“Thông tuyến BHYT sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2021, đến lúc đó không biết bệnh viện tuyến huyện còn bệnh nhân không”, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa trăn trở.

Đây là một trong những phát biểu của bác sĩ Phạm Tấn Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa tại hội nghị tập huấn về thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) vừa tổ chức tại TP.HCM vào chiều 30/12.

Tại hội nghị, bác sĩ Đức cho rằng, chỉ thị 25 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT không hề đề cập đến vai trò của y tế cơ sở, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện, xã. Trong khi đó, chỉ thị nói rất nhiều về tuyến tỉnh.

Theo ông Đức, nếu thông tuyến, bệnh viện tuyến tỉnh sẽ vừa mừng vừa lo. Mừng vì bệnh nhân sẽ nhiều hơn đồng nghĩa sẽ có thêm nguồn thu. Lo vì không đủ kinh phí để khám chữa bệnh. Còn bệnh viện tuyến huyện trở xuống sẽ rất lo.

“Thông tuyến  BHYT sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2021, đến lúc đó không biết bệnh viện tuyến huyện còn bệnh nhân không.

Bởi lẽ tuyến trên có đầy đủ phương tiện chẩn đoán, bác sĩ có tay nghề cao, người bệnh sẽ chọn những cơ sở tốt hơn. 5 năm qua, mơ ước của chúng tôi là có một máy CT 32 lát cắt. Tuy nhiên, do quy định, bệnh viện tuyến huyện không được thực hiện CT”, bác sĩ Đức băn khoăn.

Trăn trở của bác sĩ tuyến huyện khi thông tuyến bảo hiểm y tế
Bác sĩ Phạm Tấn Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, Khánh Hòa phát biểu tại cuộc họp 

Bên cạnh đó, về vấn đề ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bác sĩ Đức cũng cho rằng còn nhiều bất cập. Hiện tại, có 3 phương thức thanh toán, gồm: thanh toán theo giá dịch vụ, thanh toán theo định suất và thanh toán theo trường hợp bệnh. Tuy nhiên, tới giờ này vẫn chưa xác định được thanh toán theo phương thức nào.

Hiện số tiền vượt dự toán, BHYT không thanh toán, nợ đọng trên dưới 20 tỷ đồng.

“Hàng quý, BHXH thanh toán 80% của quý trước và 20% còn lại của các quý lại không chi trả. Chưa kể phần chi vượt quỹ từ năm 2017-2018 đến nay vẫn chưa trả.

Chúng tôi là bệnh viện tự chủ, mà nợ đọng trên dưới 20 tỷ, rồi nay mai thông tuyến tỉnh thì tương lai các bệnh viện tuyến huyện như chúng tôi cực kỳ khó khăn. Bây giờ, chúng tôi không có gì để trả tiền thuốc, tiền lương”, bác sĩ Đức nghẹn ngào nói.

Phản hồi thông tin của bác sĩ Đức, Tiến sĩ Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, về Chỉ thị 25, trong hướng dẫn chỉ có vài dòng nói về y tế cơ sở. Bởi trước đây đã từng đề cập và có những giải pháp bàn về chất lượng y tế cơ sở.

Về dự toán giao cho các cơ sở khám chữa bệnh, vấn đề này đã báo cáo Quốc hội. Quốc hội nhận ra việc giao dự toán là không có căn cứ pháp  lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân, ảnh hưởng hoạt động của bệnh viện.

Vì vậy, ngày 26/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thực hiện giao dự toán nữa. Hiện tại, ngành y tế đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo bác sĩ Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, nhiều khả năng năm 2021 sẽ không còn việc giao dự toán. Lý do là thông tuyến sẽ làm tăng số lượng khám, chữa bệnh ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bảo hiểm y tếđiều trị bệnhthông tuyến BHYT

Các tin liên quan đến bài viết