với rừng keo là nơi sinh sống của heo rừng, sau năm năm trồng và chăm sóc, đến nay 5ha keo đã đến ngày thu hoạch.Trung tá Phạm Văn Viên cho biết rừng keo này nếu bán phải hơn 500 triệu đồng, cộng với tiền bán heo rừng, gà, vịt nữa thì sau năm năm có thể thu nhập cả tỉ đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ba Tơchiến sĩngười línhtrang trại

Các tin liên quan đến bài viết