Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cho rằng còn nhiều vấn đề của thời hậu dịch như trang thiết bị mau hỏng có bị xem là sử dụng lãng phí tài sản công hay không, nhân viên y tế chưa nhận đủ tiền hỗ trợ chống dịch…
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội ngày 30-12, đại biểu Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết trong thời điểm dịch COVID-19, các bệnh viện tiếp nhận rất nhiều máy móc, trang thiết bị từ các nhà hảo tâm, trong đó có nhiều loại đắt tiền để hỗ trợ phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thực tế tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 với công suất 1.000 giường bệnh (nay là Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 – PV), khi được tặng một máy siêu âm thì không có chứng từ nào vì người tặng chỉ đẩy máy đến rồi nhanh chóng rời đi.
Dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, bệnh viện nhận được máy móc rất mừng nên cũng không đòi hỏi hợp đồng mua bán, chứng từ. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như nhiều cơ sở y tế khác gặp khó khăn về quy định thủ tục nhập tài sản công.
Một vấn đề nữa khiến ông Thức trăn trở là việc phun khử khuẩn, sát khuẩn trong đợt dịch COVID-19 đã phá hủy, làm gỉ sét nhiều thiết bị y tế.
“Kể cả xe cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, dù lúc nhận về rất mới nhưng sau dịch COVID-19 đã gỉ sét, thủng hết vì dung dịch phun khử khuẩn. Tôi mong cần làm rõ, minh bạch tình trạng này là do phục vụ chống dịch, tránh việc quy vào tội sử dụng lãng phí tài sản công”, ông Thức nói.
Nhân viên y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân huyện Bình Chánh (TP.HCM)
Về việc chi tiền hỗ trợ chống dịch cho nhân viên y tế, ông Thức cho hay đến nay vẫn còn nhiều người chưa nhận được. Ông đề nghị TP cần sớm hoàn tất chi hỗ trợ cho nhân viên y tế tham gia chống dịch trước Tết Nguyên đán 2023.
“Tôi được biết Sở Y tế những ngày qua đã chủ động liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy để khẩn trương hoàn tất các thủ tục chi cho nhân viên y tế. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nhân viên y tế chưa nhận được”, ông Thức chia sẻ.
Theo báo cáo Sở Y tế TP.HCM, có 43.731 người đến từ các đơn vị y tế công lập, y tế tư nhân và các giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP tham gia chống dịch. TP còn nhận sự hỗ trợ 163 đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế và các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh, thành trên cả nước với 27.532 người.
TP.HCM chưa nhận được kinh phí từ ngân sách trung ương
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ năm 2020 đến tháng 10-2022, tổng nguồn lực huy động cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Y tế là hơn 12,7 ngàn tỉ đồng.
Trong đó, kinh phí từ ngân sách trung ương là 0 đồng, kinh phí từ ngân sách TP.HCM là hơn hơn 11,5 ngàn tỉ đồng, hơn 204 tỉ đồng từ nguồn huy động khác và hiện vật quy đổi tương đương 957 triệu đồng.
Nguồn: tuoitre.vn