Đang đánh bắt cá hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá QNg 90289 do ông Bùi Ngọc Lành làm chủ kiêm thuyền trưởng bị tàu nước ngoài mang số hiệu 46106 đâm chìm.

 

Trắng tay sau cú đâm đoạt mạng ở Hoàng Sa - Ảnh 1.

Từ chỗ là chủ tàu, ngư dân Trung giờ đi vá lưới thuê sau khi chiếc tàu hùn vốn cùng ông Lành bị đâm chìm

Là ngư dân đi đánh cá đâu có mục đích chính trị gì. Nhưng tàu 46106 cố tình đâm và chúng tôi cũng cố tránh nhưng không được mới lâm cảnh này chứ chẳng ai mong muốn

Ngư dân BÙI NGỌC LÀNH

Dù đã mua bảo hiểm, cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí có cả clip quay lại cảnh tàu 46106 tông liên tiếp hai lần khiến tàu cá chìm nhưng ông Lành vẫn không được đền bù vì những điều khoản oái oăm ghi trong hợp đồng.

Người về, thuyền mất

Ngư dân Bùi Ngọc Lành (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 90289, kể: chiều 7-8-2017, khi đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu nước ngoài mang số hiệu 46106 truy đuổi, đâm chìm.

“Sáu anh em trên tàu may mắn được cứu sống, còn tàu cá thì mãi nằm lại Hoàng Sa” – ông Lành kể.

 Theo lời của ngư dân Nguyễn Văn Trung (một trong sáu người góp vốn đóng tàu): “Chưa kể bạc tỉ nợ ngân hàng và nợ vay ở bên ngoài, chỉ riêng hơn 100 triệu đồng mượn chủ nậu mua tổn phí đi biển chuyến đó thôi đến giờ vẫn chưa trả xong. Chủ nợ đòi liên tục”.

Cú đâm trí mạng trên không chỉ đẩy tàu cá của ông Lành xuống biển mà còn đẩy cả cuộc sống của các ngư dân vào cảnh khốn cùng. Không có tàu ra khơi, giờ đây các ngư dân này phải ở nhà làm nghề vá lưới kiếm sống qua ngày.

Bảo hiểm từ chối bồi thường

Lâm vào cảnh khốn cùng, hi vọng cuối cùng của ông Lành là sẽ được bảo hiểm chi trả số tiền mua bảo hiểm thân tàu trị giá 1,5 tỉ đồng. Nhưng bất ngờ mới đây, phía Tổng công ty cổ phần Bảo Minh có văn bản trả lời “từ chối bồi thường sự cố liên quan tàu cá QNg 90289”.

Theo phía Bảo Minh, nguyên nhân không bồi thường là: theo kết quả giám định nguyên nhân chìm tàu cá QNg 90289 do tàu mang số hiệu 46106 chạy tới đâm trực diện vào phía sau lái tàu cá hai lần liên tiếp, làm tàu cá bị bể lái hoàn toàn, kết cấu khung sườn bị phá vỡ, nước tràn vào gây chìm tàu.

Sự cố tổn thất này xảy ra do hành động cố ý đâm chìm của tàu mang số hiệu 46106. Vì vậy theo điều khoản loại trừ 5.4.4 Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, điều 5.4.4 trong “quy tắc bảo hiểm thân tàu cá” mà Bảo Minh áp dụng từ chối bồi thường có nội dung “Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường mọi hư hỏng, mất mát, tổn thất do hành động phá hoại hoặc khủng bố có tính chất chính trị”.

Ông Lành bức xúc nói: “Tôi là ngư dân đi đánh bắt cá có mục đích chính trị gì đâu. Ra Hoàng Sa đánh bắt thì ngư dân nào cũng phải chấp nhận việc tàu mình bị các tàu nước ngoài quấy nhiễu, truy đuổi, đâm va. Chúng tôi cũng cố né nhưng không được mới lâm cảnh này chứ ai mong muốn”.

Ông Ngô Ngọc Bính, giám đốc Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi, cho biết: bồi thường hay không là do cấp trên (Tổng công ty Bảo Minh) quyết định và phía tổng công ty đã có văn bản trả lời.

