Có một sai lầm mà giới trẻ mắc phải là họ bị ngộ nhận về trang phục. Đôi khi trang phục đi bar, vũ trường lại mặc để đến những nơi tôn nghiêm như chùa chiền…
Trang phục đi bar lại mặc vô chùa chiền
Ảnh

Nhiều bạn trẻ góp ý và đưa ra quan điểm của mình về quy định “có thể nhắc nhở, phê bình công dân ăn mặc hở hang nơi công cộng trên các phương tiện thông tin đại chúng” trong bản dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng đang được Sở Văn hóa – thể thao Hà Nội công khai để xin ý kiến đóng góp rộng rãi từ dư luận.

Thế nào là hở hang?
Lâm Huy – sinh viên năm cuối khoa văn học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) – bày tỏ: “Mặc như thế nào gọi là hở hang? Phần nhiều dựa vào… cảm tính. Mà xử phạt dựa vào cảm tính thì e rằng người được giao quyền xử phạt sẽ gặp không ít bối rối”. “Khó lòng xử phạt hết những người vi phạm vì có người mặc kín mà vẫn phản cảm, có người mặc không nhiều vải nhưng vẫn lịch sự, đẹp, hấp dẫn” – Thu Thủy, một nhân viên văn phòng thuộc công ty truyền thông tại quận Bình Thạnh, chia sẻ. Hoàng Thương – sinh viên mới ra trường thuộc khoa báo chí truyền thông (ĐH KHXH&NV TP.HCM) – băn khoăn: “Việc nêu tên nhân vật liệu có xúc phạm quyền nhân thân của họ hay không? Tại sao  không làm hòm thư góp ý để giữ kín danh tính của họ. Thông qua đó, cơ quan chức năng có thể  góp ý một cách riêng tư cho họ. Như vậy vừa xử phạt được những trường hợp vi phạm mà đảm bảo quyền công dân”. “Nên có hình thức nhắc nhở riêng đối với người đó chứ không nên nêu tên để mọi người chỉ trích hoặc phê bình” – Phương Nghi, sinh viên năm 2 Trường CĐ Phát thanh truyền hình, góp ý.
Đừng ăn mặc lạc lõng với bối cảnh xung quanh
Thạc sĩ tâm lý Vĩnh Hoàng cho rằng: “Quy tắc ứng xử nói riêng hay văn hóa nói chung vốn mang tính cộng đồng và không xuất phát từ việc đặt để, áp chế. Vì vậy thái độ tranh luận của các bạn trẻ là điều có thể hiểu được. Nó cho thấy có sự chưa tương thích giữa kỳ vọng của người đưa ra bộ quy tắc và cộng đồng được áp dụng. Việc phê bình người ăn mặc ở hang nơi công cộng không mang tính răn đe và nhiều khả năng sẽ tạo tâm lý cảm thấy bị xúc phạm. Khi đó tác dụng giáo dục như mong muốn sẽ khó thực hiện được vì tính giáo dục không thể xuất phát từ sự bêu xấu”. Trong khi đó, tiến sĩ văn hóa Tùng Hiếu lại nhận định: “Phê bình người ăn mặc hở hang nơi công cộng, tôi cho rằng chúng ta xử sự chưa đúng với một hành vi không đúng. Để định hướng tốt về thói quen ăn mặc của giới trẻ, đầu tiên cần phải phân lại không gian công cộng, nơi nào phù hợp và nơi nào không. Những nơi thoải mái thì không thể cấm đoán và buộc giới trẻ ăn mặc kín đáo được. Nhưng những nơi như chùa chiền, những không gian mang tính chất quốc thể… thì phải có quy định cụ thể như thế nào là hở hang để người đến tuân thủ. Cần lưu ý rằng giới trẻ nên biết cách lựa chọn phục trang, trang sức phù hợp khi ở những nơi khác nhau. Chẳng hạn đến nhà một người bạn thì bạn nên ăn mặc thoải mái để hòa đồng, khi đến thăm họ hàng, ông bà lớn tuổi thì mình nên ăn mặc kín đáo một chút. Tóm lại, tôi nghĩ rằng bạn trẻ nên ăn mặc như thế nào để không bị lạc lõng với bối cảnh xung quanh”. Nhà thiết kế Long Dũng chia sẻ ý kiến: “Nếu nói quy chuẩn nào về hở hang thì trong ngành thời trang chúng tôi chưa có một quy định nào rõ ràng cả. Nó chỉ phụ thuộc vào mỹ cảm của các nhà thiết kế. Tuy nhiên, khi thiết kế trang phục, chúng tôi hoàn toàn làm chủ được những trang phục của mình, tức là chúng tôi có thể cảm nhận được trang phục nào là sexy, trang phục nào không. Tuy nhiên, có một sai lầm mà giới trẻ mắc phải là họ bị ngộ nhận về trang phục. Đôi khi trang phục đi bar, vũ trường lại mặc để đến những nơi tôn nghiêm như chùa chiền…Vậy nên tôi khuyên giới trẻ rằng phải lựa chọn trang phục phù hợp với bối cảnh, không nên quá chiều “cái tôi” cá nhân mà lại gây phản cảm”.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chùa chiềnđi bargiới trẻnơi công cộngphản cảmphê bìnhtrang phụcvũ trườngxử phạt

Các tin liên quan đến bài viết