Theo bà Hiền, các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm thường có xu hướng xuất hiện từ rất sớm. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 1/10 số trẻ em từ 5-16 tuổi trên thế giới có tiền đề cho 1 chẩn đoán về sức khỏe tâm thần, ½ vấn đề về sức khỏe tâm thần khởi phát từ năm 14 tuổi.
Cụ thể hơn về bệnh trầm cảm, đây là loại rối loạn tâm thần hướng nội phổ biến nhất. Có 20% dân số toàn cầu từng trải qua trầm cảm trước khi bước vào lứa tuổi trưởng thành, 5% trong số này diễn biến nặng thành trầm cảm mãn tính. Trầm cảm cũng làm suy giảm các chức năng học tập và giao tiếp xã hội của trẻ vị thành niên, đồng thời kích thích các hành vi có nguy cơ như: hút thuốc, đua xe, sử dụng chất kích thích,…
Có 8 nhóm trẻ vị thành niên có nguy cơ này:
-Trẻ vị thành niên thường xuyên có cảm giác đau khổ, khó chịu hoặc kích động;
– Có cảm giác vô vọng và vô giá trị, thường đi kèm với bệnh trầm cảm;
– Những trẻ đã từng có hành vi tự sát trước đó;
– Những trẻ sống trong gia đình có người trầm cảm hay từng tự sát;
– Những trẻ vị thành niên bị lạm dụng về thể chất, tình cảm hay tình dục;
– Những trẻ vị thành niên cô đơn, ít bạn bè hay bị bắt nạt;
– Trẻ vị thành niên phải đấu tranh về mặt giới tính khi bị kì thị;
– Trẻ vị thành niên trải qua biến cố trong cuộc sống (cha mẹ li dị hoặc gặp vấn đề pháp luật).
Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Tiến sĩ Thu Hiền chia sẻ, từ trước tới nay các bậc phụ huynh rất ít khi để ý tới sức khỏe “tâm thần” của các con, thậm chí đây còn là một từ ngữ mang tính kì thị. Nhưng sức khỏe tâm thần là người anh em song sinh của sức khỏe thể chất nên mọi người cần hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm được chia làm 4 dạng biểu hiện chính bao gồm: Cảm xúc, Cơ thể, Hành vi và suy nghĩ. Nếu trẻ có ít nhất 4 dấu hiệu thuộc 1 trong 4 dạng biểu hiện trên thì các bậc phụ huynh cần tìm tới các chuyên gia tâm lý để nhận được đánh giá chính xác nhất.
Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm về hành vi bao gồm: rối loạn ăn uống, khó ra quyết định, giảm giao tiếp, rối loạn giấc ngủ, tự làm đau bản thân mình, giảm hứng thú, khóc không rõ lí do và muốn nghỉ học.
Các dấu hiệu về mặt cơ thể bao gồm: tinh thần mệt mỏi, dáng đi lờ đờ, giảm hoặc tăng cân đột ngột, luôn có cảm giác đau nhức dù không có vấn đề nào về thể chất.
Các dấu hiệu về mặt suy nghĩ bao gồm: Cảm thấy bi quan, vô dụng, không có tương lai, có suy nghĩ về cái chết. Nếu nặng thì có ảo giác và hoang tưởng (loạn thần).
Các dấu hiệu về mặt cảm xúc bao gồm: tính thình thay đổi đột ngột trong thời gian ngắn, hay cáu kỉnh, thường xuyên cảm thấy trống rỗng.
Đồng hành cùng con phòng ngừa trầm cảm
Chia sẻ với các phụ huynh Trường PTLC Olympia, TS Hiền kể lại một câu chuyện: “Có một trường hợp trầm cảm mà tôi nhớ rất rõ, khi tôi gặp cô bé lần đầu tiên thì em 16 tuổi, tìm tới tôi theo lời khuyên của bạn bè. Khi ấy tôi đã nói rằng cần gặp trực tiếp phụ huynh vì đây là 1 quy tắc nghề nghiệp. Nhưng cô bé chia sẻ rằng dù đã thăm khám ở nhiều bệnh viện nhưng về nhà thì mẹ luôn xé kết quả rồi bảo mày chả làm sao, chỉ lười học thôi. Rồi gần đây, cô bé nhắn tin rằng đã đủ 18 tuổi, có thể tự chi trả cho những khóa điều trị tâm lý.
Câu chuyện này làm tôi thấy buồn, dù thực sự có nhiều phụ huynh không giỏi nhìn ra vấn đề của con, nhưng ngay cả khi con đã kêu cứu nhưng vẫn làm ngơ thì vô cùng đáng buồn và đáng quan ngại”.
Để có thể cùng con trẻ phòng ngừa bệnh trầm cảm, phụ huynh cần phải có hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, đừng ngại tìm tới các chuyên gia về việc này. Thứ hai, cần phải tạo ra một không khí gia đình ấm áp, khuyến khích các mối quan hệ đồng đẳng tích cực. Thứ ba, hãy làm một tấm gương tốt về hành vi cho các con và cuối cùng, đừng gây áp lực quá lớn lên các con.
Khép lại buổi chia sẻ, Tiến sĩ Hiền cũng trả lời một câu hỏi mà rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn: Có nên nói chuyện với con mỗi khi truyền thông đưa tin về một vụ tự sát hay không?
“Nếu chúng ta cứ tránh né vấn đề này thì nó chỉ dẫn tới những suy nghĩ cực đoan. Hãy cùng cởi mở hơn trong vấn đề này, tôi cũng có con trai trạc tuổi vụ việc nam sinh trường một trường chuyên nổi tiếng ở Hà Nội tự sát mới đây, và tôi hỏi con rằng đã bao giờ suy nghĩ như nam sinh ấy chưa?
Khi con bắt đầu trải lòng, hãy lắng nghe, lắng nghe chứ không chỉ là nghe cho biết. Ngoài ra, tuyệt đối không đưa ra những lời đánh giá và phán xét rằng hành vi đó là ngu xuẩn hay làm khổ gia đình. Người nói vô tình, người nghe hữu ý, biết đâu bạn đang phán xét chính con của mình.
Cuối cùng, tự sát là một suy nghĩ bộc phát có tính thời điểm và nó sẽ qua đi, quan trọng nhất là giúp con vượt qua thời khắc ấy” – Tiến sĩ Thu Hiền cho biết.
Nguồn: vietnamnet