Khi được hỏi: Tại sao nhiều tàu cá từng bị tàu nước ngoài đâm chìm đều được nhận bồi thường, riêng vụ này thì không?, ông Bính bảo rằng bảo hiểm ông Lành mua cho tàu cá là bảo hiểm thông thường.

Nếu bảo hiểm theo nghị định 67 thì có điều khoản mở rộng được bồi thường. Vào thời điểm ông Lành mua bảo hiểm cho tàu thì bảo hiểm 67 đang có chủ trương tạm dừng.

Trắng tay sau cú đâm đoạt mạng ở Hoàng Sa - Ảnh 3.

Ngư dân Lành (thứ hai từ phải qua) vá lưới kiếm sống sau khi tàu bị đâm chìm 

Làm đơn cầu cứu

Theo ông Lành, từ ngày nghị định 67 ra đời, ông đều mua bảo hiểm 67 cho tàu cá của mình, nhưng đến tháng 4-2017 khi thấy bảo hiểm của tàu hết hạn, ông đăng ký mua lại thì không ai bán.

“Thế là nhân viên bảo hiểm tư vấn bán bảo hiểm này. Tuy nhiên nhân viên không nói rõ cho tôi biết loại bảo hiểm này không thể chi trả khi bị tàu nước ngoài cố tình đâm va. Chúng tôi có nói chuyện thì nhân viên bảo hiểm cũng thừa nhận cái sai của mình là không nói rõ những điều khoản loại trừ” – ông Lành nói.

Ngay sau khi nhận được thông báo của Bảo Minh, ông Lành đã làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng.

Trong đơn, ông Lành viết: “Ngư dân chúng tôi xác định khi hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là phải đối mặt với hiểm nguy, trong đó có việc phải đối mặt với tàu nước ngoài gây hấn, đâm chìm làm mất tài sản, thậm chí chết người. Nhưng vì quyền lợi và trách nhiệm, chúng tôi phải bám biển để khẳng định chủ quyền.

Ngoài ra vì biết rõ hiểm nguy nên tàu cá của tôi luôn tuân thủ đầy đủ các thủ tục, giấy tờ theo quy định, trong đó có đăng ký, đăng kiểm và bảo hiểm thân tàu, thuyền viên đầy đủ. Nhưng nay phía bảo hiểm cho rằng việc tàu nước ngoài cố ý đâm chìm là hành động phá hoại nên không chịu trách nhiệm bồi thường.

Giờ đây tàu mất, nợ nần chồng chất, con đường sống, mưu sinh của chúng tôi gần như bị cắt đứt”.

Luật gia Nguyễn Tấn Thi (Hội Luật gia TP.HCM):

Bảo Minh phải có trách nhiệm bồi thường

untitled-43

Luật gia Nguyễn Tấn Thi

Theo thông tin thì tàu QNg 90289 đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu ngoài va chạm một cách cố ý dẫn đến chìm.

Trong trường hợp này, tai nạn xảy ra đối với tàu của ngư dân không có yếu tố lỗi, không có hành vi vi phạm pháp luật của bên được bảo hiểm nên thuộc trường hợp được bồi thường theo Luật kinh doanh bảo hiểm.

Bảo Minh từ chối bồi thường vì cho rằng đây là trường hợp loại trừ đã được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên nhân viên tư vấn của Bảo Minh không giải thích cho ngư dân biết điều khoản loại trừ này là vi phạm khoản 2, điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Tuy điều khoản này đã được quy định trong hợp đồng nhưng đây là loại hợp đồng mẫu, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải giải thích cho người mua bảo hiểm biết theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Như vậy khi Bảo Minh vi phạm khoản 2, điều 16 và điểm a, khoản 2, điều 17 thì có thể xem như các điều khoản loại trừ không tồn tại đối với bên mua bảo hiểm.

Như vậy, ngư dân hoàn toàn có quyền được bồi thường và Bảo Minh có trách nhiệm nhanh chóng bồi thường cho ngư dân trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu (điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm).

Trường hợp Bảo Minh không tự nguyện bồi thường thì ngư dân có quyền khởi kiện ra tòa án, nơi doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở chính hoặc có chi nhánh để yêu cầu bồi thường.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bình Sơnđâm chìm tàuđánh cáhoàng sangư dânQuảng Ngãitàu 46106tàu cá

Các tin liên quan đến bài viết